Kỳ tích Sông Lam

08:44 21/10/2020

Sông Lam, một trong những con sông lớn của Bắc miền Trung chảy xuyên suốt trong lòng đất Nghệ An. Đoạn cuối, sông Lam hợp lưu với sông La của Hà Tĩnh. Từ ngã ba hợp lưu này ra biển Cửa Hội dài hơn 30 km là sông chung của hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh. Đôi bờ dòng sông có điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội rất thuận lợi để liên kết phát triển nên kỳ tích sông Lam, làm thay đổi diện mạo miền đất này.

Cầu bến Thủy và đôi bờ sông Lam Nghệ An và Hà Tĩnh

Về tự nhiên, Nghệ An - Hà Tĩnh được thiên nhiên tạo dựng nên Núi Hồng và dòng Lam trong xanh làm nên biểu tượng Núi Hồng – Sông Lam kỳ vĩ khiến bao tao nhân mặc khách từ cổ tới kim hễ ai một lần đến đây đều đắm chìm trong cảm xúc xốn xang. Nhà thơ Xuân Hoài thời đương đại từng thốt lên: “Nếu không có sông Lam, núi Hồng buồn biết mấy. Núi Hồng không đứng đó, sông Lam xanh cũng thừa”. Sự kết hợp hài hòa giữa núi và sông nơi đây đạt đến mức hoàn mỹ hiếm nơi nào có được. Đó là đặc ân của thiên nhiên ban cho vùng đất này. 

Càu Cửa hội nối hai bờ sông Lam ở cửa biển nối hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh

Về văn hóa, chung đôi bờ sông Lam, suốt chiều dài lịch sử lao động xây dựng và bảo vệ đất nước, người dân hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh đã đoàn kết, gắn bó keo sơn, cần cù sáng tạo trong lao động, kiên cường bất khuất trong đấu tranh cùng nhau vun đắp nên nền văn hóa Hồng Lam. Ngoài dân ca Ví dặm là di sản phi vật thể của nhân loại, truyền thống anh hùng bất khuất, đôi bờ sông Lam đều đặc quánh không gian văn hóa với những làng cổ nổi tiếng như: Yên Hồ (Đức Thọ), Tiên Điền, Uy Viễn (Nghi Xuân), Trung Lương (Thị xã Hồng Lĩnh), Trung Cần, Hoành Sơn, làng Kim Liên (Nam Đàn).v.v. Chỉ riêng núi Hồng đã ẩn chứa biết bao trầm tích  với hàng ngàn đền chùa miếu mạo gắn với bao truyền thuyết huyền thoại. Tất cả đó đó là tài sản chung vô giá đã và đang được các thế hệ hôm nay và mai sau gìn gữ, phát huy và tiếp tục vun đắp. Có thể nói đây là điều kiện cốt lõi để Nghệ An cùng Hà Tĩnh bắt tay nhau, liên kết làm nên kỳ tích sông Lam.

Về Kinh tế - Xã hội: Chung đôi bờ sông Lam, từ xa xưa đã có đường Thiên Lý  Bắc - Nam đi qua, nay chính là Quốc lộ 1 rộng lớn. Những chiếc cầu vươn xa nối đôi bờ sông Lam thay thế cho những bến phà, bến đò ngang bằng nguồn vốn Trung ương và vốn đối ứng của hai tỉnh đã và đang xây dựng. Đó là cầu Bến Thủy 1, Bến Thủy 2, cầu Cửa Hội bắc qua cửa sông Lam và trong tương lai, chiếc cầu thứ tư của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nối bờ Bắc từ TP Vinh, vươn qua ốc đảo Xuân Giang 2 tới bến Giang Đình bờ Nam Sông Lam trên đất Hà Tĩnh. Phía Nghệ An, tuyến đường du lịch ven sông Lam nối Nam Đàn tới biển Cửa Hội đã hoàn thành hàng chục năm nay. Đáp lại phía bên kia bờ Nam trên đất Hà Tĩnh, tuyến đường từ cầu Bến Thủy 1 ven sông Lam đã và đang được vươn dài về hướng biển. Chung đôi bờ sông Lam, ở bờ Bắc những khu đô thị của TP Vinh tỉnh Nghệ An đang vươn ra sát bờ sông. Đáp lại ở phía Nam, khu đô thị Gia Lách bề thế chững chạc cùng hai thị trấn ven sông của Hà Tĩnh đang vươn lên sừng sững. Những điều kiện Kinh tế - Xã hội này ở đôi bờ sông Lam là sự quy hoạch phát triển riêng rẽ manh mún của mỗi tỉnh, nhưng nhìn chung đang hướng tới một mục tiêu làm đổi thay diện mạo đôi bờ, bước đầu tạo nên cơ sở cho một kỳ tích sông Lam.

Khu đô thị đôi bờ sông Lam

Hội đủ các tiềm năng và lợi thế, nên chăng Nghệ An và Hà Tĩnh cùng phối hợp để dựng xây điểm khởi đầu cho kỳ tích sông Lam. Đó là việc hai tỉnh cùng chung ý chí, hành động, cùng liên kết trong quy hoạch phát triển toàn diện: Chính trị - kinh tế - văn hóa - hạ tầng kỹ thuật - an ninh, quốc phòng và cùng liên kết vẫy gọi đầu tư, sớm thổi bùng luồng sinh khí mới tạo nên kỳ tích sông Lam.

Tô Lan