Sửa Luật Đầu tư công: 'Nới' nhưng không để 'lỏng'

00:00 12/10/2020

Luật Đầu tư công năm 2015 đã đem lại những kết quả tích cực trong siết chặt kỷ luật, nâng cao hiệu quả trong đầu tư công. Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện, Luật bộc lộ một số hạn chế mà thường được nhắc đến nhất là quy trình, thủ tục phức tạp, cứng nhắc, chưa phù hợp thực tiễn.

Việc mở rộng phạm vi "dự án khẩn cấp" là không hợp lý, có thể dẫn đến tình trạng một số dự án không thực sự khẩn cấp sẽ được coi là khẩn cấp.

Việc sửa luật là cần thiết nhưng vấn đề đặt ra là sửa luật thế nào để tháo gỡ vướng mắc, thông thoáng về thủ tục nhưng vẫn phải đảm bảo giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương về đầu tư và tài chính, thống nhất với các luật hiện hành. 

Mở quá rộng phạm vi “dự án khẩn cấp”,  “nợ đọng XDCB”

Một trong những nhóm vấn đề được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) là các khái niệm về dự án đầu tư công, dự án đầu tư công khẩn cấp, vốn đầu tư công, chủ trương đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư... Trong đó, khái niệm về dự án đầu tư công khẩn cấp được mở rộng theo hướng quy định cụ thể các tình huống và trường hợp đặc thù do Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội cho rằng, việc mở rộng phạm vi "dự án khẩn cấp" là không hợp lý, có thể dẫn đến tình trạng một số dự án không thực sự khẩn cấp sẽ được coi là khẩn cấp và được áp dụng quy trình phê duyệt đặc biệt theo hướng rút gọn, không bảo đảm yêu cầu quản lý, dẫn đến lách luật, không kiểm soát được hiệu quả đầu tư… 

Về nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), dự thảo luật mở rộng khái niệm nợ đọng XDCB là giá trị khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu của dự án thuộc kế hoạch đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cao hơn tổng mức vốn đã dự kiến bố trí trong kế hoạch đầu tư trung hạn được cấp có thẩm quyền quyết định của chương trình, dự án. Về vấn đề này, các ý kiến của cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định như vậy là khá rộng rất dễ dẫn đến tình trạng không kiểm soát được nợ đọng. Hơn nữa, việc gây ra nợ đọng XDCB là một trong các hành vi bị cấm trong đầu tư công. 

Một nội dung khác cũng được mở rộng trong dự thảo là điều kiện quyết định chủ trương đầu tư. Theo đó, dự thảo bổ sung nhóm các dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư gồm các dự án thuộc quy hoạch đã được phê duyệt, các dự án thuộc diện khẩn cấp, các dự án đặc biệt khác... Tuy nhiên, UBTCNS cho rằng, quy định này chưa đảm bảo tính chặt chẽ vì sẽ dẫn đến rất nhiều các dự án có thể áp dụng thủ tục rút gọn, không cần quyết định chủ trương đầu tư mà vẫn được phân bổ vốn bởi về cơ bản, hầu hết dự án đều có trong quy hoạch. Hơn nữa, dự thảo luật còn mở quá rộng tiêu chí xác định dự án khẩn cấp, nếu vậy số lượng dự án khẩn cấp sẽ tăng lên nhiều so với hiện nay. Còn quy định thế nào là dự án "đặc biệt" cũng chưa được làm rõ trong dự thảo luật. Quy định này sẽ dẫn đến thiếu tính công khai, minh bạch, thiếu công bằng, tạo ra nhiều ngoại lệ. Vì vậy, cần rà soát, điều chỉnh lại theo hướng chặt chẽ, cụ thể, minh bạch. 

Thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công  

 Quy định về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư cũng được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo. Tuy nhiên, qua thẩm tra sơ bộ, UBTCNS đánh giá quy định về trình tự quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi tại Điều 25 của dự thảo là rất phức tạp, không xử lý được những vướng mắc hiện nay. Để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017, cơ quan thẩm tra đề nghị điều chỉnh nội dung theo hướng: Bộ Tài chính chủ trì xây dựng định hướng hợp tác và lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA; chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất tài trợ chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, thay vì quy định cả hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cùng báo cáo Thủ tướng. 

Bên cạnh đó, một số quy định về trình tự, mốc thời gian lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch vốn trong dự thảo chưa thống nhất với quy định tại Luật Ngân sách nhà nước (NSNN). Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu điều chỉnh trình tự, các mốc thời gian về lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 5 năm, 3 năm, hàng năm để đảm bảo phù hợp với Luật NSNN, khả thi trong triển khai thực hiện. 

Liên quan đến thẩm quyền và thời hạn kéo dài thời hạn giải ngân, thực tế cho thấy việc cho phép kéo quá dài thời hạn giải ngân như hiện nay đã làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, ảnh hưởng đến kỷ luật tài chính, chậm đưa các dự án vào sử dụng. Vì vậy, UBTCNS đề nghị quy định cụ thể trong luật "cấp có thẩm quyền" cho phép kéo dài thời hạn giải ngân là tổ chức, cá nhân nào. Đồng thời, thu hẹp thời hạn kéo dài, theo đó chỉ được kéo dài không quá 2 năm, thay vì quy định ‘‘cho phép kéo dài thời gian giải ngân không quá kế hoạch đầu tư công trung hạn" như hiện nay.

Một trong những ưu điểm nổi bật của Luật Đầu tư công hiện hành là khắc phục được tình trạng quyết định đầu tư không gắn với nguồn vốn, dẫn đến khó khăn cho ngân sách, lãng phí, kém hiệu quả. Tại dự thảo sửa đổi lần này, dù có mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, tạo thuận lợi hơn về quy trình thủ tục, song cơ quan thẩm tra nhấn mạnh việc phải làm rõ căn cứ, trách nhiệm trong thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để bảo đảm không được dẫn đến tình trạng nhu cầu đầu tư vượt quá khả năng cân đối vốn như đã xảy ra trên thực tế trước khi có Luật Đầu tư công và tuyệt đối tránh vi phạm điều cấm theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của luật khi quyết định chủ trương đầu tư mà không cân đối được nguồn vốn đầu tư.

Hoàng Yến