Đỗ Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại BOO: "Chúng tôi là doanh nghiệp đầu tiên có phòng ban riêng về môi trường"

23:55 25/04/2022

Xuất hiện trên thị trường từ năm 2009, BOO nhanh chóng trở thành nhãn hiệu thời trang được giới trẻ yêu thích, không chỉ nhờ thiết kế bắt mắt, chất lượng bền, giá cả phù hợp mà còn nhờ những thông điệp, giá trị bền vững luôn được Việt Anh và đội ngũ BOO gửi gắm vào từng sản phẩm. Hành trình "xanh từ trong ra ngoài" suốt 13 năm ấy được Việt Anh chia sẻ trong câu chuyện sau:

Ảnh minh họa

Ngay từ khi mới thành lập là khoảng năm 2009, BOO đã có nhiều hoạt động hướng tới bảo vệ môi trường và sản xuất, kinh doanh thời trang bền vững. Điều gì khiến anh có quan điểm tương đối “tân tiến” như vậy, ở thời điểm dường như bảo vệ môi trường vẫn chỉ là khái niệm gì đấy mang tính hô hào, khẩu hiệu chứ chưa đi vào thực tế?

Anh Đỗ Việt Anh: Không phải từ năm 2009 mà từ khi bắt đầu mở cửa hàng kinh doanh thời trang, chúng tôi đã có những hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường, đầu tiên là chương trình về bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ mấy con thú quý hiếm như tê tê, voọc, cầy hương… Khi ấy chúng tôi bắt đầu đơn giản lắm, chỉ là dán một tấm poster ở cửa kính thôi.

Sau này, hoạt động kinh doanh ngày càng phát triển, đặc biệt là khi Bò Sữa by BOO ra đời, tôi nhận ra là mình cũng có thể tạo ra tác động nhất định tới một tệp khách hàng. Từ đó, các chương trình được làm quy mô và bài bản hơn, ví dụ như cuộc thi thiết kế hình in áo phông, kết hợp với WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên) và Trường Thiết kế thời trang London. Năm đầu tiên được tổ chức, cuộc thi nhận được nhiều bài gửi về lắm! Chúng tôi thực hiện những bài thi xuất sắc nhất, khoảng 50 – 100 bài gì đấy.

Hồi tôi mới về Việt Nam, nói thật là cũng chưa có đủ nhận thức về vấn đề môi trường đâu, chỉ thấy là sao Việt Nam lắm bụi quá. Tôi cũng tìm hiểu thêm, tiếp xúc thêm với các tổ chức phi chính phủ, với những người làm về môi trường. Từ đó, tôi nhận ra được tính chất phức tạp của vấn đề môi trường, quyết định mình “nhỏ” thì mình bắt đầu làm những cái nhỏ để bảo vệ môi trường.

Hồi ấy suy nghĩ cũng đơn giản là khách hàng của mình là người trẻ, mình có thể thuyết phục họ bảo vệ môi trường, giống như cách mà mình đã đem phong cách thời trang skater đến với các bạn ấy vậy.

Tôi có một tâm niệm khi làm kinh doanh, là lợi nhuận không phải tất cả. Tôi cho rằng, doanh nghiệp cần phải tạo ra được giá trị mang tính tích cực. Đó là niềm vui đằng sau việc kinh doanh, là sự tự hào chúng tôi luôn giữ và là ngọn lửa nhiệt huyết để chúng tôi đi được trên con đường dài. Có thể vì tâm niệm ấy mà kinh doanh bao năm nay, giờ chúng tôi vẫn nghèo? (cười)

Các chương trình bảo vệ môi trường của BOO có gì khác biệt?

Anh Đỗ Việt Anh: Thời điểm bắt đầu, bảo vệ môi trường vẫn là cái gì đó có vẻ như xa vời. Nhà nước cũng đã có nhiều băng rôn, khẩu hiệu, nhiều chương trình tuyên truyền bảo vệ môi trường, nhưng theo tôi thấy, những cái này chưa chạm được vào cảm xúc của giới trẻ. Tôi quyết định lan tỏa thông điệp về môi trường nhưng phải theo cách làm thế nào chạm tới cảm xúc của các bạn trẻ.

