Lại lo... cắt giảm điều kiện kinh doanh

00:00 12/10/2020

Nhiều chuyên gia khẳng định, quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành ở thời điểm hiện tại đang chậm lại, chỉ 30% số điều kiện kinh doanh được cắt bỏ thực sự.

Nhiều chuyên gia khẳng định, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành ở thời điểm hiện tại đang chững lại và xuất hiện nhiều rào cản mới.

Chỉ 30% số điều kiện kinh doanh được cắt bỏ thực sự

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019, Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cần đánh giá cụ thể một số vấn đề, nhất là việc rà soát, loại bỏ các thủ tục, điều kiện kinh doanh bất hợp lý…

“Các Bộ, ngành có nhiều nỗ lực rà soát, loại bỏ thủ tục, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, cải cách môi trường kinh doanh nhưng còn chậm, chưa thực chất”, ông Thanh nói.

Qúa trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành ở thởi điểm này đang khiến cộng đồng doanh nghiệp, giới chuyên gia và người làm chính sách tỏ ra vô cùng lo lắng.

Năm 2018, khi có sự chỉ đạo liên tục của Chính phủ, các Bộ, ngành đều nhất loạt ban hành các Nghị định sửa đổi và cắt giảm điều kiện kinh doanh đúng thời hạn. Nhưng theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, dù Chính phủ đã có chỉ đạo nhưng đến nay chưa thấy có động thái tích cực nào của các Bộ, ngành về đánh giá lại việc thực thi của các cấp thực hiện.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết: “Chỉ có 30% điều kiện kinh doanh là được cắt giảm đơn giản hóa thực sự. Còn rất nhiều điều kiện kinh doanh đang gây khó cho doanh nghiệp. Ví dụ trong năm 2018 Bộ Công Thương có Nghị định 87 sửa Nghị định 19 về kinh doanh khí nhưng mới thực hiện được 1 năm nhiều doanh nghiệp đã phản ánh là còn vô cùng nhiều rào cản kinh doanh”.

Phải bỏ một nửa số ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện có

Theo đánh giá của giới chuyên gia, một trong những yếu tố chính khiến việc cắt giảm điều kiện kinh doanh mang tính hình thức là chính những cơ quan cấp phép lại chủ trì việc cắt giảm hay đề xuất cắt giảm. Do vậy, các cơ quan này thường không có động lực cắt giảm điều kiện kinh doanh một cách mạnh mẽ.

Đối tượng chính được hưởng lợi từ việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chính là các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết đề xuất của các doanh nghiệp lại không được ghi nhận. Các văn bản cắt giảm được ban hành vẫn mang nặng ý chí chủ quan của cơ quan quản lý Nhà nước. Vì vậy, rất cần có cơ chế giám sát việc các Bộ ngành tiếp thu ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, của các cơ quan độc lập, các Viện nghiên cứu và cả các chuyên gia.

Cho đến nay vẫn chưa có chế tài nào xử lý việc ban hành một văn bản không tốt, vì vậy các Bộ, ngành vẫn tiếp tục chậm trễ và chưa thực sự cải cách triệt để. Đây là những rào cản vô hình và nếu nó không được gỡ bỏ sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh cũng như sự phát triển của các doanh nghiệp.

Nhìn nhận vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện hiện hành là một con số quá lớn.

“Tôi cho rằng nên bỏ ít nhất một nửa số ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện tại bởi chỉ cắt bỏ điều kiện kinh doanh thôi là chưa đủ. Muốn làm được điều này, chúng ta không nên chờ các bộ “tự giác” cắt giảm vì họ sẽ chỉ kiến nghị bỏ những thứ không mang lại lợi ích cho mình mà thôi”, ông Cung nói.