Hồ T’nưng - "Em đẹp thế Plenlku ơi!"!

00:00 12/10/2020

Hồ T’Nưng còn được gọi là Biển Hồ hay hồ Ea Nueng thuộc xã Biển Hồ, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Đây là một hồ nước ngọt tự nhiên nằm ở độ cao trên 500 mét so với mực nước biển có giá trị như một viên ngọc xanh của núi rừng đất đỏ bazan trên cao nguyên trung phần Việt Nam. Hồ nước này từng được ví như đôi mắt đẫm lệ của phố núi Pleiku. Theo các tài liệu khoa học, cách đây hàng trăm triệu năm, vùng đất Tây Nguyên chính là địa bàn có núi lửa hoạt động dữ dội, dấu vết địa chất để lại làm minh chứng cho hoạt động này không chỉ có các dòng nham thạch mà còn có các miệng núi lửa, Hồ T’Nưng chính là những miệng núi lửa tiêu biểu còn hiện hữu.

lau-vong-canh

T’Nưng là tên một buôn cổ trong kí ức của người Tây Nguyên. Chuyện xưa kể rằng: Buôn T’Nưng trước kia  to và rất đẹp. Dân trong buôn sống với nhau yêu thương, hòa thuận. Bỗng một hôm trời đất chuyển mình, từ dưới lòng đất những ngọn lửa bất ngờ phun lên ào ạt, trong phút chốc đã thiêu rụi buôn làng. Những người đi vắng và nhanh chân chạy thoát thì không bị thiêu chết. Sau khi lửa tắt, mọi người tìm về làng thì thấy chỉ còn là một hố sâu thăm thẳm. Những người sống sót sau thảm hoạ khóc dòng dã vì nhớ thương những người đã mất, tiếc thương buôn làng. Họ khóc mãi, khóc không nguôi tới mức nước mắt chảy thành suối và đổ đầy cái hố sâu thẳm. Cái hố ấy chính là hồ T’Nưng ngày nay. Nhưng cũng có truyện khác thì lại kể: Ngày xưa buôn T’Nưng sầm uất với những dòng suối nước trong veo. Hàng ngày tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng đàn hòa vang thành những khúc ca rộn rã, âm vang khắp núi rừng. Thế rồi một năm nọ, trâu bò cả buôn chết rất nhiều. Dân trong buôn cho là Giàng (Yang) ghét bỏ nên đã cùng trưởng tộc vào rừng săn nai đem về lễ Giàng. Lễ xong, đang lúc mọi người vui say vì tin rằng Giàng sẽ phù trợ. Nào ngờ, đúng lúc ấy, mặt đất bỗng nhiên rung chuyển mạnh làm sụp đổ cả làng xuống vực sâu, nước tràn ngập, không còn một ai sống sót. Riêng có vợ chồng Mạc Mây đi thăm bà con ở xa nên đã tránh được tai hoạ thảm khốc ấy. Khi vợ chồng Mạc Mây đi chơi về đến làng chỉ nhìn thấy một biển nước mênh mông. Bàng hoàng, khiếp sợ, hai vợ chồng chạy đi báo các buôn xung quanh về thảm hoạ này. Mọi người kéo đến, ai cũng đau xót, nhớ thương. Cũng từ đó, người Gia Rai luôn tưởng nhớ đến buôn làng và những người đã mất bằng cách lấy tên buôn làng cũ để đặt tên cho hồ.

