Năm 2024, ngành rau quả Việt Nam bùng nổ với doanh thu lên tới 7,12 tỉ USD và bước sang năm 2025 với nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực nhanh chóng bị dập tắt khi số liệu quý I/2025 cho thấy sự sụt giảm mạnh mẽ, chỉ đạt 1,164 tỉ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2024 và giảm tới 22,7% so với quý IV/2024.
Theo báo cáo từ Cục Hải quan (Bộ Tài chính), thị trường châu Á hiện chiếm 74% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả, trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất với tỷ trọng 59,5%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc trong quý I/2025 chỉ đạt 512,2 triệu USD, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm 2024 – mức giảm sâu chưa từng thấy trong hơn một năm qua.
Đây chính là nguyên nhân chủ đạo khiến toàn ngành rau quả bị “hụt hơi”, khi riêng Trung Quốc đã chiếm gần 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Một điểm đáng chú ý là sự sụt giảm mạnh ở nhóm trái cây chủ lực, đặc biệt là sầu riêng, mặt hàng đóng góp tới 3,3 tỉ USD trong năm 2024, tương đương 46% giá trị xuất khẩu toàn ngành.
![]() |
Xuất khẩu sầu riêng gặp khó kéo kim ngạch toàn ngành rau quả giảm sâu trong quý I/2025 |
Trong quý I/2025, giá trị xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt hơn 98 triệu USD, giảm tới 61% so với cùng kỳ năm 2024. Các mặt hàng khác như thanh long đạt 154,5 triệu USD, chuối đạt 127,7 triệu USD, cũng giảm hơn 10%.
Theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đang bị đình trệ do thời gian thông quan kéo dài bất thường. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, trước đây chỉ mất vài ngày là thông hàng, nay có lô mất cả tuần mới xong.
Nguyên nhân được cho là Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát chất lượng, đặc biệt là các tiêu chí như hàm lượng chất vàng ô và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật. Điều này khiến sản lượng xuất khẩu giảm mạnh, kéo theo toàn ngành rau quả bị ảnh hưởng dây chuyền.
Ngoài Trung Quốc, rau quả Việt Nam vẫn được xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi, nhưng tổng trị giá ở các khu vực này vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ và chưa thể bù đắp sự thiếu hụt từ thị trường Trung Quốc.
Theo các chuyên gia nhận định, để tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, ngành rau quả cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đồng thời chuẩn hóa chất lượng và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là với các sản phẩm chiến lược như sầu riêng, thanh long và chuối.
Với sự khởi đầu khó khăn trong quý I/2025, mục tiêu tăng trưởng của ngành rau quả Việt Nam trong năm 2025 đang đứng trước thách thức lớn. Nếu vấn đề kiểm soát chất lượng không được tháo gỡ kịp thời, cùng với việc thiếu phương án thị trường thay thế, xuất khẩu rau quả nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục đối mặt với khó khăn trong các quý tiếp theo.