"Loạn" thị trường đông trùng hạ thảo

00:00 12/10/2020

Tâm lý “sính” tự nhiên, thông tin hạn chế, chiến lược xây dựng thương hiệu còn yếu... là một trong những nguyên nhân khiến đông trùng hạ thảo nuôi trồng, chưa phát triển đúng với tiềm năng thế mạnh.

Thời gian qua, đông trùng hạ thảo luôn được coi như “tiên dược chữa bách bệnh, thậm chí cả ung thư tại Trung Quốc và lan sang cả Việt Nam. Chính từ những đồn thổi này đã tạo ra một thị trường mua bán đông trùng hạ thảo sôi động.

Khó phân biệt thật - giả

Trong những năm qua, cùng với xu thế phát triển kinh tế đất nước, thu nhập và mức độ quan tâm đến sức khỏe của người dân ngày càng được nâng cao nên thị trường đông trùng hạ thảo Việt Nam phát triển không ngừng.

Các sản phẩm của Đông trùng hạ thảo nuôi cấy tại Việt Nam.

Với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, kể từ năm 1995, nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ , Malaysia…đã sản xuất được đông trùng hạ thảo trên quy mô công nghiệp. Đến nay, Việt Nam cũng đã nuôi cấy thành công loại đông trùng hạ thảo với chất lượng tốt. 

Do vậy thị trường đông trùng hạ thảo ngày càng đa dạng với các mẫu sản phẩm khác nhau không chỉ ở dạng sấy khô mà loại nấm đặc biệt này còn được điều chế dưới dạng lỏng, bột và viên nang...

Tuy nhiên trên thị trường hiện nay các thông tin về đông trùng hạ thảo nhập khẩu và sản xuất trong nước vẫn còn “nhập nhằng”; các siêu thị, đại lý phân phối cho thương hiệu đông trùng hạ thảo trong nước còn thưa thớt; những chuỗi cửa hàng phân phối về đông trùng hạ thảo đa phần là hàng nhập khẩu từ Mỹ, Nhật, Hàn, Trung Quốc, hàng Việt Nam chưa có “chỗ đứng” trên thị trường; thương hiệu và chất lượng sản phẩm chưa rõ ràng. Đặc biệt niềm tin của khách hàng vào sản phẩm chưa cao; các kênh truyền thông về sản phẩm còn hạn chế khiến ranh giới hiểu biết giữa người sử dụng về các thương hiệu uy tín còn mập mờ khó phân biệt.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Thảo Thiên Phúc chia sẻ, đông trùng hạ thảo từ tự nhiên rất hiếm, giá thành khá cao khiến hàng giả xuất hiện nhiều khó có thể kiểm soát. 

Đây cũng là một trong những “kẽ hở” để các sản phẩm đông trùng hạ thảo giả len lỏi thị trường, gây khó khăn cho công tác quản lý và niềm tin của người tiêu dùng.

Cộng thêm đó thời gian gần đây còn nở rộ các sản phẩm đông trùng hạ thảo nuôi trồng tràn lan khắp nơi. Vì thế người tiêu dùng bước chân vào thế giới đông trùng hạ thảo không khác nào lạc vào mê cung, mà khả năng “sập bẫy” hàng kém chất lượng là rất cao.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, sản xuất, phân phối, kiểm định chất lượng khá lỏng lẻo và nhiều hạn chế nên đã dẫn đến thị trường đông trùng hạ thảo phát triển một cách tự phát, tràn lan và thiếu nhất quán khiến người tiêu dùng khó phân biệt, mất phương hướng dẫn đến mất niềm tin của người tiêu dùng .

Lối đi nào cho đông trùng hạ thảo?

Với những đặc tính quý giá có lợi cho sức khỏe, hiện tại đông trùng hạ thảo trong thiên nhiên đã bị khai thác gần như cạn kiệt. Vài năm gần đây các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu thành công ra sản phẩm nguyên khối đông trùng hạ thảo, có tên gọi là Cordyceps militaris, có thành phần sinh học và hàm lượng dinh dưỡng gần giống với loại khai thác tự nhiên, giá thành phù hợp cho mọi đối tượng.

Đây là cơ hội tốt để người tiêu dùng trong nước được sử dụng sản phẩm đông trùng hạ thảo chăm sóc bồi bổ sức khỏe cho mình và người thân.

