Ô nhiễm môi trường ở xã Ngọc Lũ, Bình Lục (Hà Nam) Bài toán chưa có lời giải

00:00 12/10/2020

 Người dân xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, Hà Nam đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do chính việc chăn nuôi của mình gây ra. Nhiều biện pháp cải thiện môi trường đã được thực hiện nhưng chưa mang lại hiệu quả. Ô nhiễm nguồn nước, đất đai, không khí vẫn đang là thách thức lớn đối với chính quyền và người dân nơi đây.

Chăn nuôi gây ô nhiễm nghiêm trọng
 Xã Ngọc Lũ có gần 1.600 hộ, trong đó gần 700 hộ nuôi từ 50 con đến hơn 100 con lợn/lứa. Gần 60% số hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas, với tổng thể tích gần 12.500m3, trong số này chỉ có 35% số hộ xây dựng hầm biogas bảo đảm tiêu chuẩn xử lý môi trường 3 con lợn/m3, số hầm biogas còn lại luôn trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày, hơn 150 tấn chất thải rắn và 1.800m3 chất thải lỏng trong chăn nuôi không qua xử lý, đều bị xả thẳng ra môi trường.
Hệ thống cống, rãnh thoát nước và kênh mương tưới tiêu, ao hồ nằm xen kẽ với khu dân cư luôn trong tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn, chẳng khác nào những bể chứa chất thải chăn nuôi lộ thiên. Dòng nước đen ngòm, đặc quánh, sủi bọt, bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến bất cứ ai đi đường hay ngồi trong nhà cũng đều khó chịu. Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng này là hệ quả của các hộ chăn nuôi lợn xả thẳng chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây nguy hại cho chính mình và người xung quanh. Ông Nguyễn Văn Hảo, ở thôn 4 cho biết: “Con đường chạy qua thôn dài hơn 600m đã được đổ bê tông, nhưng 15 hộ dân chúng tôi sinh sống gần con đường vẫn phải phá ra, rồi mỗi hộ tự đóng góp khoảng 30 triệu đồng để nâng cấp, tôn tạo cho con đường cao hơn. Chẳng phải chúng tôi thừa tiền, mà bắt buộc phải làm thế để ngăn không cho nước rác thải ở con mương ngay bên cạnh tràn vào nhà cửa, sân vườn mỗi khi mưa xuống”. Xã Ngọc Lũ có gần 1.600 hộ dân thì có đến 80% số hộ chăn nuôi lợn. Tuy phát triển theo quy mô nông hộ trong khu dân cư nhưng tổng đàn lợn trên địa bàn xã luôn ở mức hơn 80 nghìn con một lứa và hàng năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng bán ra thị trường khoảng 26 nghìn tấn. Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ Trần Đình Thiện cho biết: “Việc chăn nuôi quy mô lớn và mỗi ngày xả hàng trăm tấn chất thải rắn, hàng nghìn mét khối nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường đã làm cho nguồn nước, không khí bị ô nhiễm. Chưa khi nào ô nhiễm môi trường ở đây lại trầm trọng như hiện nay”. Qua quan sát, chúng tôi thấy nhiều chuồng trại chăn nuôi lợn ở xã Ngọc Lũ được người dân xây dựng ngay sát các kênh mương rồi lắp đặt ống xả thải trực tiếp ra môi trường. Gia đình anh Trần Văn Lượng ở Đội 4 cũng không ngoại lệ. Hệ thống chuồng trại của gia đình anh được xây dựng ngay cạnh con mương trước cửa nhà. Tuy có hệ thống hầm biogas, nhưng do thường xuyên nuôi gần 100 con lợn nên hầm biogas cũng quá tải. Trong chuồng có vẻ sạch sẽ, nhưng con mương sát khu chăn nuôi lợn của gia anh thì luôn ứ đọng, bốc mùi thối. “Mương bị ô nhiễm, nên việc chăn nuôi cũng khó, bị bệnh dịch nhiều. anh Trần Văn Lượng cho biết. Tình trạng chất thải chăn nuôi bị xả bừa bãi trong khu dân cư, chảy ra những cánh đồng hoa màu cũng đang gây ô nhiễm nghiêm trọng diện tích đất canh tác và nguồn nước ngầm. Chưa kể, mỗi khi có trận mưa lớn, thì cả nghìn khối chất thải ô nhiễm này lại đổ ra sông Châu Giang, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của khoảng 20.000 hộ dân ven sông. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Loay hoay tìm giải pháp Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, hàng năm, Đảng ủy xã Ngọc Lũ đều có nghị quyết chuyên đề bảo vệ môi trường, chính quyền xã liên tục kêu gọi người dân giữ gìn vệ sinh, đồng thời huy động khơi thông dòng chảy các kênh, nương… Nhưng thực tế, ô nhiễm môi trường vẫn ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhiều đoàn công tác của cơ quan chức năng, doanh nghiệp đã về khảo sát để triển khai các mô hình, dự án nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm, nhưng đều không khả thi. Các hộ chăn nuôi ở đây cũng đã xây dựng hầm biogas và áp dụng đệm lót sinh học, nhưng các hình thức này cũng chưa phù hợp với quy mô chăn nuôi lớn như ở Ngọc Lũ. Một hộ chăn nuôi cho biết: “Mỗi hầm chỉ có dung tích  25 - 30 m3. Với dung tích này, hầm chỉ giải quyết chất thải cho đàn lợn từ 20 - 30 con. Vì vậy, phần lớn phân, nước thải còn lại vẫn xả thẳng ra môi trường”. Điều đang nói là, trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng thì ngay trên địa bàn xã Ngọc Lũ lại có một nhà máy xử lý chất thải đã ngừng hoạt động, bị bỏ hoang từ 4 năm nay. Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ Trần Đình Thiện cho biết: “Năm 2011, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hỗ trợ xã xây dựng thí điểm nhà máy xử lý chất thải chăn nuôi tại thôn 1, với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng. Nhưng nhà máy này chỉ xử lý được chất thải cho gần 200 hộ chăn nuôi, rất ít so với lượng chất thải của toàn xã thải ra mỗi ngày. Hơn nữa, xã cũng không có kinh phí để duy trì hoạt động. Chính vì vậy, nhà máy xử lý chất thải đã phải đóng cửa sau vài tháng đưa vào hoạt động”. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở Ngọc Lũ đang là thành thách thức lớn đối với các cấp chính quyền và người dân nơi đây. Hơn lúc nào hết, chính các hộ chăn nuôi phải tự ý thức bảo vệ môi trường, đừng chỉ vì lợi nhuận mà gây nguy hại cho chính mình. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần quyết liệt hơn trong việc xử lý các trường hợp xả thải bừa bãi, có phương án nạo vét, vớt rác ở các kênh mương đang bị ùn ứ, tắc nghẽn. Có như vậy mới mong một môi trường trong sạch để phát triển kinh tế bền vững.
Thái Yến/daibieunhandan.vn