Phim Việt: Thời của những “mánh lới” truyền thông

00:00 12/10/2020

Với phim Việt, đã xưa lắm rồi cái thời “hữu xạ tự nhiên hương”. Điện ảnh, dẫu có là “tốt gỗ” mà không có những “mánh lới” truyền thông hữu dụng, thì “bom tấn” cũng rất có thể trở thành “bom xịt” của phòng vé. Không cinetour, không showcase… đừng mơ chiếm lĩnh phòng vé Vài năm trở lại đây, với giới báo chí văn hóa giải trí, dường như những chiếc vé mời tham dự những buổi tiệc khoe phim (showcase), họp báo trước khi phim trình chiếu, những chuyến giao lưu đoàn làm phim (cinetour)… đã trở thành quá quen thuộc. Bản thân các đơn vị sản xuất phim cũng ngày càng ý thức rõ được tầm quan trọng của cinetour hay showcase… nên ngày càng xuất hiện nhiều những buổi tiệc khoe phim, những buổi giao lưu được tổ chức rầm rộ và khá sớm, từ cả tháng trước khi phim chính thức ra rạp. Chi phí cho hoạt động này được nhiều nhà làm phim hé lộ là khá tốn kém, thông thường chiếm khoảng 15% chi phí sản xuất, nhưng là khâu “không làm không được”. Được xem là đi tiên phong việc tổ chức showcase theo mô hình các nhà làm phim nước ngoài là bộ phim điện ảnh “Em là bà nội của anh”. Tháng 11/2015, ngay trong lúc “Em là bà nội của anh” còn đang trong quá trình hậu kì, các nhà sản xuất phim đã có một chương trình showcase thú vị ở hai thành phố lớn nhất nước: TP.HCM và Hà Nội để truyền thông và báo chí có thể hình dung rõ hơn về tác phẩm này. Trong sự kiện showcase, khán giả có cơ hội trải nghiệm những trích đoạn đặc sắc nhất từ bộ phim và thấy được tài năng của đội ngũ sản xuất trong việc kết hợp khéo léo yếu tố hài hước và cảm động trong các cảnh quay. Dàn diễn viên “Em là bà nội của anh” gồm Miu Lê, Hứa Vĩ Văn, Ngô Kiến Huy, Thu Trang, NSƯT Minh Đức, NSƯT Kim Xuân, Lều Phương Anh, Thảo Trang, Ba Tây, C-Tút Lâm và Trọng Hiếu Idol cùng xuất hiện. Việc phim được Việt hóa từ bộ phim Hàn Quốc ăn khách Miss Granny – “Ngoại già tuổi đôi mươi” được tiết lộ khi nhà sản xuất mang đến một clip mà diễn viên Shim Eun Kyung, nữ diễn viên chính trong phiên bản gốc Miss Granny gửi lời chào đoàn phim “Em là bà nội của anh” phiên bản Việt. Không thể thiếu tại showcase là màn trình chiếu một số trích đoạn và cảnh hậu trường, đoàn làm phim có màn giao lưu ngắn với báo chí. Những “tiết lộ bí mật” của các diễn viên chính như kiểu Miu Lê chia sẻ ban đầu cô gặp khó khi phải diễn với Ngô Kiến Huy, bởi cứ nhìn mặt bạn diễn là cô không thể nhịn cười, hay việc nữ diễn viên cho biết “chàng Bắp” rất quậy phá trên trường quay, chọc hết người nọ người kia, kể cả khi đã đến giờ đi ngủ…. sau đó đã xuất hiện trên rất nhiều bài báo, góp phần đáng kể vào việc tăng sự chú ý, háo hức, tò mò của công chúng dành cho bộ phim. Từ bước mở màn của “Em là bà nội của anh”, đến nay trước khi phim công chiếu, hầu hết các nhà sản xuất và đơn vị phát hành đều thực hiện sự kiện showcase “khoe” cả phim lẫn đoàn phim. “Bao giờ có yêu nhau”, “Nữ đại gia”, “Truy sát”, “Vệ sĩ Sài Gòn”… hay mới đây là “Em chưa 18” đều dùng showcase như một cách thức PR phim. Tuy nhiên, showcase không là chiêu thức truyền thông phổ biến duy nhất của phim Việt hiện nay. Được tổ chức rình rang và phổ biến không kém là các cinetour- chuyến giao lưu đoàn làm phim. Hầu hết các phim Việt ra rạp hiện nay đều áp dụng cinetour và tháp tùng các chuyến đi này cũng là một điều khoản ràng buộc mà đạo diễn, diễn viên phải tuân thủ trong hợp đồng ký với nhà sản xuất. Đơn cử như đoàn làm phim “Truy sát” từng phải rong ruổi nhiều ngày liền đến nhiều địa phương, từ TP. HCM. Hà Nội đến Cần Thơ, Đà Nẵng để thực hiện cinetour.   “Mánh lới” truyền thông của phim Việt không dừng lại ở đó mà ngày càng biến hóa thêm rất nhiều hình thức khác, rầm rộ và tốn kém không kém. Việc khoe phim giờ đây không chỉ diễn ra trong phòng họp báo mà còn tiến cả ra… sân vận động. Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh của “Hương Ga” và Truy sát từng không tiếc tiền tổ chức cái gọi là đêm nhạc điện ảnh-concert film tại sân vận động nhiều địa phương để quảng bá phim. Chỉ cần giữ cuống vé khi xem phim “Hương Ga”, khán giả có thể tham dự chương trình để nghe nhạc, xem ê kíp diễn viên tái hiện cảnh hành động đặc sắc trong phim. ở dạng “phiên bản” khác, để quảng bá, đoàn phim “Taxi, em tên gì?” đã tổ chức một “tiệc tương tác” ra mắt tầm cỡ với hàng trăm nghệ sĩ giới showbiz Việt tham gia cùng hàng ngàn khán giả. Các công đoạn làm phim, như các buổi thử vai (casting) vốn thường làm nội bộ, nay cũng tích cực mời truyền thông tham dự. Có bột mới gột nên hồ Thực chất những buổi khoe phim- showcase, đêm nhạc-concert hay cinetour- giao lưu phim đều là những hình thức PR, truyền thông phim học hỏi từ nước ngoài. Đây là những động thái nên làm trong cạnh tranh thu hút khán giả ngày càng khốc liệt, không chỉ giữa “bom tấn” nước ngoài với phim Việt mà còn giữa phim Việt với phim Việt. Thông tin về phim có được “rải” rầm rộ trên truyền thông thì khán giả mới biết nhiều, biết sớm đến bộ phim cũng là chuyện nên làm và là hướng đi đáng để học hỏi của nhiều nhà làm phim tư nhân (gần như phim của các hãng phim nhà nước đều không thấy PR gì, các hoạt động giới thiệu phim đôi khi cho có). Nhưng lẽ thường, phàm cái gì quá đều không tốt. Những bức ảnh úp mở rằng phim có cảnh “nóng”, những bài phỏng vấn diễn viên chính khoe độ khó cảnh “hở bạo”, những màn cãi vã hay âu yếm của đôi diễn viên chính trong phim có phần quá lố được phủ đầy trên nhiều mặt báo… trên thực tế đã khiến khán giả… dị ứng. Nếu coi truyền thông hay PR là một dạng “phép thuật” quyến rũ khán giả đến với phim thì các nhà sản xuất hay đội ngũ làm truyền thông cho phim phải là những nhà “phù thủy” tài ba, sử dụng nhuần nhuyễn những “phép thuật” ấy. Và trên hết, “không có bột thì đừng nói chuyện gột nên hồ”. Điều cốt lõi mà cả khán giả và giới truyền thông mong đợi vẫn là chất lượng phim. PR hay truyền thông hãy nên chỉ là gia vị nêm nếm vào “món ăn” phim, nêm nhiều thì món ăn sẽ “mất vị”. Khán giả xem phim giờ thông minh, luôn luôn cập nhật và vì thế không dễ để “lừa” họ. Vì vậy, các nhà làm phim- hãy là những người sử dụng chiêu thức truyền thông một cách thông minh.
Không cứ điện ảnh, phim truyền hình- “món ăn” giải trí một thời bị xem là mang tính “cấp phát” từ nhà đài- cũng dần chú trọng mạnh vào khâu quảng bá. Nhiều phim truyền hình giờ đây như “Tuổi Thanh Xuân”, “Người Phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”… cũng họp báo rầm rộ, cũng ra mắt đoàn phim, diễn viên và đạo diễn, quay phim giao lưu với khán giả, tiết lộ những chi tiết hậu trường hấp dẫn… Chưa kể những đoạn status, clip trích đoạn phim được hé lộ chia sẻ trên mạng xã hội… Tất cả đã khiến khán giả không khỏi tò mò về phim.
Hà Anh/ Theo congluan.vn