Vụ việc ở xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội:   Người dân cần câu trả lời khác

00:00 12/10/2020

(DNHN). Đã nhiều tháng nay ông Nguyễn Đức Oanh cùng nhiều người dân xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, miệt mài gõ cửa các cơ quan chức năng chỉ để mong những kiến nghị của người dân như các ông sẽ sớm được làm sáng tỏ. Nhưng  khi  “lâm trận” ông càng mệt mỏi,  bởi mọi cánh cửa đối với ông đều bị khép lại khi mà quan xã, quan huyện “bọc lót” cho nhau.

don-tu-to-tung

don-to-tung-2

Chức danh bổ nhiệm bằng ... mồm cũng được chấp nhận

Tháng 4/2015, ông Nguyễn Đức Oanh cùng 30 người dân xã Yên Thường huyện Gia Lâm thành phố Hà Nội đã làm đơn tố cáo những hành vi vi phạm của ông Nguyễn Thọ Sáng. Tại thời điểm đó ông Sáng là Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thường (nay ông Sáng là Chủ tịch UBND xã Yên Thường). Nội dung đơn tố cáo cho biết,  trong 2 năm 1998 – 1999, ông Sáng là cán bộ nhân viên văn phòng xã Yên Thường. Vậy mà trong lý lịch ông Sáng tự khai năm 1998 – 1999 ông ta giữ chức danh Xã đội phó UBND xã Yên Thường nhằm mục đích để hưởng BHXH, hưởng lương bất chính và được nâng lương trước thời hạn. Trong thời gian làm Phó Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Thọ Sáng buông lỏng quản lý, vô trách nhiệm có phần bao che dung túng để rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp.

 Ngày 28 tháng 5 năm 2015, ông Oanh  được UBKT huyện ủy Gia Lâm mời lên thông báo, trả lời kết quả giải quyết đơn thư.  Ông Oanh được ông Lê Công Đoàn, Phó chủ nhiệm UBKT huyện ủy đọc cho nghe bản kết luận dài 4 trang giấy. Ông Oanh đề nghị cho  xem, ông Đoàn nói không được. Ông Oanh muốn “xin” một bản để nghiên cứu, ông Đoàn nói “Không cho”.

zxcc (1)

Chỉ sau khi ông Oanh cùng những người dân tố cáo liên hệ trực tiếp với ông Nguyễn Trọng Dực, Chủ nhiệm UBKT thành ủy Hà Nội thì đến ngày 12/10/2015, UBKT huyện ủy Gia Lâm mới ban hành văn bản số 11-CV/KTHU về việc kết quả giải quyết đơn tố cáo gửi cho ông Oanh, nội dung kết luận như sau:

 Nội dung tố cáo đồng chí Nguyễn Thọ Sáng – Đảng ủy viên gian lận hồ sơ, lý lịch Đảng, lợi dụng thời gian làm văn phòng UBND xã tự ý khai khống cho mình 02 năm (năm 1998, 1999) làm Xã đội phó để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, hưởng lương bất chính, được nâng lương trước thời hạn là chưa đủ căn cứ vì:

- Các đồng chí nguyên lãnh đạo UBND xã Yên Thường, khẳng định, năm 1998 có phân công đồng chí Nguyễn Thọ Sáng làm Xã đội phó phụ trách về chính sách (làm công tác lập hồ sơ đề nghị khen thưởng các đối tượng tham gia kháng chiến) giúp việc cho đồng chí Nguyễn Văn Trường – Xã đội trưởng. Việc phân công đồng chí Nguyễn Thọ Sáng đảm nhiệm công việc trên không thể hiện bằng văn bản…

- Tài liệu do phòng Nội vụ huyện Gia Lâm cung cấp: năm 1998, UBND xã Yên Thường lập Biểu thống kê chất lượng cán bộ chính quyền cơ sở, đồng chí Nguyễn Thọ Sáng được xác định chức danh Văn phòng thống kê.

- Nội dung tố cáo đồng chí Nguyễn Thọ Sáng lợi dụng chức quyền hạn dung túng cho hộ gia đình ông Nguyễn Huy Cận, thôn Đỗ Xá xây dựng nhà trên đất nông nghiệp; bao che cho gia đình ông Nguyễn Thọ Thanh, gia đình bà Nguyễn Thị Bất, thôn Quy Mộng xây dựng nhà trái phép trên diện tích đất thôn bán trái thẩm quyền đã có quyết định thu hồi của UBND huyện Gia Lâm là chưa đủ cơ sở vì trong quá trình quản lý và xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng các hộ gia đình trên đều được bàn trong tập thể và có sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Chủ tịch UBND xã Yên Thường.

Điều bi hài hơn là trong khi UBKT huyện ủy Giam Lâm kết luận như trên thì các ông Nguyễn Quang Trung – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thường từ năm 1994 – 2011, ông Nguyễn Đức Hiệp – Phó Trưởng công an xã và bà Đàm Thị Hẹ phụ trách văn phòng UBND xã Yên Thường. 3  ông bà trên đều  là nguyên lãnh đạo xã Yên Thường thời điểm đó đồng loạt khẳng định ông Nguyễn Thọ Sáng từ năm 1998 – 2000  chỉ là cán bộ nhân viên văn phòng xã, chưa bao giờ làm công việc Xã đội phó. Không giấu nổi bức xúc bà Hẹ nói: Nếu ông Sáng làm Xã đội phó tại sao người quản lý trực tiếp là tôi lại không được biết?

Nguyên tắc khai lý lịch cá nhân, lý lịch đảng viên cũng như hồ sơ bảo hiểm, tại mỗi cương vị công tác, tại các mốc thời gian đều phải có các quyết định hành chính để chứng minh cho bản tự khai. Chưa hết quy trình để bổ nhiệm chức danh Xã đội phó ít nhất phải có quyết định của Chủ tịch UBND xã, phải có báo cáo cấp ủy cùng cấp và cơ quan chuyên môn cấp trên là Ban chỉ huy quân sự huyện. Đã không có quyết định bổ nhiệm bằng văn bản mà ông Sáng tự khai vào lý lịch đó là điều không ai có thể phủ nhận được hành vi này được gọi là khai khống.

 Kết luận của Ủy Ban Kiểm tra huyện ủy Gia Lâm không kết luận rõ  được việc tự khai lý lịch của ông Sáng với nội dung như trên là đúng hay sai với Điều lệ Đảng và những điều Đảng viên không được làm. Điều kỳ lạ hơn nữa, Huyện ủy Gia Lâm vẫn chỉ đạo để ông Nguyễn Thọ Sáng làm Chủ tịch UBND xã Yên Thường, trong khi ông Sáng đang bị kiểm điểm, chờ làm rõ trách nhiệm về những vi phạm trong việc thực hiện những nhiệm vụ được giao theo Kết luận của UBKT huyện ủy Gia Lâm. Điều này là sai với tinh thần Chỉ thị số: 36-CT/TW ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ Chính trị.

Không đồng tình với cách giải quyết của UBKT huyện ủy Gia Lâm, người dân Yên Thường, Gia Lâm lại tiếp tục hành trình khiếu kiện đến UBKT Thành Ủy Hà Nội, UBKT Trung ương để hy vọng sẽ có câu trả lời xác đáng.

 Quy định số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm:

Điều 13- báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch lịch sử bản thân không đúng quy đinh; kê khai tài sản thu nhập không đúng quy định; mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định; tham gia hoạt động rửa tiền.

Ban Pháp luật