Phụ thân Thái sư Trần Thủ Độ là ai?

00:00 12/10/2020

Đây là góc khuất mà nhiều năm nay các nhà sử học dày công nghiên cứu. Từ tháng 1/2007 tại Thủ đô Hà Nội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo khoa học về "Hoằng Nghị Đại Vương và việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử - văn hóa Phương La". Tại Hội thảo này, các bài tham luận đã đưa ra nhiều cứ liệu nhận định thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ là Đức Hoằng Nghị Đại Vương, quê ở làng Mẹo (nay là thôn Phương La xã Thái Phương huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình).

 


Thái sư Trần Thủ Độ. ẢNh minh họa. Nguồn: Internet

Có được sự thống nhất và kết luận như trên là do công lao to lớn của hơn 30 nhà nghiên cứu thuộc Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học, Viện Lịch sử Quân sự... đã nhiều lần về Phương La điều tra trực tiếp các cố lão địa phương, đọc hầu hết các thư tịch Hán Nôm (câu đối, bi ký, bài vị, hoành phi...) để tìm hiểu vấn đề trên. Kết quả của các đợt điều tra điền dã của các nhà nghiên cứu lịch sử cũng góp phần làm sáng tỏ Đức Hoằng Nghị Đại Vương có húy danh là Trần Thủ Huy, thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ.

Để có góc nhìn đa chiều và thấu đáo hơn, chúng tôi xin bày tỏ những điều mà chúng tôi đã tìm hiểu xung quanh vấn đề về thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ như sau:

Hào khí Đông A

 Họ Trần dòng thống ton có chữ đệm là "Tự" cư ngụ ở Kinh Bắc. Đến đời Trần Tự An (1010 - 1077), Võ phái Đông A nổi lên trong giới võ lâm của Đại Việt.

Thời ấy, nước Đại Việt ta có ba võ phái nổi danh: Võ phái Linh Nam, võ phái Hoa Sơn và võ phái Đông A của Trần Tự An. Trước khi qua đời, Trần Tự An khuyên con trai là Trần Tự Mai nên tìm cách chuyển võ đường Đông A đi nơi khác, tránh sự xung đột với phái Hoa Sơn, có hại cho sự nghiệp chung của Võ Lâm Đại Việt.

Lúc đầu Trần Tự Mai chuyển đến ở Đông Triều, Chí Linh. Đến đời con là Trần Tự Kinh dựng trại ở Tức Mặc (Phủ Thiên Trường, Nam Định) với hai con trai làm nghề đánh cá nhưng rất giỏi võ là Trần Tự Hấp và Trần Tự Duy.

Trong dân gian còn lưu truyền một sự kiện về đất để mộ tổ linh ứng diệu kỳ với sự phát nghiệp Đế Vương của nhà Trần. Tương truyền rằng: Cụ Trần Tự Hấp con trai cả của cụ Trần Tự Kinh vẫn nối nghiệp cha làm nghề chài lưới. Vào một buổi sáng, gia đình cụ Trần Tự Hấp đang ngồi trên thuyền đánh ca tại cửa Tuần Vương (ngã ba sông Luộc đến ngã ba sông Trà Lý), cụ đã phát hiện có một chiếc rọ lớn, trong có người bị trói nằm co quắp, đang bập bềnh chìm nổi. Theo linh tính cụ biết rằng đây là một người tài đức bị hãm hại. Cụ quyết định sai thủ hạ vớt ngay và khẩn cấp cứu chữa. Khi được cưu mang thoát chết, người bị hại nói với cụ Trần Tự Hấp danh tính của mình là Đoàn Thông, thầy địa lý quê ở lộ Hồng Châu (thuộc tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay) do viên quan gian ác ở Thăng Long là Nguyễn Cố bội ước và rắp tâm sát hại. Được nhà địa lý trả ơn cứu mạng là một gò đất kết cho hay rằng gò cát địa Hỏa tinh tại hương Đa Cương phủ Long Hưng (thuộc xã Tiến Đức huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình ngày nay). Thế đất là: "Phấn đại dương giao chiếu, liên hoa đối diện sinh, tha nhật dĩ sắc đắc thiên hạ".

Dịch nghĩa:

Vàng son trời ban thưởng

Trước mặt bừng hoa sen

 Mai ngày do nhan sắc

Thu được cả giang san.

Biết được nơi đắc địa, cụ Trần Tự Hấp đã giữ kín việc di chuyển mộ cha Trần Tự Kinh đang an táng ở Tức Mặc phủ Thiên Trường (Nam Định) về mật táng tại đất Long Hưng. Kể từ thuở ấy, cuối thế kỷ XII, cụ tổ họ Trần Đại Việt xưa và Việt Nam ngày nay được an nghỉ vĩnh hằng tại vùng địa linh này. Đồng thời, cụ Trần Tự Hấp cùng gia đình chuyển hẳn lên bờ ở vùng đất Thái Đường làm nông nghiệp và coi giữ mộ Tổ. Kinh tế thịnh vượng hiển đạt, ngày càng có thế lực mạnh để bước vào vũ đại chính trị cuối thời Lý. Điều linh ứng kỳ diệu đã diễn ra đúng như thế cát địa gò Hoat tinh nghiệm trước là sau 3 đời (kể từ đời cụ Trần Tự Hấp) thì tới đời thứ tư là Trần Cảnh đã phát nghiệp Đế vương, thu cả giang san Đại Việt về tầm tay trị vì của Đức vua Trần Thái Tông (1216 - 1277) và chính Đức vua Trần Thái Tông ban sắc truy phong liệt tổ liệt tông họ Trần để tri ân cội nguồn, cung kính thờ phụng thống nhất trong toàn cõi.

