Sáng chế, giải pháp hữu ích - một số điều cần biết

00:00 12/10/2020

Sáng chế, giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Sáng chế, giải pháp hữu ích là tài sản trí tuệ quan trọng của doanh nghiệp, mang lại những lợi ích vô cùng to lớn và nâng cao đáng kể hiệu quả kinh doanh đối với mỗi doanh nghiệp. Vì thế, việc bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích là hết sức cần thiết. Thông qua những độc quyền có được từ việc đăng ký bảo hộ sáng chế, chủ sở hữu sáng chế có thể ngăn cấm người khác khai thác và sử dụng sáng chế đó với mục đích thương mại. Qua đó sẽ giảm áp lực cạnh tranh và tạo ra một ưu thế vượt trội trên thi trường. y-tuong Sáng chế được bảo hộ dưới hai hình thức cơ bản: - Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện: có tính mới, trình độ sáng tạo, và có khả năng áp dụng công nghiệp; - Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện: có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, quyền đối với sáng chế được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ. Vì thế, muốn được hưởng quyền đối với sáng chế phải làm đơn xin cấp văn bằng bảo hộ và nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ. Vậy, ai là người có quyền nộp đơn đăng kí sáng chế, giải pháp hữu ích? Theo quy định tại Điều 86 Luật sở hữu trí tuệ thì những tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký sáng chế:
  1. a) Tác giả tạo ra sáng chế bằng công sức và chi phí của mình;
  2. b) Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả, dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định tại điểm c) dưới đây;
  3. c) Chính phủ quy định quyền đăng ký đối với sáng chế được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước;
  4. d) Trong trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế, giải pháp hữu ích thì tất cả các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện khi tất cả các tổ chức, cá nhân đó đều đồng ý.
Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký thì có quyền chuyển giao quyền đăng ký đó cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký. Người nộp đơn sáng chế, giải pháp hữu ích cũng có thể chuyển giao quyền nộp đơn,kể cả đơn đã nộp,cho cá nhân,pháp nhân hoặc các chủ thể khác thông qua văn bản chuyển giao quyền nộp đơn. Để đăng kí sáng chế, giải pháp hữu ích, người nộp đơn cần chuẩn bị các tài liệu sau: – Bản mô tả sáng chế, giải pháp hữu ích ( bao gồm tên, phần mô tả, phần yêu cầu bảo hộ và phần tóm tắt sáng chế/ giải pháp hữu ích và hình minh họa nếu có). – Bản sao tài liệu xin hưởng quyền ưu tiên có xác nhận của cơ quan nơi đơn ưu tiên được nộp ( nếu khách hàng có xin hưởng quyền ưu tiên); – Đối với đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích ra nước ngoài thì cần thêm các tài liệu : Công bố đơn PCT, Báo cáo xét nghiệm sơ bộ quốc tế, báo cáo kết quả tra cứu quốc tế… – Thông tin đầy đủ của người nộp đơn. Hồ sơ đăng ký bao gồm: – Tờ khai Đăng ký bảo hộ sáng chế/Giải pháp hữu ích ( 02 tờ theo mẫu); – Bản mô tả sáng chế ( 02 bản, bao gồm cả hình vẽ nếu có); – Yêu cầu bảo hộ sáng chế ( 02 bản); – Các tài liệu có liên quan; – Chứng từ nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Thời hạn bảo hộ sáng chế        – Đối với Bằng độc quyền sáng chế là 20 năm. – Đối với Bằng độc quyền giải pháp hữu ích là 10 năm. Trần Phương Công ty luật HILAP