Bình Thuận: Hai kịch bản bứt phá cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024

22:41 23/07/2024

Bình Thuận đã ghi nhận những kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2024, với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,1%, đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố cả nước.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8 - 8,5% cả năm theo Nghị quyết HĐND tỉnh, Bình Thuận cần nỗ lực vượt bậc trong 6 tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Minh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận điều hành cuộc họp báo
Ông Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận điều hành cuộc họp báo.

Trong 6 tháng đầu năm, Bình Thuận đã đạt được những thành tựu đáng kể. GRDP tăng trưởng 7,1%, du lịch phát triển sôi động với 4,59 triệu lượt khách, thu hút vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt gần 20.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng cải cách hành chính, phòng chống dịch bệnh, giáo dục đào tạo, quốc phòng - an ninh.

Anh Lê Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết
Anh Lê Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết.
Huỳnh Ngọc Thanh - Phó Giám Đốc Sở Giao Thông Vận Tải trả lời báo chí về vấn đề quy hoạch sân bay Phan Thiết
Huỳnh Ngọc Thanh - Phó Giám Đốc Sở Giao Thông Vận Tải trả lời báo chí về vấn đề quy hoạch sân bay Phan Thiết.

Lãnh đạo Sở GTVT tình Bình Thuận chia sẻ: Về tiến độ quy hoạch bến thủy nội địa, toàn tỉnh đã xác định 28 điểm tiềm năng, phân bổ tại các địa phương như thị xã Tuy Phong, huyện Bắc Bình, thành phố Phan Thiết, huyện Hàm Thuận Nam, huyện La Gi, huyện Hàm Tân và huyện Phú Quý. Vị trí và quy mô cụ thể của từng bến sẽ được quyết định dựa trên đề xuất của nhà đầu tư, Sở Giao thông Vận tải chỉ chịu trách nhiệm quy hoạch vị trí và khu vực.

Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải đã hoàn thiện hồ sơ quy hoạch và gửi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang trình UBND tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy định đầu tư. Tiến độ tiếp theo phụ thuộc vào việc điều chỉnh danh mục đầu tư và tổng kết hợp đồng BOT, BT cũ.

"Dự kiến, nếu mọi việc thuận lợi, cuối năm 2026 tỉnh sẽ có thể triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và tiến hành xây dựng các bến thủy nội địa. Chúng tôi tin rằng việc quy hoạch và xây dựng hệ thống bến thủy nội địa sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải, du lịch và thương mại", lãnh đạo Sở GTVT tình Bình Thuận cho biết.

Tuy nhiên, Bình Thuận vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, số doanh nghiệp giải thể tăng. Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp chưa đạt như kỳ vọng, du lịch tăng trưởng chưa đồng đều, chất lượng nông sản còn thấp, giải ngân vốn đầu tư công chậm, công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường còn hạn chế.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 8 - 8,5%, Bình Thuận đã đặt ra hai kịch bản tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm. Kịch bản 1 là GRDP cả năm tăng trưởng 8%, đòi hỏi tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt 8,8%. Kịch bản 2 là GRDP cả năm tăng trưởng 8,5%, đòi hỏi tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt 9,7%.

Ông Trần Nguyên Lộc, Giám Đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường phát biểu
Ông Trần Nguyên Lộc, Giám Đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phát biểu.

Để thực hiện các mục tiêu này, UBND tỉnh Bình Thuận đã xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tỉnh tập trung phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, đảm bảo thu ngân sách, tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính và đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Bình Thuận đang hướng tới việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Tỉnh tin tưởng rằng với những giải pháp quyết liệt và sự chung tay của toàn xã hội, Bình Thuận sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu mới trong thời gian tới.

Quang Duy - Vân Nguyễn