Siết chặt kiểm tra sầu riêng Việt Nam xuất khẩu, doanh nghiệp cần làm gì ? |
Số liệu ước tính từ Cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chỉ đạt khoảng 120 - 130 triệu USD, tương đương sản lượng khoảng 35.000 tấn. So với kỳ vọng, đây là mức sụt giảm đáng lo ngại, khi chỉ đạt khoảng 20% kế hoạch đề ra.
Trong năm 2024, sầu riêng từng vươn lên dẫn đầu nhóm rau quả xuất khẩu với kim ngạch đạt 3,3 tỷ USD, chiếm gần 46% toàn ngành. Trung Quốc tiêu thụ hơn 90% lượng sầu riêng xuất khẩu, trở thành thị trường then chốt nhưng cũng đầy rủi ro. Việc xuất khẩu chậm lại ngay đầu năm 2025 không chỉ kéo tụt kết quả chung, mà còn gây áp lực lên thị trường nội địa. Ghi nhận cho thấy giá sầu riêng đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2024.
Dù xuất khẩu gặp khó, giá sầu riêng trong nước vẫn ghi nhận mức cao ở một số vùng trọng điểm. Ngày 9/5, tại Tiền Giang, sầu riêng Ri6 loại đẹp được thu mua tại vườn với giá 63.000 - 65.000 đồng/kg, loại xô dao động từ 48.000 - 50.000 đồng/kg. Sầu riêng Thái Lan (Dona) loại đẹp có giá 94.000 - 95.000 đồng/kg, loại xô từ 75.000 - 77.000 đồng/kg. Tại Đông Nam Bộ, giá Ri6 loại đẹp từ 60.000 - 62.000 đồng/kg, loại xô từ 42.000 - 45.000 đồng/kg. Giá sầu riêng Thái dao động từ 75.000 - 77.000 đồng/kg với loại đẹp, và 65.000 - 67.000 đồng/kg với loại xô.
![]() |
Sầu riêng Việt gặp “nút thắt vàng”: Cần gì để giữ vững ngôi vương 3,3 tỷ USD? |
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, giá hiện tại chỉ phản ánh nhu cầu ổn định tạm thời từ thị trường trong nước và những đơn hàng nhỏ lẻ xuất khẩu, chưa đủ đảm bảo bền vững. Người trồng và thương lái vẫn cần theo dõi sát diễn biến cung - cầu và các chính sách thương mại để lên kế hoạch phù hợp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nguyên nhân chính khiến xuất khẩu sầu riêng sụt giảm nằm ở các điểm nghẽn cũ chưa được tháo gỡ kịp thời: thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng về kiểm dịch thực vật, quy trình cấp mã số vùng trồng còn chậm, và hệ thống kiểm nghiệm chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật từ phía Trung Quốc.
Việc thông quan kéo dài, cộng thêm nhu cầu thị trường Trung Quốc chưa hồi phục, đã khiến dòng chảy xuất khẩu chững lại. Dù người trồng vẫn có lãi với mức thu mua tại vườn khoảng 35.000 đồng/kg, nhưng lợi nhuận giảm đáng kể so với các mùa cao điểm.
Thông tin tại cuộc họp chuyên đề về tăng cường xuất khẩu sầu riêng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định sẽ phối hợp chặt với Cục Hải quan Trung Quốc nhằm xử lý các vướng mắc kỹ thuật hiện nay. Bên cạnh đó, tiến độ cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và phòng kiểm nghiệm sẽ được đẩy nhanh. Quy trình kiểm dịch thực vật riêng cho sầu riêng sẽ sớm được ban hành, là cơ sở để đánh giá lại năng lực xuất khẩu trong năm 2025 và điều chỉnh kế hoạch phù hợp.
Về dài hạn, ngành hàng sầu riêng cần hướng tới chuẩn hóa chuỗi sản xuất - thu hoạch - chế biến - xuất khẩu. Việc phát triển các dòng sản phẩm chế biến sâu, đặc biệt là sầu riêng đông lạnh được xem là hướng đi chiến lược để nâng cao giá trị gia tăng và giảm phụ thuộc vào thị trường tươi.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, việc giữ vững vị thế của sầu riêng Việt Nam không thể chỉ dựa vào sự tăng trưởng nhanh chóng. Thay vào đó, ngành hàng này cần được xây dựng trên một nền tảng pháp lý vững chắc, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật đồng bộ, cùng với một cơ chế quản lý chủ động và minh bạch.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn phải nỗ lực hơn nữa, đồng hành sát cánh với doanh nghiệp và địa phương. Việc phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan sẽ góp phần bảo vệ thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và dần khẳng định thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường nông sản quốc tế.