Tranh chấp giữa Cienco5 và Cienco5 Land: Ai đúng ai sai?

00:00 12/10/2020

Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 – CTCP (Cienco5) Lê Quang Vinh vừa có Văn bản gửi tới Bộ GTVT và Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land) – đơn vị Doanh nghiệp Dự án. Theo đó, Cienco5 với tư cách là Nhà đầu dư/Chủ đầu tư Dự án đã quyết định hủy bỏ toàn bộ các nội dung ủy quyền cũng như những lần tăng vốn Điều lệ, chuyển nhượng vốn điều lệ tại Cienco5 Land. Điều này đồng nghĩa với việc đơn vị, cá nhân nào có giao dịch, ký kết với Cienco5 Land phải ngồi lại với Cienco5 để đàm phán lại.
Mâu thuẫn giữa “mẹ” và “con”
 Trong Công văn số 642/TCT5-HĐQT ngày 25/4/2016 gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Phó tổng giám đốc Cienco5 Lê Quang Vinh đề nghị Bộ GTVT yêu cầu dừng tất cả các vấn đề liên quan đến việc chuyển nhượng Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) và dự án hoàn vốn (Khu đô thị Thanh Hà). Theo công văn, Cienco 5 là doanh nghiệp trực thuộc Bộ GTVT, cơ quan chủ quản vốn Nhà nước tại Cienco5. Trước khi cổ phần hóa, 100% vốn điều lệ tại tổng công ty là vốn sở hữu Nhà nước.
Một phần Dự án KĐT Thanh Hà A Cienco5 đang được Cienco5 Land tìm cách chuyển nhượng cho Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh của đại gia
Một phần Dự án KĐT Thanh Hà Cienco5A đang được Cienco5 Land tìm cách chuyển nhượng cho Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh của đại gia "điếu cày" Thanh Thản
Tại thời điểm đó, Cienco 5 là nhà đầu tư dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Cienco 5 đã thành lập doanh nghiệp dự án là Cienco5 Land (Công ty con) để triển khai dự án nói trên. Cienco 5 chi phối toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp dự án. Trong quá trình cổ phần hóa, đã có sự thay đổi và một số nhà đầu tư khác tham gia tại Cienco 5 song vốn chủ sở hữu Nhà nước vẫn chi phối hoạt động của Cienco 5. Tháng 1/2016, sau khi thực hiện bán đấu giá cổ phần của Cienco 5 thuộc sở hữu của Nhà nước cho nhà đầu tư chiến lược, tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước tại Cienco5 chiếm 40% tổng vốn điều lệ.
Sau khi nhà đầu tư mới vào tiếp quản phần vốn và nhận chuyển nhượng từ Nhà nước, với vai trò lãnh đạo mới, tổng công ty đã tiến hành xem xét lại toàn bộ các quyết định trước đây của tổng công ty liên quan tới dự án BT, dự án hoàn vốn và doanh nghiệp dự án tại Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ). Chúng tôi nhận thấy: “Việc thay đổi vốn điều lệ, chuyển nhượng vốn điều lệ tại Cienco 5 Land không phù hợp với quy định của pháp luật và định hướng ban đầu khi thành lập doanh nghiệp dự án. Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của Cienco 5 tại Cienco 5 Land chỉ còn 3% tổng vốn điều lệ (thay vì 49% vốn điều lệ Cienco 5 Land ở giai đoạn thành lập); không chi phối được hoạt động của doanh nghiệp dự án. Việc thay đổi/chuyển nhượng này có dấu hiệu mất vốn Nhà nước và có dấu hiệu của việc chuyển nhượng dự án. Việc chuyển nhượng trên chưa được chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục thoái vốn Nhà nước” - ông Lê Quang Vinh khẳng định.
Chính vì vậy, Cienco 5 đã đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cienco 5 và Cienco 5 Land rà soát lại toàn bộ tình hình triển khai thực hiện Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) và các dự án hoàn vốn (Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5A, Thanh Hà Cienco 5B và Khu đô thị Mỹ Hưng Cienco 5); quá trình hoạt động của Cienco 5 Land; quá trình thay đổi vốn điều lệ, chuyển nhượng vốn điều lệ tại Cienco 5 Land; dừng tất cả các vấn đề liên quan tới việc chuyển nhượng dự án, chuyển chủ đầu tư, nhà đầu tư đối với dự án BT và các dự án hoàn vốn; dừng việc thay đổi chuyển nhượng vốn điều lệ tại doanh nghiệp dự án.
Đáng chú ý, cũng trong ngày 25/4/2016, Phó tổng giám đốc Cienco5 Lê Quang Vinh đã gửi Công văn số 646/TCT5-HĐQT đến Cienco 5 Land về việc chấm dứt ủy quyền nhà đầu tư cho Doanh nghiệp Dự án kể từ ngày 25/4/2016. Nội dung Công văn nhấn mạnh, tất cả các nội dung ủy quyền trước đây của Cienco 5 cho Cienco 5 Land liên quan đến dự án đường trục phía Nam Hà Nội và các dự án hoàn vốn khác được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào đều không còn hiệu lực và giá trị pháp lý.
