Sau đại hạn, hàng ngàn hộ nông dân Tây Nguyên trắng tay

00:00 12/10/2020

Mùa khô khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài trong nhiều tháng đã khiến hàng ngàn hộ nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên rơi vào cảnh trắng tay, có nguy cơ vỡ nợ khi các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, lúa và các loại hoa màu bị chết cháy, mất trắng hoặc giảm năng suất.

Bê kiệt sức vì thiếu thức ăn và nước uống.
Bê kiệt sức vì thiếu thức ăn và nước uống.

Cây trồng chết khô, nông dân trắng tay

Tây Nguyên đã bắt đầu vào mùa mưa, những trận mưa đầu mùa đã giải hạn cho cây trồng và người dân có nước để sinh hoạt. Song, sau đợt đại hạn năm 2016 hậu quả để lại là rất nặng nề, các tỉnh Tây Nguyên thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Thiệt hại nặng nề nhất do nắng hạn phải kể đến tỉnh Đắk Lắk, vùng trọng điểm của cà phê Việt Nam. Theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, đến đầu tháng 5-2016, toàn tỉnh có khoảng 58.655 ha cây trồng bị khô hạn nặng, trong đó diện tích mất trắng là: 1.878 ha lúa; 4.984 ha cà phê; hàng trăm ha tiêu và hoa màu khác… Thiệt hại ước tính trên 1.800 tỷ đồng.

Nông dân Gia Lai nỗ lực chống hạn.
Hết nước, máy bơm phơi nắng, cây trồng chết dần vì thiếu nước ở Gia Lai.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Mặc dù Sở đã tăng cường phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk đôn đốc các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khô hạn, kịp thời tìm các giải pháp chống hạn hiệu quả; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí phổ biến, tuyên truyền về công tác chống hạn, bố trí ngân sách dự phòng, huy động nguồn lực trong nhân dân tích cực chống hạn, bảo vệ sản xuất và bảo đảm nước sinh hoạt. Thế nhưng mọi nỗ lực cũng chỉ khắc phục được phần nào, thiệt hại do nắng hạn gây ra cho Đắk Lắk là rất lớn”.

Tại địa bàn huyện Krông Búk, huyện Cư Mgar tỉnh Đắk Lắk, nơi bị thiệt hại nặng nề trong cơn đại hạn cho thấy, đã có hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh trắng tay, vỡ nợ vì hạn hán.

Bà Nguyễn Thị Hương - 43 tuổi, xã Đắk Sin, huyện Krông Buk có hơn 1ha cà phê đã bị chết cháy khó hồi phục. Bà Hương cho biết: “Đến nay, gia đình đã đầu tư hơn 30 triệu đồng để khoan giếng lấy nước tưới cứu vườn cây nhưng do nước không còn nên đành để vườn cây chết dần. Cây chết, không còn việc làm có lẽ phải cho mấy đứa nhỏ vào Bình Dương hay Đồng Nai làm thuê kiếm tiền trả nợ nếu không là đói cả nhà”.

Nông dân Gia Lai nỗ lực chống hạn.
Nông dân Gia Lai nỗ lực chống hạn.

Đắk Lắk không chỉ cây trồng bị chết cháy do nắng hạn mà vật nuôi cũng bị chết khát vì thiếu nước. Chỉ tính riêng huyện Ea Súp đã có gần 300 con gia súc, gia cầm chết, trong đó trâu bò 183 con, 100 con dê và gia cầm. Phòng NN&PTNT huyện Ea Súp nhân định: Nguyên nhân vật nuôi bị chết là do không có đủ lượng thức ăn, thiếu nước uống trong thời gian dài mùa khô, dẫn đến kiệt sức, yếu dần và chết.

Chị Nguyễn Thị Thi ở thôn 3 xã Ia R’vê, huyện Ea súp nghẹn ngào kể: “Chưa năm nào hạn hán diễn ra khốc liệt như vậy. Các năm trước, đàn bò 7 con của gia đình chăn thả ven rừng vẫn có thể kiếm được thức ăn, nước uống ở suối. Nhưng năm nay, các suối trên địa bàn đều hết nước, cỏ, cây chết khô, không có thức ăn, nước uống nên gia đình chị đã có 5 con bò bị chết đói”.

Hàng trăm ha cà phê ở Đắk Lắk bị khô hạn.
Hàng trăm ha cà phê ở Đắk Lắk bị khô hạn.

Không chỉ có nông dân Đắk Lắk rơi vào cảnh khốn khó do nắng hạn mà các tỉnh Tây Nguyên nông dân cũng rơi vào cảnh tương tự. Tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã có hàng nghìn hộ nông dân lâm vào cảnh rất khó khăn. Ông Nguyễn Văn Long - 44 tuổi, ở xã Nam Đà cho hay: “Năm nay người trồng mía chắc chắn thua lỗ, mặc dù giá mía có cao hơn năm ngoái chút ít, nhưng mía gặp đại hạn năng suất thấp thì giá cũng không bù đắp được. Một số hộ kêu thương lái đến bán mía non, nhưng không ai mua vì cây mía èo uột, không đủ tiêu chuẩn trữ lượng đường. Nhà mình có hơn 2 ha đất trồng mía, bao nhiêu tiền bạc đã đầu tư hết vào rẫy mía, gặp đại hạn này coi như trắng tay, không biết khi có mưa nhà mình lấy đâu vốn để tái đầu tư, trong khi việc đảm bảo gạo ăn cho cả nhà cũng đã khó lắm rồi.”

Mía cũng bị chết cháy trong đại hạn.
Mía cũng bị chết cháy trong đại hạn.

Hay tại Gia Lai, sau cơn đại hạn 2016 toàn tỉnh có gần 23.000 ha cây trồng bị hạn và thiếu nước tưới. Trong đó có 4.457 ha cây trồng bị mất trắng, 11.249 ha cây trồng bị giảm năng suất từ 30 – 70%, 7.143 ha cây trồng bị giảm năng suất dưới 30% và thiếu nước tưới, ước tính thiệt hại là 373 tỷ đồng. Trong đó, hồ tiêu bị thiệt hại 111,7 tỷ đồng, cà phê là 76,8 tỷ đồng, lúa, ngô và rau màu các loại là 113 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Lịnh – Phó giám đốc  Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: “Tỉnh Gia Lai cũng đã triển khai nhiều phương án chống hạn như: điều tiết nước tưới hợp lý, hỗ trợ nông dân chủ động chống hạn, chuyển đổi cây trồng phù hợp trên những vùng đất thiếu nước tưới vào mùa khô. Song thiên tai, hạn hán vẫn gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh”.

Nông dân xót xa nhìn cà phê chết cháy trong vô vọng.
Nông dân xót xa nhìn cà phê chết cháy trong vô vọng.

Chỉ là giải pháp tình thế

Trước tình hình nắng hạn kéo dài gây thiệt hại nặng cho người dân trên cả nước. Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương cần hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất sau nắng hạn. Cũng từ đó, nhiều tỉnh đã trích ngân sách địa phương và Trung ương để hỗ trợ khẩn cấp cho nông dân gồm: Cấp gạo cứu đói khẩn cấp giáp hạt, hộ nghèo; hỗ trợ nhiên liệu, vật liệu để người dân chủ động chống hạn, đồng thời khuyến cáo cho người dân các giải pháp ứng phó với nắng hạn ở Tây Nguyên, và Nam trung bộ hay ngập mặn ở đồng bằng sông Cữu Long.

Tại Đắk Lắk, UBND tỉnh đã bố trí 1,6 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng địa phương và 22,4 tỷ đồng Trung ương hỗ trợ để phân khai cho các địa phương thực hiện chống hạn. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo cứu đói giáp hạt và hạn hán cho các hộ dân thiếu đói, hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh để giải quyết khó khăn trước mắt.

Nông dân Đắk Lắk phá cà phê vì bị cháy không thể khôi phục.
Nông dân Đắk Lắk phá cà phê vì bị cháy không thể khôi phục.

Cũng để hỗ trợ cho nông dân sau hạn hán, ông Lê Văn Lịnh – PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: Hậu nắng hạn, Gia Lai đã có gần 14.000 hộ với hơn 61.000 nhân khẩu bị thiếu đói, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, và hơn 7.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh bị thiếu nước sinh hoạt, tập trung chủ yếu ở các huyện như Chư Sê, Chư Pưh, Krông Pa, Ia Pa, Kbang, Đăk Pơ…

Trước thực trạng này, tỉnh Gia Lai đã chủ động trích ngân sách để mua gạo cứu đói, đồng thời đã nhận được hỗ trợ từ Trung ương để hỗ trợ nông dân chống hạn, giảm bớt khó khăn để vượt qua thiên tai. Đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, tình thế bởi sau đại hạn nông dân còn bộn bề khó khăn cần có một chính sách căn cơ hơn, đồng bộ để giúp nông dân Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên cũng như cả nước nói chung phục hồi sản xuất nông nghiệp bền vững, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp như hiện nay./.

Ngày 28/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ  đã đi thị sát tại các vùng sản xuất của tỉnh Gia Lai.  Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhận định khô hạn không chỉ tác động nặng nề tới sản xuất nông nghiệp mà còn tác động tới sản xuất công nghiệp khi nhiều nhà máy thủy điện không thể phát điện, sản lượng đường tinh chế giảm mạnh trong thời gian qua gây ảnh hưởng tới nguồn thu thuế của địa phương. Thực tế, toàn tỉnh Gia Lai có tới 30.196 ha đất bị khô hạn, hơn 9.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, đi kèm với lốc xoáy liên tiếp đã gây thiệt hại rất lớn cho tỉnh khoảng hơn 800 tỷ đồng. Là tỉnh có nhiều nhà máy thủy điện nhưng sản lượng điện chỉ đạt 19,3% kế hoạch năm giảm 25,8%, đường tinh chế giảm 21,7% so với cùng kỳ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xem công nghệ tưới nước tiết kiệm vào gốc cây hồ tiêu. Ảnh: VGP/Thành Chung
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ xem công nghệ tưới nước tiết kiệm vào gốc cây hồ tiêu. Ảnh: VGP/Thành Chung
Về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Gia Lai sớm xây dựng đề án cho giai đoạn 2016-2020 gắn liền với nội dung thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi với thế mạnh gia súc và cây công nghiệp. Đi liền với đó, tỉnh khẩn trương làm quy hoạch sử dụng đất và quản lý chặt chẽ quy hoạch này, đảm bảo phát triển ổn định các cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu,… Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý tài nguyên nước để làm căn cứ cho các địa phương như Gia Lai thực hiện, bảo đảm giữ được nguồn nước, thực hiện tiết kiệm khi sử dụng nước của người dân và tổ chức; đặt vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu trong thực hiện quy hoạch thủy lợi cho cả vùng Tây Nguyên.

Bài &  ảnh: Đình Thắng/Baotainguyenmoitruong.vn