Thái Nguyên: “ĐƯỢC VẠ - MÁ SƯNG” !

00:00 12/10/2020

(DNHN, số t12/2015). Vụ án chia di sản thừa kế theo pháp luật không đến nỗi phức tạp nhưng đã kéo dài hơn 8 năm mới tìm ra cái sai của bản án sơ thẩm từ ban đầu (2005). Có tới hơn 10 cơ quan ở cả địa phương và trung ương vào cuộc, 6 bản án được tuyên. Nhưng khi tìm ra được sai sót thì khối tài sản đã “biến mất” tự bao giờ?

quyen-va-nghia-vu-cua-doanh-nghiep.jpg Tóm tắt vụ án: Cụ Trương Công Nghế (chết ngày 29/6/1994) và cụ Đỗ Thị Hiển (chết ngày 01/11/1993) là vợ chồng có 5 người con là Trương Công Chế (chết 1993), Trương Thị Mão, Trương Công Tiến (Chết năm 2004), Trương Thị Hạnh, Trương Thị Hòa. Cụ Nghế và cụ Hiển chết không để lại di chúc. Di sản để lại gồm 02 căn nhà xây trên diện tích đất gần 300 m2 tại tổ 22 – phường Phan Đình Phùng – thành phố Thái Nguyên. Sau khi cụ Nghế và cụ Hiển qua đời các thừa kế của cụ tổ chức họp gia đình giao cho anh Trương Quang Khải (con trai ông Chế đã chết) được ở căn nhà xây cấp 4 (16 m2) diện tích đất 123,6 m2; ông Trương Quang Tiến ở căn nhà xây cấp 3 diện tích 69,9 m2 trên đất 147,6 m2. Với điều kiện chỉ được ở không được bán vì đất này là đất thờ tự của gia tộc đã hơn 100 năm. Được giao cho ở và quản lý nhưng có ý định bán hết khu đất này, anh Khải và chị Hoàn (vợ ông Tiến) đã lấy biên bản cuộc họp của các thừa kế đem đến các cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sử dụng đất mang tên mình. Phát hiện được sự việc, các thừa kế Mão, Hạnh, Hòa ngăn cản. Anh Trương Quang Khải là thừa kế thế vị phát đơn kiện các cô Mão, Hạnh, Hòa ra tòa. Bắt đầu những chuỗi ngày lao tâm khổ tứ của đại gia đình cụ Nghế và cụ Hiển theo kiện. Hành trình hơn 8 năm xét xử: Ngày 23/6/2005, tòa án thành phố Thái Nguyên xét xử chấp nhận đơn yêu cầu của anh Trương Quang Khải. Bản án bị kháng cáo của các bị đơn Mão, Hạnh, Hòa. Ngày 23/9/2005, tòa án tỉnh Thái Nguyên xử phúc thẩm quyết định giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của tòa án thành phố Thái Nguyên. Bản án phúc thẩm có đơn khiếu nại đề nghị giám đốc thẩm. Ngày 29/6/2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra kháng nghị, đề nghị Toà án tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm của tòa án Thái Nguyên. Ngày 19/9/2006, quyết định giám đốc thẩm đã không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao. Giữ nguyên các quyết định của bản án dân sự phúc thẩm của Tòa án tỉnh Thái Nguyên, xác định vụ án chia di sản thừa kế theo di chúc miệng? Quyết định giám đốc thẩm lại bị khiếu nại tới Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao. Ngày 18/9/2009, chánh án tòa án nhân dân tối cao kháng nghị quyết định giám đốc thẩm ngày 19/9/2006 của tòa dân sự tòa án nhân dân tối cao. Đề nghị hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm. Hủy quyết định giám đốc thẩm, hủy 2 bản án phúc thẩm và sơ thẩm của tỉnh và thành phố Thái nguyên giao hồ sơ vụ án cho tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên xét xử lại theo quy định của pháp luật. Ngày 10/3/2010 Quyết định giám