Từ góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược thảo Thiên Phúc cho biết hiện có sự chênh lệch giá cả rất lớn giữa các loại đông trùng hạ thảo là đông trùng hạ thảo tự nhiên và đông trùng hạ thảo đang nuôi ở Việt Nam. Nguyên nhân do đông trùng hạ thảo tự nhiên Cordyceps sinensis là loài đặc biệt, được khai thác từ trên loài sâu 8 chân, chỉ có ở tự nhiên, muốn nuôi, muốn khai thác thêm cũng không được. Do hiếm nên giá thành rất cao.

Trong khi đó, chủng Cordyceps militaris có thể nuôi trồng được tại Việt Nam, chất lượng không thấp hơn, nhưng do nuôi trồng được giá lại thấp hơn.

Vẫn theo bà Hồng, khi đi tìm đỉnh Fan có 10 chủng đông trùng hạ thảo mỗi chủng có hoạt chất và tác dụng riêng. Do đó, khi sản xuất, các doanh nghiệp trồng đông trùng hạ thảo luôn kiểm soát chất lượng theo từng lô hàng, theo từng tuần, từng tháng. Trước hết kiểm soát phục vụ tự bản thân doanh nghiệp vì có giấy kiểm tra chất lượng thì đối tác mới nhập hàng.

"Doanh nghiệp mong muốn được Bộ Y tế cấp phiếu đủ điều kiện sản xuất và đủ điều kiện ra thị trường nên được tiến hành nhanh hơn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp". - bà Hồng bày tỏ.

Còn theo TS. Trần Lập Công - Thầy thuốc ưu tú, Bs chuyên khoa 2, Viện Y học cổ truyền Quân đội, để người tiêu dùng chấp nhận và tin dùng sản phẩm đông trùng hạ thảo, bản thân doanh nghiệp cũng phải đầu tư việc tự kiểm định chất lượng. Bản thân doanh nghiệp có chủ động đánh giá chất lượng sản phẩm của mình thì người tiêu dùng mới nhìn vào đó để tin và dùng sản phẩm này được.

Phân biệt thật giả Theo TS Trương Bình Nguyên, cách phân biệt đông trùng hạ thảo thật hay giả căn cứ vào con sâu mà nấm đó ký sinh. Bộ phận đầu sâu non và đầu thảo của đông trùng hạ thảo thật gắn với nhau một cách tự nhiên, chỗ nối với nhau rất khớp, hoàn toàn không thấy dấu vết nối. Còn loại giả rất dễ dàng có thể nhìn thấy vết nối. Dạng sâu của đông trùng hạ thảo thật có những vân, mỗi 3 vân làm thành một gấp, các nếp gấp xếp thành hàng, các vân nằm gần phía đầu rất sâu; còn loại giả một mặt lộ rõ điểm khác biệt này, mặt khác các nếp gấp giao nhau bằng phẳng, thường dùng khuôn để tạo ra.

Sâu đông trùng hạ thảo thật có 8 chân ở giữa rất rõ đối xứng nhau, càng về phần đầu và phần đuôi, các chân gần như “teo” đi, không rõ; còn hàng giả số lượng chân không cố định, con thì có 8 chân, con có nhiều hơn hoặc ít hơn 8 chân. Xem mặt cắt dọc (tức bẻ đôi ra xem bên trong), hàng thật sau khi tách ra có thể thấy những đường vân rõ nét, ở phía giữa đông trùng hạ thảo có lõi màu đen giống hình chữ V; còn hàng giả không có. Khi mở hộp đựng đông trùng hạ thảo thật, ta sẽ ngửi ngay thấy mùi giống mùi nấm rơm và mùi tanh của nấm hương rất đậm. Loại làm giả không có mùi này, nếu có là mùi tanh của cá hoặc mùi nguyên liệu hóa học. Khi cho đông trùng hạ thảo thật vào miệng nhai vụn sẽ có cảm giác như nhai hạt đậu nành, hạt tấm, càng nhai càng thơm, mùi thơm như thịt gà; còn loại giả nhai có cảm giác cứng, nhai hồi lâu sẽ thấy giống như bột đến khi không thể nhai nữa, nó hoàn toàn không có mùi thơm của thịt mà có mùi đất, rất nồng.

Phương Thanh