Cienco 5 là chủ thể duy nhất có toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến dự án BT và các dự án khác. Tất cả các vấn đề liên quan đến việc triển khai dự án BT và dự án hoàn vốn phải được sự chấp thuận của Cienco 5. Bất kỳ giao dịch nào được thực hiện không thông qua Cienco 5 đều được xem là vô hiệu. Mọi thay đổi liên quan đến vấn đề quản lý, điều hành, vốn doanh nghiệp dự án đều phải được sự chấp thuận trước bằng văn bản của Cienco 5.
Chuyển nhượng cổ phần trái pháp luật?
Ngày 18/4/2008, Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) được ký kết giữa Sở GTVT Hà Tây (cơ quan Nhà nước được UBND tỉnh Hà Tây ủy quyền làm đại diện) với Cienco5 (Chủ đầu tư) và Cienco5 Land (Doanh nghiệp Dự án). Theo đó, Chủ đầu tư sẽ triển khai đầu tư đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) và được hoàn trả bằng việc nhận bàn giao khu đất để thực hiện dự án khác nhằm thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hợp lý.
Nếu tranh chấp pháp lý kéo dài thì khách hàng là người chịu thiệt thòi nhất
Nếu tranh chấp pháp lý kéo dài thì khách hàng là người chịu thiệt thòi nhất
Để triển khai thực hiện dự án thì trước đó, năm 2007, Cienco5 Land đã được thành lập theo hình thức công ty cổ phần với tổng vốn điều lệ là 50 tỷ đồng, trong đó Cienco 5 sở hữu 49% vốn điều lệ (tương ứng 24,5 tỷ đồng). Mục đích thành lập Cienco 5 Land là để thực hiện dự án BT đường trục phía Nam Hà Nội. Tuy nhiên, đến năm 2015, khi Cienco5 Land tăng vốn điều lệ lên 600 tỷ đồng thì tỷ lệ cổ phần Cienco5 nắm giữ giảm xuống còn 3%. Việc không nắm cổ phần chi phối khiến Cienco5 không kiểm soát được hoạt động chuyển nhượng cổ phần tại Cienco5 Land, làm mất vốn Nhà nước. Đây là nguyên nhân dẫn đến những bất đồng giữa Cienco5 và Cienco5 Land thời gian qua. Được biết, tại thời điểm năm 2008, Cienco5 được điều hành bởi ông Dương Viết Doãn (Chủ tịch HĐQT) và ông Thân Đức Nam (TGĐ).
Theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm – Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), những việc làm trên của Cienco5 Land đã vi phạm Nghị định số 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể tại Điều 18, Điều 19 nêu rõ: “Việc chuyển nhượng (dự án) phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận; việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng dự án phải được cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư chấp thuận”. Mặt khác, theo quy định tại Điều 48, Luật Đầu tư, trong trường hợp Cienco5 Land không tuân thủ các chỉ đạo trên, Cienco 5 có quyền chấm dứt hoạt động Cienco 5 Land tại dự án BT và dự án hoàn vốn.
Còn luật sư Nguyễn Hà Luân – Trưởng Văn phòng Luật Hưng Đạo Thăng Long (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chỉ rõ: Với những sai phạm ngay từ khi thành lập, Ban lãnh đạo Cienco5 qua các thời kỳ đã buông lỏng quản lý, tạo ra một mô hình sở hữu “kỳ quặc” chưa từng có tiền lệ khi công ty mẹ (Cienco5) lại chỉ sở hữu 3% cổ phần tại công ty con (Cienco5 Land). Việc điều chỉnh vốn điều lệ và chuyển nhượng dự án cho tư nhân càng nối tiếp chuỗi sai lầm dẫn đến nguy cơ khiến Nhà nước thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.
Mặt khác, những người mua nhà, đất tại các Dự án (Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5A, Thanh Hà Cienco 5B và Khu đô thị Mỹ Hưng Cienco 5) sẽ là những người hoang mang, lo lắng và chịu nhiều thiệt thòi nhất trong câu chuyện này bởi nếu tranh chấp pháp lý giữa Nhà đầu tư/Chủ đầu tư (Cienco5), Doanh nghiệp Dự án (Cienco5 Land) và Công ty CP Tập đoàn Mường Thanh (đơn vị chấp nhận bỏ ra 1500 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ mua lại 95% cổ phần của Cienco5 Land) kéo dài thì không biết đến bao giờ họ mới được sở hữu nhà, đất tại các Dự án nêu trên. Và đó có thể là một câu hỏi không biết bao giờ mới có lời giải đáp. – Luật sư Luân cho biết thêm.
(theo tn&mt.vn)