đốc thẩm số 09/2010/DS-GĐT. Chánh án tòa án nhân dân tối cao quyết định hủy toàn bộ các bản án đã sử trước đó. Giao hồ sơ vụ án cho tòa án tỉnh Thái Nguyên xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật. Ngày 5/12/2011, tòa án tỉnh Thái Nguyên xét xử sơ thẩm lại vụ án. Quyết định bác yêu cầu khởi kiện của anh Trương Quang Khải yêu cầu xác định quyền thừa kế theo di chúc miệng, bác yêu cầu phản tố của bà Trương Thị Mão, Trương Thị Hạnh, Trương Thị Hòa về việc chia di sản chung của cụ Nghế, cụ Hiển để lại do anh Khải, chị Hoàn quản lý. Bị đơn bà Mão, Hạnh, Hòa tiếp tục có đơn kháng cáo. Ngày 2/5/2012, tòa phúc thẩm tòa án nhân dân tối cao ra bản án quyết định hủy bản án dân sự sơ thẩm ngày 5/12/2011 của tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên về tranh chấp di sản thừa kế. Xác định án sơ thảm của tòa án tỉnh Thái Nguyên mặc dù đã xác định được thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ Nghế và cụ Hiển đã hết, xác định được các đương sự đã hết quyền khởi kiện. Nhưng lại không áp dụng điều khoản quy định của pháp luật để đình chỉ giải quyết vụ án, xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý, trả lại đơn khởi kiện, chứng cứ đi kèm cho đương sự nếu có yêu cầu mà lại xử bác yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố của các đương sự là không đúng quy định của pháp luật. Như vậy vụ án dân sự chia di sản thừa kế hơn 8 năm, 6 lần xét xử ở cả 3 cấp tòa án, hơn 10 cơ quan, gồm ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao, chánh án tòa án nhân dân tối cao, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Thái Nguyên…. có ý kiến về vụ án mới tìm ra được cách giải quyết đúng pháp luật. Nhưng thật tiếc thay, lúc tìm ra được cách giải quyết đúng pháp luật thể hiện ở bản án phúc thẩm số 74/2012/DS-PT ngày 2/5/2012, thì toàn bộ khối di sản cụ Nghế và cụ Hiển để lại đã được chuyển hoàn toàn sang tên của người khác, đồng nghĩa với việc nơi thờ tự của gia đình cụ Nghế, cụ Hiển theo biên bản họp gia đình thống nhất ngày 26/11/2001 đã không còn nữa? Lời kết cũng là lời kêu cứu của các bị đơn trong vụ án. Vụ án tranh chấp di sản thừa kế xét xử đã xong, bản án phúc thẩm cuối cùng của tòa án tối cao đã có hiệu lực pháp luật. Nhưng di sản của cụ Nghế và cụ Hiển đã không còn…? Nguyên nhân sai sót của vụ án dẫn đến hậu quả này đã được tòa phúc thẩm tòa án nhân dân tối cao phán xét là do tòa án tỉnh Thái Nguyên giải quyết vụ án không đúng pháp luật, quá thời hiệu chia di sản thừa kế vẫn thụ lý giải quyết dẫn đến thiệt hại quá lớn về cả vật chất lẫn tinh thần của các bị đơn và nguyên đơn trong vụ án hơn chục năm qua. Dư luận đặc biệt quan tâm tới việc sửa sai của tòa án tỉnh Thái Nguyên đối với vụ án này. 12 năm kể từ ngày xét xử vụ án và 4 năm từ khi bản án phúc thẩm số 74/2012/DS-PT ngày 02/5/2012 có hiệu lực thi hành là quá đủ để xác định chủ nhân giải quyết oan sai này? Mong rằng tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên sớm cầu thị để sửa chữa oan sai do chính mình gây ra đối với vụ án! Nguyên Bình