Ví dụ như cuộc thi thiết kế áo phông. Thay vì tổ chức một cuộc thi vẽ tranh, vẽ poster cổ động như nhiều nơi vẫn làm, chúng tôi chọn in thông điệp về môi trường lên áo. Nếu là bức tranh, mọi người xem xong rồi đi về, chẳng biết đọng lại được bao nhiêu. Nhưng với áo phông, khách hàng thấy đẹp, họ mặc ra đường. Tôi chỉ tính sơ sơ giả sử mỗi bạn mặc cái áo đấy, đi tiếp xúc với 10 người, thì với 100 cái áo là tôi lan tỏa thông điệp đến được 1.000 người rồi.

Khoảng 5 – 7 năm đầu, chúng tôi tuyên truyền thông điệp bảo vệ môi trường theo cách ấy. Chỉ tuyên truyền thôi, vì lúc đó nghĩ là thay đổi được nhận thức của mọi người về môi trường là đã tốt lắm rồi.

Đến một ngày, tôi chợt bật ra câu hỏi: “Ơ thế mình tuyên truyền rồi thì mình làm cái gì”? Cứ hô hào mà chẳng làm gì nhiều thì chẳng đợi ai phán xét, chính cái tâm của mình cũng không ghi nhận mình.

May mắn là dần dần bảo vệ môi trường trở thành “trend”, được nhiều bên nói đến, từ Nhà nước, các tổ chức cho đến doanh nghiệp. Các bên đấy làm tốt việc tuyên truyền hơn chúng tôi, vậy chúng tôi chuyển sang làm cái khác.

Thế là ngay từ năm 2009, BOOVironment ra đời, là bộ phận cho các hoạt động, dự án riêng về môi trường. Có lẽ chúng tôi là doanh nghiệp đầu tiên có phòng ban riêng về môi trường đấy!

Chiến lược được tôi vạch ra là làm sao để mình “xanh” hơn, để doanh nghiệp của mình “xanh” ngay từ khâu vận hành. Ngành thời trang “đóng góp” kinh khủng vào cái sự tàn phá thiên nhiên, vậy tôi phải làm thế nào để sản xuất xanh hơn, nguyên vật liệu sử dụng sạch và bền vững hơn, sản phẩm bán ra hết vòng đời thì tìm cách để thu gom, tái chế.

Doanh nghiệp bây giờ nói về môi trường rất nhiều nhưng có bên họ làm thực chất, có bên chỉ “mượn” cái tiếng bảo vệ môi trường cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị. Tuy nhiên, người tiêu dùng thông minh lắm, có thể dễ dàng nhận ra ai đang làm thật, ai chỉ làm màu.

Có một thuật ngữ là rửa xanh (greenwashing) để nói đến những doanh nghiệp đánh bóng tên tuổi bằng thông điệp bảo vệ môi trường nhưng không có hoạt động thực chất, không tuân thủ cam kết đặt ra.

Bản thân tôi rất sợ mang cái danh greenwashing. Sợ đến nối, những năm đầu, có những chương trình, dự án, chúng tôi phóng to nhất có thể logo của BOOVironment, còn logo BOO để rất nhỏ, thậm chí còn không để.

Chính xác thì BOOVironment đang làm những gì, thưa anh?

Anh Đỗ Việt Anh: BOOVironment hoạt động dựa trên 3 mảng chiến lược là cửa hàng xanh (green store); văn phòng xanh (green office) và sản xuất xanh (green production).

Một số chương trình vẫn được triển khai xuyên suốt nhiều năm nay như là thu gom quần áo cũ. BOO tổ chức thu gom sản phẩm cũ từ khách hàng. Những món còn dùng tốt có thể đem tặng cho người cần, gọi là “cũ người mới ta”. Những món đồ bị hỏng, rách có thể tái chế để làm vật dụng khác, như túi xách chẳng hạn.

Chuyện ‘xanh từ trong ra ngoài’ ở BOO 3
Kết quả hoạt động thu gom sản phẩm cũ của BOO năm 2022.

Năm vừa qua, do một số vấn đề về nhân sự nên tôi bị “mất” bộ phận này. Tuy nhiên, năm nay tôi sẽ gây dựng lại BOOVironment, với những “di sản” được để lại suốt 10 năm qua.

Một hoạt động mới sẽ được triển khai trong năm nay là “KPI xanh”, tức là giao chỉ tiêu “xanh” cho mỗi phòng, ban của Công ty, thay vì chỉ áp dụng những KPI liên quan đến lợi nhuận, doanh số.

