Thái Nguyên: 20 năm vẫn ...chờ...

00:00 12/10/2020

Tình trạng khiếu kiện kéo dài đang là những vấn đề nhức nhối đối với xã hội. Nó phản ánh thực trạng năng lực giải quyết công việc của cấp chính quyền và chỉ số niềm tin vào các cơ quan công quyền của người dân. 23 năm chỉ là xác định cái sai của mình vẫn không giải quyết được? Chuyện có một không hai đang diễn ra ở Phú Lương, Thái Nguyên.

giai-toa-chua-dang

Anh Nguyễn Công Cường trú tại tiểu khu Cầu Trắng, thị trấn Đu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Năm 1992, anh có mua mảnh đất 100m2 của anh chị mình là ông Nguyễn Văn Mỵ ở xã Động Đạt, huyện Phú Lương (nay là thị trấn Đu) để làm nhà ở. Đã được UBND xã Động Đạt xác nhận ngày 1/6/1992, nộp thuế trước bạ ngày 6/10/1993 theo biên lai số N0006751. Nguồn gốc thửa đất này là do ông Mỵ mua của bà Vũ Thị Thơm ở xóm Thọ Lâm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương. Sau đó ông Mỵ bán cho 3 người trong đó có anh Nguyễn Công Cường (những người cùng mua với anh Cường đã được làm nhà ở). Ngay sau thời gian mua, san lấp mặt bằng xong thửa đất này, anh Cường đã không được sử dụng, mà dân cư khu vực phía sau và đơn vị kho Quân đội K24 sử dụng làm đường đi từ đó đến nay. (Đường cũ của khu vực này ở chỗ khác).

Để giữ đất của mình, anh Cường đã tiến hành rào lại, nhưng lãnh đạo thị trấn nói “Nhà nước lấy làm đường sẽ bồi thường trả cho chỗ khác”, nên anh Cường không rào nữa.

Tin vào lời nói của lãnh đạo thị trấn, đợi đến 15 năm sau (2007) vẫn không có hồi âm giải quyết bồi thường, anh Cường đi lại nhiều nơi kêu cứu. Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện tiếp nhận thông tin và trực tiếp lãnh đạo phòng là bà Dương Thị Quỳnh (nay là Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường) cho ý kiến giải quyết: “Đất của anh ở đâu thì về rào mà giữ”. Tin đây là cách giải quyết của người có thẩm quyền. Anh Cường cho rào lại phần đất của mình để chuẩn bị làm nhà ở thì ngay lập tức đủ các cơ quan, ban ngành của khu phố, thị trấn, huyện Phú Lương, Quân khu I… đến lập biên bản yêu cầu phá dỡ, nếu không sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật.

Biết rằng đất của mình mà mình không có quyền sử dụng là vô cùng phi lý. Nhưng trước “uy lực” của các cơ quan chức năng đến lập biên bản, anh Cường đã tự giác tháo dỡ hàng rào, để lại tiếp tục một chặng đường đến các cơ quan công quyền khiếu kiện xin được nhận lại quyền lợi chính đáng của mình.

8 năm tiếp theo kể từ khi nghe ý kiến “giải quyết” của lãnh đạo Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện để bị lập biên bản (năm 2007), anh Cường vẫn kiên trì đến các cơ quan công quyền từ thị trấn Đu đến các phòng ban liên quan của huyện. Năm 2013, anh Cường có đơn vượt cấp gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, đề nghị được xem xét quyền lợi chính đáng của mình. Đơn của anh đã được chuyển về UBND huyện Phú Lương để giải quyết.

Nghiên cứu tiếp 1 năm sau, ngày 13/11/2014 UBND huyện Phú Lương đã có công văn giao nhiệm vụ đến Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng Kinh tế hạ tầng, văn phòng đăng ký QSDĐ, UBND thị trấn Đu với những công việc cụ thể của từng phòng, ban trong việc giải quyết đơn của anh Nguyễn Công Cường. Thời gian UBND giao cụ thể xong trước ngày 05/12/2014.

Hy vọng tràn đầy, nghĩ rằng với cách giải quyết cụ thể của UBND huyện Phú Lương ở Công văn 1853/UBND-TNMT do Phó Chủ tịch Phạm Đình Công ký, chắc chắn việc nhận lại đất của mình đã mua hợp pháp hơn 20 năm qua sẽ không còn lâu hơn nữa.

Nhưng hy vọng vẫn chỉ là hy vọng! Đã hơn 15 tháng qua kể từ khi UBND huyện ra công văn yêu cầu các phòng ban giải quyết, vụ việc vẫn dậm chân tại chỗ?

Chứng kiến tình trạng trì trệ này, tác giả bài viết được dự buổi làm việc với văn phòng UBND huyện và phòng chuyên môn ở huyện Phú Lương về sự việc trên của anh Nguyễn Công Cường. Nghe trực tiếp ý kiến phát biểu của người chắp bút công văn giao việc của UBND huyện cho các phòng ban chuyên môn mới thấy rõ hơn thực trạng của bộ máy chuyên môn tắc trách, thiếu hiệu quả trong xử lý công việc của dân. Công văn giao việc của UBND huyện đến nay vẫn không hề có hồi âm kết quả. Ngược lại khi phát văn bản giao việc, UBND huyện cũng “quên luôn” việc kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ đối với cấp dưới của mình?

Mua đất làm nhà ở, nhưng quá nửa đời người vẫn chưa có đất để làm nhà. Nhưng tệ hơn cả là anh Cường không biết được mình đúng sai ở đâu trong vụ việc này?

Yếu kém, tắc trách hay vô cảm trước nỗi khổ của dân? Đây là những câu hỏi mà dư luận đặt ra đối với các cơ quan liên quan ở huyện Phú Lương.

Sự việc dù có phức tạp đến mấy nhưng đã 23 năm mà vẫn để dân “chờ” là không thể chấp nhận được.

Doanh nghiệp & Hội nhập sẽ trở lại vụ việc khi có thêm thông tin mới.

Nguyên Bình