Khi người dân chung tay xóa “rác quảng cáo”

00:00 12/10/2020

Gần 200m2 tường rào vốn là địa điểm tập kết của đủ loại quảng cáo rao vặt như: Khoan cắt bê tông; diệt mối, muỗi; dạy gia sư… đã được khoác lên mình những bức tranh gốm đầy tính nghệ thuật.
Ý tưởng dùng tranh gốm xóa quảng cáo rao vặt đang được 22 hộ dân ở tổ dân cư số 28, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) chung sức thực hiện. Từ mong muốn làm đẹp... 8 giờ sáng, người phụ nữ được gọi là “linh hồn” cho những ý tưởng của tổ dân cư số 28 – bà Vũ Thị Bắc đã tất bật ngược xuôi vừa lo chăm mẹ già, cháu nhỏ, lại lo đảm đương công việc trong vai trò Phó Chủ tịch MTTQ phường Dịch Vọng Hậu. Vậy nhưng, trên khuôn mặt bà Bắc luôn ẩn chứa nụ cười. Bởi không chỉ có mái nhà êm ấm, đối với những công việc xã hội, những việc bà làm, những ý tưởng bà đưa ra đều được bà con khu phố ủng hộ.
Con đường tranh gốm được 22 hộ dân tổ dân cư số 28 phường Dịch Vọng Hậu đóng góp kinh phí thực hiện.
Con đường tranh gốm được 22 hộ dân tổ dân cư số 28 phường Dịch Vọng Hậu đóng góp kinh phí thực hiện.
Theo lời kể của bà Bắc, trước khi thực hiện bức tranh gốm hơn 200m2 trước cửa 22 gia đình tổ dân phố 28 của phường là bức tường bao ngăn cách với trường THCS chằng chịt những dòng sơn quảng cáo. Ở đó không chỉ quảng cáo khoan cắt bê tông, dạy gia sư, mà còn cả những nội dung thiếu tế nhị như: Thuốc trị hôi nách, chữa trĩ… Tổ dân phố đã thiết kế một tấm bảng dành riêng cho quảng cáo rao vặt, nhưng đối tượng quảng cáo vẫn không dán quảng cáo đúng vị trí. Thời gian đầu, sáng thứ Bảy hàng tuần, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và các thành viên của các gia đình tổ dân cư 28 ra sức quét dọn, phun sơn xóa quảng cáo, nhưng vẫn không xuể với hành vi vi phạm quảng cáo. Gia đình bà Bắc đã khởi xướng thiết kế bức tranh gốm trước cửa nhà mình. Khi bức tranh hoàn thành, các hộ xung quanh nhận thấy lợi ích đẹp nhà, đẹp phố của bức tranh, nên đã hưởng ứng cùng nhau thực hiện. Ông Đỗ Ngọc Sỹ (số nhà 34, phố 18/4, tổ dân cư số 28) cho biết: “Để có bức tranh đẹp trên con phố dài như hiện nay, công đầu thuộc về chị Bắc, nhưng sau nữa cũng là nhờ người dân đoàn kết vì cộng đồng mà cùng chung tay góp sức. Không chỉ là đóng góp tiền của, ý thức vì cộng đồng còn thể hiện ở việc mọi người cùng nhau thống nhất chọn chủ đề, màu sắc chủ đạo, góp phần tăng hiệu ứng thẩm mỹ cho tác phẩm chung”. Để làm nên bức tranh gốm đó, khu dân cư ở đây phải đầu tư 127,5 triệu đồng. Các gia đình bảo nhau người góp 3 triệu đồng, người góp 5 triệu đồng. Riêng nhà bà Bắc ủng hộ khu dân cư 50 triệu đồng để hoàn thiện không gian chung của khu dân cư. ... đến câu chuyện gợi nhớ quê hương Ý tưởng của bức tranh gốm là những hình ảnh về đồng quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ như: Con trâu đi cày, giếng nước, cây đa… “Ai cũng có một quê hương để nhớ. Chính vì vậy, tôi mong muốn thế hệ là người ông, người bà như mình nhìn vào đó để hồi tưởng. Còn với các cháu trong khu phố, đôi khi cuộc sống thành thị khiến chúng bị coi là “gà công nghiệp”, nên từng ngày ngắm tranh gốm sẽ cho chúng hiểu thế nào là con trâu đi cày, người trồng lúa dùng những công cụ gì?...” - bà Bắc chia sẻ. Ngoài ra, trong từng mảng tường không thiếu những biểu tượng sống động của Hà Nội như: Khuê Văn Các, Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc... Đề cao tính giáo dục và mong muốn gửi gắm những thông điệp nhân văn tới lớp trẻ, người dân khu phố đã thống nhất để 2 bức tranh với hình ảnh Khuê Văn Các và Vinh quy bái tổ đặt ở đầu ngõ đi vào. Tác động thị giác từ tranh gốm thì đã có “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”. Những mảng tường xám xịt giờ trở nên sinh động, khiến cả con đường dài tăm tắp ven đê mang đến những xúc cảm mới lạ. Khu phố nhỏ không tham vọng nhiều như thế, nhưng mong muốn “làm đẹp” thì có. Sau khi hoàn thiện, rất nhiều cán bộ văn hóa tại các khu dân cư khác tìm đến học hỏi. Với bản tính thân thiện cùng niềm tự hào biết làm đẹp khu phố, các thành viên của 22 hộ gia đình nơi đây không ngớt lời chia sẻ về kinh nghiệm đoàn kết, lắng nghe, thấu hiểu nhau để tạo nên nét đẹp cho không gian công cộng. Bà Nguyễn Thị Soi (thành viên khu dân cư 28) vui đùa: “Phố nhà tôi giờ nổi tiếng không khác gì Con đường gốm sứ ven sông Hồng”. Không chỉ mang đến cảm xúc tự hào đối với mỗi người dân khu phố đường tranh gốm khi nói về công trình nghệ thuật đang hiện hữu ngay trước cửa nhà, một điều thú vị là điểm nhấn độc đáo ngay giữa Thủ đô này còn được dùng làm tên gọi nhận diện của khu phố. Theo họa sĩ Thu Thủy - hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội: “Ý tưởng dựng tranh gốm để xóa quảng cáo rao vặt là ý tưởng hay. Rất may tại khu dân cư số 28 phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy là khu dân trí cao, mọi người đều có hiểu biết nên tạo dựng được bức tranh mang nhiều giá trị truyền thống. Song nếu Hà Nội định nhân rộng mô hình dựng tranh gốm ở các khu dân cư thì cần cân nhắc và có ý kiến của giới chuyên môn để tránh tình trạng xuất hiện những bức hình có nội dung không đúng với thuần phong mỹ tục”.
(theo ktdt.vn)