“Người truyền lửa”

00:00 12/10/2020

Gần 40 năm cầm cờ lê, mỏ lết, với hơn 200 sáng kiến làm lợi hàng tỷ đồng, người thợ cơ khí Nguyễn Duy Viết không chỉ vinh dự đón nhận danh hiệu CSTĐ toàn quốc năm 2006, mà còn là người “truyền lửa” yêu nghề cho lớp thế hệ công nhân trẻ, đặc biệt là con trai anh, để cháu tiếp tục nối nghiệp cha gắn bó với vùng Than thân yêu…

Vẫn nụ cười tươi rói, vẫn giọng nói sang sảng y như ngày còn làm Tổ trưởng Tổ máy 6 - Phân xưởng sửa chữa ô tô - Công ty CP than Cọc Sáu, người thợ cơ khí Nguyễn Duy Viết đã làm chúng tôi hết sức thán phục bởi trí sáng tạo và nghị lực tự vươn lên từ chính mình… Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa phóng viên (PV) Tạp chí với cựu CSTĐ toàn quốc Nguyễn Duy Viết.

 Nguyễn Duy Viết - cựu CSTĐ toàn quốc 

Xin chào “người truyền lửa”! Sự nỗ lực cống hiến cho công việc của Anh đã tạo cảm hứng cho biết bao công nhân trẻ của Công ty CP than Cọc Sáu. Anh có thể giới thiệu đôi chút về mình?

 Anh Nguyễn Duy Viết: Cảm ơn nhà báo! Thật ra tôi cũng đơn giản như bao người thợ mỏ khác thôi mà! Chẳng qua là mình yêu nghề, yêu than và chính tình yêu ấy đã tiếp thêm cảm hứng cho mình trong công việc đó.

Năm 1980, tôi về nhận công tác tại Mỏ than Cọc Sáu. Sáng kiến đầu tiên là “Lắp hệ thống chống cháy trên xe tải chuyên dụng HD”, được đánh giá là có tác dụng rất tốt trong việc phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn trong quá trình hoạt động. Nhờ nó, năm 1982, tôi được bầu là chiến sỹ thi đua (CSTĐ) của đơn vị (cười).

Năm 1987, tôi được Công ty đề cử  tuyển chọn sang Liên Xô (cũ) để học tập nâng cao trình độ tay nghề và quản lý thiết bị theo chương trình của Bộ Công nghiệp lúc bấy giờ. Sau này về nước, phát huy kiến thức học hỏi được từ nước bạn, tôi đã tận dụng các phụ tùng cũ, cải tiến Pông (cầu) sau thay cho Pông trước trên loại xe xúc chạy bằng lốp do Liên Xô chế tạo.

Trong số hơn 200 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, anh tâm đắc nhất là sáng kiến nào? Nó làm lợi cho Công ty ra sao?

Anh Nguyễn Duy Viết: Ngày đó nhiều khó khăn lắm, thiếu đủ thứ, nhất là phụ tùng máy móc, song được lãnh đạo khuyến khích, động viên, tôi mạnh dạn nghiên cứu và liên tục có thêm những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, vừa tận dụng được vật tư, thiết bị, làm sống lại kịp thời những chiếc xe vận tải, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Ví dụ như, làm mới pitông căng xích của loại máy xúc thủy lực PC (của Nhật), CAT (của Mỹ) bằng chính những chiếc giảm xóc của xe Bena3 (Nga); chế tạo thành công bộ điều chỉnh, kiểm soát độ chính xác vòi phun của động cơ CUMIZ do Mỹ sản xuất… Nhưng tôi tâm đắc nhất là công trình cải tiến phục hồi phạm vi sai cầu sau của máy xúc lốp, sáng kiến phục hồi bót lái máy xúc E0 322. Trước ngày nghỉ chế độ tôi lại có thêm sáng kiến nữa là dùng sắt si (khung) xe HD đã thanh loại để thiết kế một bộ giá tháo lắp pitông thủy lực của loại máy xúc CAT vừa dễ thao tác, vừa bảo đảm kỹ thuật và an toàn lao động.

Được biết, con trai lớn của anh hiện cũng đang công tác tại Công ty, vậy anh đã “truyền lửa” thế nào để con anh tiếp nối nghiệp cha?

Anh Nguyễn Duy Viết: Vợ chồng tôi có 2 con, một trai một gái. Ngày cháu trai còn đi học phổ thông, tôi luôn động viên và hướng nghiệp cho cháu theo ngành mỏ. Có thể nói đây là một “công trình trồng người” rất kỳ công và tôi đã thành công khi hướng cháu theo nghiệp cha. Tôi về nghỉ chế độ vào tháng 9/2016, nhưng trước đó, khi cháu lớn học xong Đại học Công nghệ Thông tin, ra trường với tấm bằng Kỹ sư trong tay, cháu Nguyễn Duy Cường con tôi đã tình nguyện về công tác tại Công ty CP than Cọc Sáu. Hiện cháu đang được bố trí công tác tại phòng Cơ điện. Đây chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của tôi và gia đình khi có con nối tiếp truyền thống của cha anh - những người thợ mỏ kiên trung trên vùng than thân yêu.

 Xin cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị này!

Kíp Lê