Những thước phim tài liệu về 'Nữ hoàng sân khấu' Thanh Nga

00:00 12/10/2020

Nhân Kỷ niệm 40 năm ngày NSƯT Thanh Nga rời xa nghệ thuật và chia tay những người thân thương yêu quý cô, biên kịch – đạo diễn Lê Quang Thanh Tâm sẽ cho phát hành lúc 12h trưa ngày 2/12 trên kênh youtube bộ phim : « 40 năm tưởng nhớ đến cố nghệ sỹ tài danh NSƯT – Nữ Hoàng Sân Khấu - Ảnh hậu Á Châu Thanh Nga”

Đây là lần đầu tiên, những tư liệu quý về Cố nghệ sỹ Thanh Nga trong 36 năm sống trên dương thế và hoạt động nghệ thuật được công bố qua những tư liệu phim ảnh, vở diễn và đời sống thường ngày. Đặc biệt nhất là những lời tâm sự về những kỷ niệm của một thế hệ nghệ sỹ vàng từng cận kề bên nữ nghệ sỹ Thanh Nga như: Mộng Tuyền, Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Kim Hương, Xuân Lan,…


Thanh Nga tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga, sinh ngày 31 tháng 7 năm 1942, quê quán ở Tây Ninh. Cha của cô là ông Hội đồng Nguyễn Văn Lợi, mẹ của cô là bà Nguyễn Thị Thơ (tức bà bầu Thơ) trưởng đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga nổi tiếng một thời. Thanh Nga cũng là một Phật tử, có pháp danh Diệu Minh.

Ngày 26/11/1978 (nhằm ngày 26/10 Âm lịch), khi vừa bước qua tuổi 36 tuổi, đang lúc hoàng kim của nghề diễn, nữ nghệ sĩ tài danh Thanh Nga bị bắn chết cùng chồng là ông Phạm Duy Lân ngay trước cửa nhà ở đường Ngô Tùng Châu (nay là đường Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM).

Trong bộ phim phóng sự này, người xem còn có dịp biết, lắng nghe những tâm sự của người con trai ruột và duy nhất của nghệ sĩ Thanh Nga là Phạm Duy Hà Linh. Và những người em ruột, người cháu, của cố nghệ sỹ Thanh Nga nói về cô thông qua tâm sự của người em thứ 9 của cố nghệ sỹ Thanh Nga là cô Lư Ánh Mai cùng người cháu gái là chị Lư Phương.

Thanh Nga đã mất đi tròn 40 năm nhưng tài năng và nhan sắc của cô vẫn không bao giờ phai nhạt trong trí nhớ của khán giả yêu quý tài năng của một nghệ sĩ tài danh. Có rất nhiều người vẫn tìm xem những vở diễn, những bộ phim mà cô đã tham gia diễn xuất, trong số đó có rất nhiều các bạn trẻ, những nghệ sĩ hiện đang là những ngôi sao sáng chói nhất của nghệ thuật Việt Nam. Họ ái mộ cô, xem cô như là một tấm gương nghệ thuật để phấn đấu, để sống và theo nghề. Tính đến ngày Thanh Nga mất, Thanh Nga đã thu hình cho Đài Truyền hình Sài Gòn (sau này là HTV) hơn 80 vở diễn, đa số là cải lương và một số ít vở kịch truyền hình.

 PV