 - Mục tổ Hoàng đế Trần Tự Kinh (1103 - 1190)

 - Ninh tổ Hoàng đế Trần Tự Hấp (1132 - 1206)

- Nguyên tổ Hoàng đế Trần Lý (1151 - 1210)

- Miếu hiệu Thái tổ Trần Thừa (1183 - 1210)

 Đức Hoằng Nghị Đại Vương Thân Phụ Thái Sư Trần Thủ Độ

Các tài liệu chúng tôi thu thập được cho biết: Cụ Trần Tự Hấp ở đất Thái Đường sinh ra Trần Lý, Trần Lý sinh ra Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung. Trần Thừa sinh ra Trần Liễu và Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông, là vị Hoàng đế đầu tiên của Hoàng triều Trần nước Đại Việt). Người em là Trần Tự Duy sinh ra Trần Thủ Huy, Trần Thủ Huy sinh ra Trần An Quốc, Trần An Hạ và Trần An Bang (tức Thái sư Trần Thủ Độ).

 Căn cứ theo cổ phả họ Trần còn lưu giữ được thì cụ Trần Thủ Huy là húy danh của Đức Hoằng Nghị Đại Vương - Thượng đẳng phúc thần. Cụ là người cao lớn, sức vóc cường tráng, văn võ song toàn, tài cao đức trọng. Khoảng năm 1138 - 1175, cụ chuyển lên Bến Trấn (nay thuộc thôn Phương La, Xuân La, Trác Dương của xã Thái Phương huyện Hưng Hà) khai canh lập ấp, phát triển nghề nông, hướng nhân dân đắp đê chống lụt, chống hạn, chăn nuôi, trồng trọt mùa màng tốt tươi. Cụ còn tổ chức cho nhân dân đắp đường, bắc cầu, mở chợ... Nhờ vậy mà việc lưu thông buôn bán tại khu Bến Trấn mỗi ngày một sầm uất, trù phú, nhân dân trong vùng giàu có, thịnh vượng. Cụ còn tổ chức dạy võ cho nhân dân, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tạo nên sức mạnh bảo vệ thành quả lao động do mình làm ra không bị cướp phá. Ngoài ra, cụ còn tham gia dạy chữ, dạy văn để nhân dân có tri thức, làm quan giúp dân, giúp nước. Cụ Trần Thủ Huy được vua phong là Đức Hoằng Nghị Đại Vương - Thượng đẳng phúc thần.

Ghi nhớ công đức to lớn của cụ, nhân dân trong vùng đã tôn cụ là Thành Hoàng làng của 3 thôn Phương La, Trác Dương và Xuân La, xã Thái Phương. Hiện nay, cả 3 làng đều thờ Ngài là Thành Hoàng làng - vị nhân thần sùng bái. Trong bài thơ "Đáo Trần Tổ miếu" của quan Bố chánh tỉnh Cao Bằng cử nhân Trần Đôn Phục (người xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) đã viết:

"Ứng Mão chư gia nhân thụ tứ

Hương La bách tính thế giai sùng"

Nghĩa là:

"Vùng ứng Mão mọi nhà đều đội ơn sâu

Hương La trăm họ đời đời sùng bái"

Hiện nay, khu Bến Trấn gồm 4 xã: Thái Phương, Minh Tân, Hồng An, Phúc Khánh còn nhiều dấu tích lịch sử ghi công lao to lớn của Đức Hoằng Nghị Đại Vương. Đức Hoằng Nghị Đại Vương không chỉ có công lớn đối với đất nước mà ngài còn có công sinh thành, dưỡng dục 3 người con là: Trần An Quốc Đại Vương, Trần An Hạ Đại Vương và Trần An Bang (tức Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ). Trần Thủ Độ là người sáng lập vương triều Trần, một đại quan kiệt xuất, có công lớn trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước Đại Việt.

Thuở bé, Trần Thủ Độ sống ở nước Kim, nước Liêu cùng cha mẹ. Lớn lên Trần Thủ Độ được gửi theo đoàn liên lạc ngoại giao về nước với bác là Trần Lý rồi tham gia khởi nghiệp nhà Trần. Và cũng theo đó, vì được sống và trưởng thành ở nước Kim nên Trần Thủ Độ hiểu rất rõ quân Nguyên Mông, biết chỗ mạnh, chỗ yếu của chúng và tìm ra được cách đánh thắng chúng cho nên khi chúng kéo quân sang đánh nước ta thì nhiều kẻ lo sợ muốn đầu hàng, nhưng Trần Thủ Độ lại mạnh mẽ trả lời trước Hoàng đế Trần Thái Tông: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo".

Quả nhiên giặc Nguyên - Mông một thế lực đế quốc hùng mạnh nhất, tàn bạo nhất thế giới với những tướng soái bất khả chiến bại ở thế kỷ XIII, chúng đã ngã gục và đại bại trong cả 3 lần xâm lược Đại Việt (lần thứ nhất năm 1258, lần thứ 2 năm 1285 và lần thứ 3 năm 1288).

Cao Sơn