Hiện nay, Việt Nam, cùng với các quốc gia khác trên thế giới, đang là đối tượng của các biện pháp thuế đối ứng từ phía Hoa Kỳ khi thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt 106 tỷ USD năm 2024.
Chính phủ Việt Nam đang tập trung chỉ đạo và triển khai các công tác chuẩn bị cho tiến trình đàm phán với Hoa Kỳ, với định hướng kiên trì theo đuổi mục tiêu xây dựng quan hệ thương mại song phương cân bằng, bền vững.
Trong đó, nhấn mạnh việc bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, đồng thời đảm bảo tuân thủ nghiêm cam kết trong khuôn khổ các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tại hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ: Sự chuẩn bị của doanh nghiệp Việt Nam”, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam tổ chức sáng ngày 09/5/2025, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC, cho biết Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đối mặt với thách thức, doanh nghiệp nên xem đây là dịp để nhìn nhận lại, đổi mới và nâng cao năng lực thích ứng, phát triển.
Chính quyền TP.HCM và cộng đồng doanh nghiệp đã và đang tập trung triển khai các hoạt động chiến lược nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ; sẵn sàng thích nghi với diễn biến tình hình kinh tế thế giới.
Đặc biệt, việc tận dụng tối đa lợi thế từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực sẽ là bước đệm để mở rộng không gian phát triển và tăng cường kết nối quốc tế.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Sơn Trần, Trợ lý Giáo sư Kinh doanh tại Đại học SUNY Cobleskill và Cố vấn Phát triển Kinh doanh cho Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – Việt Nam, cho rằng chính sách thuế của Hoa Kỳ đã chuyển dịch từ ưu tiên thương mại tự do sang thương mại mang tính chiến lược, tập trung vào chính sách công nghiệp và an ninh quốc gia. Điều này tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các nước.
Việt Nam được xem là một điểm đến hấp dẫn trong chiến lược “Trung Quốc +1”, nhưng cũng đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ Hoa Kỳ về các vấn đề như chuyển tải hàng hóa, chống bán phá giá, tiêu chuẩn lao động, nhãn mác và quy tắc xuất xứ.
![]() |
Chính quyền TP.HCM và cộng đồng doanh nghiệp đã và đang tập trung triển khai các hoạt động chiến lược nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng. |
Tiến sĩ Sơn Trần khẳng định thuế quan của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì, để đối phó hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét ba hướng chiến lược chính.
Thứ nhất là tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, bao gồm việc củng cố tài liệu chuỗi cung ứng, đảm bảo ghi nhãn xuất xứ minh bạch và sớm áp dụng các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và EU.
Thứ hai là nâng cấp chuỗi giá trị, chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình sản xuất gia công (OEM) sang mô hình nhà sản xuất thương hiệu gốc (OBM), đầu tư vào xây dựng thương hiệu, đổi mới và sở hữu cơ sở khách hàng.
Thứ ba là tăng cường sự tham gia, chủ động làm việc với các hiệp hội thương mại và nhà hoạch định chính sách, tham gia vào các cuộc thảo luận chính sách và chứng tỏ Việt Nam là một đối tác đáng tin cậy.
Song song đó, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược thương hiệu quốc gia và ngành mạnh mẽ. Việc này rất quan trọng vì bối cảnh thuế quan và giám sát quốc tế hiện tại đòi hỏi mức độ tin cậy và truy xuất nguồn gốc cao hơn.
Chiến lược thương hiệu cần chuyển đổi hình ảnh từ một nhà sản xuất chi phí thấp sang một nhà cung ứng thay thế đáng tin cậy, có khả năng cung cấp các mặt hàng đặc sản độc đáo có giá trị cao như hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản và thủy sản. Ở cấp độ ngành, cần xây dựng thương hiệu tập thể dựa trên các giá trị cốt lõi là chất lượng, tính bền vững, sự tuân thủ và niềm tin.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách ‘mở khóa’ thị trường Hoa Kỳ, ông Mohammed Selia, Giám đốc Điều hành của Công ty FulfillPlus, đã chia sẻ những hiểu biết quan trọng về các quy định và chiến lược cần thiết.
Một yếu tố cơ bản mà các nhà xuất khẩu cần nắm vững là thuế nhập khẩu Hoa Kỳ, vốn được thanh toán khi thông quan tại cảng nhập và xác định dựa trên mã HTS, giá trị khai báo cùng với xuất xứ của hàng hóa. Điều đáng lưu ý là Việt Nam hiện chưa có FTA nào với Hoa Kỳ.
Đối với từng ngành hàng cụ thể, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Mặt hàng quần áo và may mặc đối mặt với thuế suất dao động từ 10% đến 30% và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ghi nhãn của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), đồng thời đảm bảo phân loại sản phẩm chính xác để tránh gây chậm trễ không đáng có.
Ngành nội thất, đặc biệt là sản phẩm gỗ, cần lưu tâm đến rủi ro thuế chống bán phá giá và phải tuân thủ Đạo luật Lacey; một số tiểu bang như California còn có các yêu cầu riêng về chất chống cháy.
Với nông sản và thủy sản, việc đăng ký với FDA/USDA và khai báo trước khi nhập khẩu là bắt buộc, và trong nhiều trường hợp, cần đảm bảo được việc lưu trữ trong chuỗi cung ứng lạnh.
Ngược lại, hàng thủ công mỹ nghệ thường được hưởng mức thuế thấp hoặc miễn thuế, tuy nhiên cần tránh sử dụng các vật liệu có nguồn gốc từ động vật bị cấm và rất phù hợp để kinh doanh trên các nền tảng như Etsy, Amazon Handmade và kênh trực tiếp đến người tiêu dùng (DTC).
Riêng mặt hàng giày dép thường có mức thuế suất cao, có thể trên 30%, với việc phân loại dựa trên vật liệu và thiết kế, đòi hỏi sự cẩn trọng trong khâu chuẩn bị hồ sơ.
Các nhà nhập khẩu cũng nên tìm hiểu về Quy tắc De Minimis - Mục 321, một yếu tố cho phép nhập khẩu các lô hàng có giá trị bằng hoặc dưới 800 USD.
Để đạt được thành công bền vững tại thị trường Hoa Kỳ, ông Mohammed Selia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hàng tồn kho tại địa phương để giao hàng nhanh hơn và nâng cao sự hài lòng của khách hàng.
Song song đó, việc không ngừng tập trung vào chất lượng sản phẩm, đầu tư vào xây dựng thương hiệu và thiết kế bao bì hấp dẫn là những yếu tố không thể thiếu. Cuối cùng, việc hợp tác với các đối tác kho vận uy tín ngay tại Hoa Kỳ sẽ là một lợi thế chiến lược quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam.