Từ 01/07/2016, các công ty, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hình sự khi vi phạm pháp luật hình sự

00:00 12/10/2020

Từ ngày 01/07/2016, Bộ Luật Hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành. Đây là lần đầu tiên pháp luật Hình sự nước ta quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại khi có hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Đây là một đổi mới vô cùng quan trọng trong lĩnh vực hình sự.

Bản chất của pháp nhân thương mại hoàn toàn khác với cá nhân, nên các quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại cũng không giống với cá nhân phạm tội. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự, pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Pháp nhân thương mại sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện theo quy định tại điều 75, Bộ luật Hình sự 2015:

“a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

  1. b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
  2. c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
  3. d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.”

Bộ luật này còn chỉ rõ phạm vi chịu trách nhiệm của pháp nhân thương mại bao gồm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về môi trường. The đó, chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại điều này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về vấn đề hình phạt, Bộ luật Hình sự quy định hình phạt đối với pháp nhân phạm tội bao gồm 2 loại: hình phạt chính (phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn) và hình phạt bổ sung (cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính). Như vậy, có thể thấy đối với pháp nhân thương mại, hình phạt tiền có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung, chỉ được áp dụng một hình phạt chính đối với mỗi tội phạm, và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung. Hình phạt tù và một số hình phạt khác áp dụng cho cá nhân nhưng không áp dụng cho pháp nhân thương mại. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

Khi tiến hành xét xử, Tòa án còn có thể quyết định áp dụng các biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại phạm tội như sau:

  • Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm;
  • Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi;
  • Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
  • Buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.

Ngoài ra Bộ luật còn quy định về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại (Điều 84, 85); quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội (Điều 86); tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (Điều 87); miễn hình phạt (Điều 88); xóa án tích (Điều 89); … và các quy định cụ thể về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội dối với từng loại tội phạm cụ thể.

Hồng Liên

Luật HILAP group