Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Nền kinh tế năm 2022 phục hồi nhanh

10:34 09/05/2023

Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 9-12/5 sẽ cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước...

Ảnh minh họa
Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

Sáng 9/5/2023, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 23 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022 nước ta đạt được nhiều thành quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế phục hồi nhanh, là một trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng cao, kiểm soát được lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Mặc dù còn có chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, nhưng trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước còn có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những hậu quả để lại rất nặng nề của đại dịch COVID-19, nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới và tác động từ cuộc xung đột Nga – Ucraina, với quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, chúng ta đã vượt qua các khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra, vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả, bảo đảm quốc phòng, an ninh… 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, với vị thế là một nền kinh tế có độ mở lớn, tuy nhiên quy mô còn khiêm tốn và năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, kinh tế nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới, nhất là xuất nhập khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, thu hút đầu tư, kinh doanh bất động sản… 

Mặc dù vậy, bước sang tháng 4, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn ban hành từ đầu năm đến nay bắt đầu có hiệu ứng tác động, tháng 4 cũng là tháng bước vào giai đoạn đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, nhất là du lịch. Nhờ đó, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn về dòng tiền trong nền kinh tế,… Tình hình KTXH tháng 4 và 4 tháng/2023 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Báo cáo đầy đủ đã đánh giá chi tiết tình hình triển khai thực hiện, từ đó rút ra 09 nhóm kết quả đạt được, 04 nhóm hạn chế, khó khăn chủ yếu trong 04 tháng đầu năm, phân tích nguyên nhân, bối cảnh và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm… 

Về tình hình triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển KTXH đã bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển. Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh đã ban hành; tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.  

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; tiếp tục cơ cấu lại lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. 

Đồng thời, tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng, các dự án đường cao tốc, đường vành đai, đường ven biển và hạ tầng đô thị lớn; chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; làm tốt công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội; triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế…

PV/ T/h