KPI xanh, ví dụ như đối với bộ phận sản xuất, là phải tìm cách tăng tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu sạch hơn, quá trình sản xuất ít tác động tới môi trường hơn. Phòng marketing thì phải làm sao thay đổi nhận thức của nhiều khách hàng hơn, và phải đo lường được, ví dụ như thông điệp xanh của BOO phải tiếp cận tới 1 triệu khách hàng chẳng hạn.

Hay như mảng nhân sự, chúng tôi đặt ra những quy định như hạn chế tối đa việc gọi đồ ăn mang về vì như thế sẽ tạo ra rất nhiều rác thải nhựa dùng một lần, hoặc “phạt” một số tiền nhỏ cho việc sử dụng túi nilon.

Bản thân tôi thấy, đã làm, đã nói về môi trường thì phải thật sự “xanh” trong chính nội bộ, trong chính văn hóa của tổ chức, doanh nghiệp. Nói thật là văn hóa của BOO vẫn chưa “xanh” lắm đâu, nên phải có thêm nhiều hoạt động như thế để xây dựng cái “xanh” mà chúng tôi mong muốn.

Mong muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp xanh, đặt mục tiêu bền vững hơn cả lợi nhuận, anh có bao giờ vấp phải sự phản đối của những người cộng sự?

Anh Đỗ Việt Anh: Nhắc đến BOO, phải kể đến người cộng sự là anh Đỗ Việt Hùng, người em trai song sinh với tôi.

Ban đầu khi đưa ra ý tưởng, chúng tôi cũng tranh luận nhiều lắm. Cuối cùng anh Hùng quyết định “nhường” tôi. Tôi lên ý tưởng, anh Hùng lo những khâu phía sau. Nhờ thế nên tôi được thỏa sức mà đi, đi sai cũng được nhưng vẫn đi khá là nhanh.

Có câu chuyện là khi bắt đầu xây dựng BOO, chúng tôi thấy chất lượng in ở Việt Nam quá kém, cứ giặt đôi ba lần là tróc hết ra. Thế là quyết định “chơi lớn”, bỏ 600 triệu đồng để mua cả cái máy in xịn từ Trung Quốc.

Mua xong, chẳng biết dùng thế nào. Anh Hùng lại là người đi khắp nơi hỏi xin người ta chỉ cho cách in, mà hầu hết đều “giấu nghề”. May mắn, cuối cùng cũng học được cách in, lại còn tình cờ tìm được nguồn mực in của Nhật, là loại mực xịn nhất lúc ấy, lại ít gây ô nhiễm nhất.

Thế nên hồi ấy, có cái dán nhãn chất lượng trên các sản phẩm, luôn có một dòng ghi về mực in chất lượng. Những giá trị bền vững luôn đồng hành với chúng tôi, dù theo cách tình cờ hay cố ý.

Anh có đặt mục tiêu gì cho định hướng “xanh” của BOO?

Anh Đỗ Việt Anh: Trong năm nay, tôi đặt mục tiêu là ít nhất 51% nguyên liệu bông mà BOO sử dụng phải là nguyên liệu bền vững, thân thiện hơn đối với môi trường.

Thật ra con số 51% này đã đạt được từ mấy năm trước rồi nhưng Covid-19 khiến nhiều hoạt động gặp khó khăn nên BOO bị “thụt lùi”. Năm nay tôi đặt mục tiêu sẽ phục hồi lại, còn 3 – 5 năm tới, tỷ lệ nguyên vật liệu bền vững sẽ là trên 90%.

3 – 5 năm tới, tỷ lệ nguyên vật liệu bền vững trong sản xuất của BOO sẽ là trên 90%, vậy anh có nghĩ đến con số 100% không?

Anh Đỗ Việt Anh: Tôi quan niệm thật ra không có cái gì là hoàn hảo. Ví dụ như với đồ nhựa, túi nilon, tôi sẵn sàng cầm chiếc cốc nhựa dùng một lần trước mặt công chúng nếu không có lựa chọn "xanh" nào khác ngay lúc đó, dù đi đâu cũng nói về chuyện bảo vệ môi trường.

Vì vậy, đạt một cái gì đấy 100% bền vững, 100% thân thiện với môi trường thì chắc là không có nhưng chúng tôi vẫn sẽ cố gắng làm sao để ngày một “xanh” hơn.

