Nhức nhối nạn khai thác cát

00:00 12/10/2020

Đe dọa đến sự an toàn của đê điều, mất đất sản xuất, đó là những hậu quả của việc khai thác cát trên sông Hồng ở xã Minh Tân (Kiến Xương) khiến chính quyền và người dân nơi đây rất bức xúc thời gian qua.

Hàng chục con tàu khai thác cát nằm tại cửa cống Kem chờ thời điểm thích hợp để ra sông hút cát.

Bất lực nhìn bãi sông từng ngày sạt lở và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn, anh Phan Văn Vương, công nhân vận hành trạm cấp nước Minh Tân cho biết: Chỉ sau 8 năm (năm 2008 đến nay) từ khi trạm đi vào hoạt động, bãi bồi ở thôn Nguyệt Giám đã bị sạt lở sâu vào bờ hơn 8m làm cho đường ống lấy nước cấp cho trạm lộ thiên và treo lơ lửng trên mặt sông. Đất sạt đến gần trạm bơm làm cho công trình bị nghiêng và tường nứt vỡ không còn an toàn. Một số tàu hút cát đi sát bờ còn đâm, va làm cho khung lồng thép bọc đầu giỏ ống bơm bị móp méo mất khả năng sơ lọc nước. Tình trạng bãi sông bị sạt lở không chỉ diễn ra trên địa bàn thôn Nguyệt Giám mà còn ở các thôn Dương Liễu 3 và Tân Ấp. Dẫn chúng tôi đi thực tế trên tuyến bãi dài gần 1,7km, ông Đặng Ngọc Hải, công an viên xã Minh Tân cho biết: Trước đây, mép bãi này cách chân đê từ 50 - 100m. Hơn chục năm gần đây, bãi lở mạnh, có nơi vào sát chân đê chỉ còn trên 15m đe dọa đến sự an toàn của công trình đê điều. Không những vậy, hàng chục héc-ta đất bãi màu mỡ của nông dân bị cuốn phăng theo dòng nước; mất đất, nông dân không còn tư liệu để sản xuất. Cố gắng bảo vệ diện tích đất bãi còn lại trước sự sạt lở, nhiều nông dân đã đầu tư rào, tre, luồng đóng cọc và dùng bạt chắn nhưng không hiệu quả bởi đất bãi vẫn từng ngày bị dòng sông “gặm nhấm”. Đáng lo ngại hơn, tuyến đê bối ở đoạn xung yếu thuộc thôn Tân Ấp đang đứng trước nguy cơ biến mất vì tình trạng sạt, lở.

Ống bơm của trạm cấp nước Minh Tân treo lơ lửng trên mặt sông vì đất bãi bị sạt lở.

Theo người dân xã Minh Tân, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sạt, lở bãi sông Hồng chủ yếu do tình trạng khai thác cát lòng sông một cách bừa bãi. Rất nhiều tàu, thuyền ngày đêm tận thu cát trên tuyến sông thuộc địa phận của xã, nhất là tình trạng chủ tàu đưa máy vào sát bờ để hút cát làm cho lòng sông ven bãi sâu hoắm. Anh Phan Văn Vương cho biết thêm: Đêm đêm, cứ vào khoảng 2 - 3 giờ sáng, hàng chục con tàu hút cát cập sát bờ khai thác sáng rực cả một đoạn bãi sông, tiếng máy gầm rú khiến cho người dân sinh sống trong khu vực giật mình và mất ngủ suốt một thời gian dài. Lý giải về tình trạng bãi sông của xã bị mất dần vì sạt lở thời gian qua, ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Minh Tân khẳng định: Những năm gần đây, lũ trên sông Hồng không còn nên lượng cát bồi lắng lòng sông gần như con số không và cũng không tác động xấu đến đê, kè và bãi sông. Vì vậy, tình trạng sạt lở chỉ còn do khai thác cát của người dân và doanh nghiệp. Theo thống kê điều tra phương tiện thủy nội địa của UBND xã tính đến tháng 10/2015, Minh Tân có 40 tàu khai thác cát (con số thực hiện tại có thể khác xa). Trọng tải mỗi tàu từ 50 - 180 tấn, có thể khai thác từ 50 -180m3 khối cát/chuyến. Nếu tính bình quân, mỗi chuyến khai thác cát (khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ), những con tàu này khoét vào lòng sông khoảng 4.600m3. Ngoài chủ tàu ở xã Minh Tân, nhiều người dân ở các xã Quang Bình, Minh Hưng cũng đưa tàu đến địa bàn xã khai thác cát thời gian dài làm cho lòng sông nhanh chóng trở thành vực sâu.

Hàng chục héc-ta đất bãi ven sông Hồng ở xã Minh Tân bị sạt lở nghiêm trọng.

Hơn 20 con tàu nằm chờ trong và ngoài cửa cống Kem, thôn Dương Liễu 3, xã Minh Tân chỉ chờ con nước ròng, cống mở và đêm đến là ra sông khai thác cát. Ông Nguyễn Văn Hưng, một chủ tàu khai thác cát cho biết: Tàu của tôi khai thác cát trong mỏ của doanh nghiệp được cấp phép, mỗi mét khối cát phải nộp cho doanh nghiệp 11.000 đồng không có hóa đơn. Nếu có hóa đơn thì phải nộp hơn 20.000 đồng nên từ trước tới giờ tôi không lấy hóa đơn. Việc khai thác cát ở mỏ vất vả vì phải đi xa và tốn nhiên liệu. Có hay không nạn “cát tặc” và trách nhiệm quản lý tài nguyên ra sao xin được nhường câu trả lời cho các cơ quan chức năng, nhưng có một thực tế là đê bối, mỏ kè, vùng bãi sản xuất của người dân xã Minh Tân đang từng ngày bị xâm lấn nghiêm trọng vì sạt lở. Theo baothaibinh