Doanh nghiệp tăng cường kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu ngay từ đầu vào |
Sầu riêng là mặt hàng từng giúp ngành trái cây Việt lập kỷ lục xuất khẩu trong năm 2023 đang rơi vào chu kỳ sụt giảm mạnh mẽ. Xuất khẩu giảm hơn một nửa, giá nội địa lao dốc, trong khi sức ép cạnh tranh từ các nước trong khu vực ngày càng lớn khiến “quả vàng” của ngành nông sản đối mặt với nhiều thử thách.
Cạnh tranh gia tăng, "sân chơi" thêm đông đối thủ
Số liệu thống kê từ Cục Hải quan cho thấy, trong tháng 3/2025, Việt Nam xuất khẩu hơn 12.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 45,4 triệu USD. Dù tăng so với tháng trước đó nhưng nếu so cùng kỳ 2024 thì sản lượng giảm 32%, còn giá trị giảm sâu tới 43,5%. Tính chung quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt 98,2 triệu USD, giảm hơn 61% so với quý I/2024.
Giá xuất khẩu bình quân sầu riêng quý I/2025 đạt 3.655 USD/tấn, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90% kim ngạch năm 2024 đã sụt mạnh, chỉ đạt gần 50 triệu USD, tương đương mức giảm trên 78%.
![]() |
Sầu riêng xuất khẩu lao dốc, quý I/2025 giảm mạnh hơn 50% so với năm ngoái |
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng, kiểm tra 100% lô hàng, thay vì kiểm tra xác suất như trước. Ngoài ra, một số lô hàng bị phát hiện chứa chất cấm như cadmium và vàng O khiến cơ quan kiểm dịch Trung Quốc tăng tần suất lấy mẫu, làm chậm thời gian thông quan. Thậm chí, có vùng trồng đã bị tạm ngưng cấp mã số do vi phạm quy chuẩn chất lượng.
Từ đầu năm 2025, Trung Quốc cũng không còn ưu tiên sầu riêng Việt Nam như trước khi mở rộng cánh cửa cho nhiều nước khác. Campuchia vừa chính thức được cấp phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, trong khi Lào và Indonesia đang trong quá trình đàm phán cuối cùng. Sự xuất hiện của các đối thủ mới, cùng với ưu thế về mùa vụ và chi phí cạnh tranh, khiến thị phần của Việt Nam đang thu hẹp nhanh chóng.
“Cú hích” nào để tránh “được mùa mất giá”?
Tại thị trường nội địa, sầu riêng Việt Nam cũng đang chứng kiến đà giảm giá chưa từng có. Tại nhiều tỉnh miền Tây – vựa sầu riêng lớn nhất cả nước – giá mua tại vườn hiện chỉ còn 28.000–30.000 đồng/kg, thấp hơn từ 25.000–30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều nhà vườn rơi vào cảnh bán không ai mua, phải chở sầu riêng ra ven đường bán lẻ hoặc đổ bỏ vì hư hỏng.
Theo các nhà vườn ở miền Tây, giá sầu riêng năm nay thấp hơn lúc chưa được xuất khẩu chính ngạch. Vườn "trúng mùa" mà bán không đủ bù chi phí. Tiền phân thuốc, công chăm sóc thì cứ tăng, mà thương lái tới ép giá dữ quá, bán ra chẳng còn đồng lời nào.
Thực tế, tình trạng “được mùa mất giá” không mới. Nhưng trong bối cảnh sầu riêng vừa bước vào chu kỳ thu hoạch rộ, thị trường xuất khẩu lại trầm lắng, thì cú rơi giá lần này càng khiến nông dân hoang mang. Đặc biệt, khi một số doanh nghiệp bị rút mã số vùng trồng hoặc đóng gói, toàn bộ sản lượng của họ không thể xuất khẩu, đổ dồn về thị trường nội địa khiến cung vượt xa cầu.
Điểm sáng duy nhất là tín hiệu tích cực từ một số thị trường mới. Quý I/2025 ghi nhận xuất khẩu sầu riêng sang Thái Lan tăng hơn 42%, Đài Loan (Trung Quốc) tăng gần 30 lần, Hong Kong (Trung Quốc) tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang Mỹ và Canada cũng khởi sắc lần lượt 35,6% và 90,6%. Đặc biệt, sầu riêng đông lạnh – sản phẩm có giá trị gia tăng cao – đang được đẩy mạnh với mức tăng trưởng ấn tượng 50,3% trong quý I, đạt hơn 31 triệu USD.
Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng này, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, ngành hàng cần thay đổi tư duy, không thể làm theo kiểu mạnh ai nấy làm, không ghi chép, không kiểm soát. Muốn giữ được thị trường lâu dài, sản phẩm phải sạch từ gốc. Điều này đồng nghĩa với việc nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, có nhật ký canh tác, vùng trồng đạt chuẩn. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc, quản lý chặt mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, đồng thời đầu tư vào bảo quản và chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm.
Sầu riêng từng giúp ngành rau quả đạt mốc kỷ lục hơn 5 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2023. Nhưng để duy trì vị thế này, không thể trông chờ vào những “cú hích” tạm thời. Con đường phía trước đòi hỏi cả chuỗi ngành hàng phải chuyển mình, từ người trồng cho đến doanh nghiệp xuất khẩu nếu không muốn đánh mất “trái ngọt” vào tay đối thủ.