Có một lần, trong buổi trò chuyện, chia sẻ với các bạn sinh viên, có bạn hỏi tôi rằng: “Nếu ngành thời trang vẫn có tác động đến môi trường, sao anh không dừng lại luôn đi”?

Chuyện ‘xanh từ trong ra ngoài’ ở BOO 4
Thông điệp bền vững in trên áo của BOO.

Lúc ấy, tôi trả lời bạn ý rằng, việc dừng lại thì rất dễ, dễ nhất. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể ngành công nghiệp thời trang, chúng tôi chỉ là một dấu chấm nhỏ trong cả triệu dấu chấm.

Nếu dừng lại, thế giới bớt đi một “chấm đen”, chẳng đem lại lợi ích gì đáng kể. Nhưng nếu cứ miệt mài xanh hóa, đưa lối sống xanh thấm nhuần vào từ khâu sản xuất tới vận hành và tiêu dùng, chúng tôi không chỉ làm giảm bớt tác hại đến môi trường mà còn tạo ra sự lan tỏa, để các doanh nghiệp cùng ngành cũng “xanh” như chúng tôi, hoặc hơn chúng tôi. Điều ấy có ý nghĩa và tạo tác động lớn hơn nhiều so với việc tôi dừng lại.

Câu trả lời ấy nảy ra trong đầu tôi như một sự “đột biến” nhưng lại chính là tôn chỉ của tôi cho mọi hành động sau này. Tôi không chạy theo chủ nghĩa tiêu dùng, không khuyến khích khách hàng mua càng nhiều các tốt mà khuyên khách hàng chỉ mua khi cần. Sản phẩm của BOO cũng rất bền để cho khách dùng được thật là lâu.

Tôi hay nói đùa là “khuyên khách mua ít đi”. Thật ra không phải bảo họ ít mua đồ của mình, mà có thể là bớt mua những sản phẩm kém bền vững đi, thay vì mua dăm bảy cái áo chất lượng kém thì mua một chiếc áo của BOO, vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường. Hoặc nếu có bên nào có sản phẩm bền vững hơn cả BOO thì bớt mua của BOO đi để mua của họ cũng được. Với triết lý kinh doanh luôn hướng tới sự bền vững, tôi tin là dù thế nào BOO vẫn sẽ có chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Xin cảm ơn anh!

CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) có vai trò gì đối với BOO?

"Tôi tin rằng BOO vẫn luôn có một số lượng người ủng hộ hoặc mong muốn BOO thành công và đó là điều quý giá hơn cả lợi nhuận. Nhiều người có cảm tình với BOO chính vì sự đầu tư bền bỉ, từ cái tâm vào các vấn đề môi trường của BOO trong hơn 15 năm qua. Có được sự ủng hộ của khách hàng lâu như vậy, theo tôi nghĩ là do 4 giá trị mà BOO luôn luôn theo đuổi:

Một là, tinh thần Việt Nam.

Hai là, sự sáng tạo.

Ba là, tinh thần trẻ.

Bốn là, phát triển bền vững.

BOO tự hào là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam được các đối tác NGO trong ngành bảo tồn thiên nhiên ghi nhận. Với tôi CSR là cố gắng tạo ra giá trị thực và mong muốn thay đổi nhận thức. Ví dụ ngành thời trang luôn được cho là ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn thứ 2, không phải vậy mà tôi từ bỏ ngành này, ngược lại tôi muốn mình tạo được một thương hiệu thời trang xanh hơn để các thương hiệu khác họ cũng hiểu là việc này có thể làm được. Chúng tôi truyền tải những thông điệp đa dạng tới giới trẻ. Sẽ có lúc chúng tôi hỗ trợ việc bảo tồn động vật hoang dã, thiên nhiên hoặc trong chính ngành may mặc của mình như giảm thiểu tác động ô nhiễm thông qua quy trình sản xuất xanh hơn. Thông điệp mà tôi muốn truyền tải đến khách hàng của mình là: hãy kiên trì, từng bước một thay đổi từ những việc nhỏ thôi, trong khả năng của mình, chúng ta sẽ thay đổi được thế giới, thậm chí chính ngành nghề mình đang hoạt động".

Phạm Sơn/ The leader