Đến với hồ T’Nưng, ngắm nhìn địa mạo cùng những di sản địa chất còn khá nguyên vẹn như miệng núi lửa với vách đá bazan phong hóa thẳng đứng, chúng ta dễ dàng nhận ra ba miệng một núi lửa cổ. Ba miệng núi lửa này đã ngừng hoạt động và thông với nhau để lại cho trần gian một kiệt tác: Biển Hồ. Về mùa khô, hồ có diện tích khoảng 240 hetta, mùa mưa có thể lên tới 400 hetta; độ sâu của hồ bình quân khoảng từ 12 - 19 mét, có chỗ tới 40 m; Hồ chứa khoảng 30 triệu mét khối nước ngọt tự nhiên, quanh năm không bao giờ cạn. Đây là nguồn nước ăn, sản xuất cho cả thành phố Pleiku và dân quanh vùng, đồng thời cũng là khu bảo tồn đất ngập nước cấp quốc gia với nhiều loài cá quí như cá đá, cá niềng, cá chày, cá ngựa. Biển Hồ này được đánh giá là một trong năm hồ tự nhiên đẹp nhất nước ta và là hồ đẹp nhất của Tây Nguyên rực tràn nắng vàng và lồng lộng gió ngàn. Ở cái vùng hồ này cái nắng cái gió như thể hòa quện cùng mặt nước màu thiên thanh làm cho cảnh vật trong vùng trở nên lung linh huyền ảo và quyến rũ người xem đến lạ kỳ. Khi gió nhỏ mặt hồ sóng chạy lăn tăn. Khi gió to mặt hồ ồn ào sóng cuộn. Có lẽ bởi thế nên nó mới có thêm cái tên gọi là Biển Hồ. Thực ra, Biển Hồ là tên của người Kinh đặt cho còn người Ba Na, Gia Rai bản địa gọi là hồ T’Nưng, có nghĩa là "biển trên núi". Tên gọi “biển trên núi” ấy cũng gợi lên trong lòng người nghe cái mêng mông của sóng nước. Hồ T’Nưng từ xưa đến nay quanh năm xanh đẹp, mơ mộng như nàng sơn nữ ngây thơ xinh xắn trong độ xuân thì làm ngất ngây, xao xuyến, xốn xang biết bao du khách.

          Rồi vào một ngày mùa thu, trời đẹp, rời thành phố Pleiku theo con lộ 14 khoảng chừng 7 kilômét, đến ngã ba rẽ về phía tay phải, xuống con dốc thoai thoải, trải nhựa phẳng lì nhưng ngoằn ngoèo, quanh co; đi xuyên qua rừng thông ba lá xanh ngăn ngắt đang vi vu trong gió sớm, thoang thoảng hương đưa thơm mát, chúng tôi có mặt trước “đôi mắt” đẫm lệ của đại ngàn cao nguyên hùng vĩ. Thật thích thú! Xóa đi cái cảm giác mệt mỏi của mấy ngày dặm trường trên vùng đất đỏ cao nguyên, thay vào đó là một cảm giác sung sướng đang trào dâng khi được hòa mình trong một khung cảnh nước trời cao rộng, khoáng đạt, mộng mơ. Bầu trời cao nguyên lồng lộng với những làn mây trắng nhẹ nhàng trôi và lặng lẽ thả bóng xuống mặt hồ trong xanh, lăn tăn sóng gợn theo làn gió đưa. Còn gì hơn nữa. Thật tuyệt diệu. Chậm chậm, thả bước theo con đường đẹp như tranh vẽ vươn ra hồ nước với những cỏ cây xanh biếc, bước qua 22 bậc tam cấp dài ngắn khác nhau chia thành ba trường đoạn, leo 16 bậc cầu thang bê tông để lên lầu cao vọng cảnh hình ngũ giác ở đảo rùa (gò đất vươn ra lòng hồ) ta sẽ được thỏa thuê tận hưởng cái thú vị của nước biếc non xanh hữu tình. Từ điểm nhìn trên lầu cao ngũ giác, ta như thể được ru hồn trong cõi thiên thai, phóng tầm mắt ra tám phương bốn hướng, lặng nghe sóng xô trong làn gió mát ta sẽ thấy biển hồ hiện lên đẹp đến nao lòng. Những rặng thông xanh hai bên đường mòn như thể được ánh nắng giát vàng, dạt theo chiều gió. Hồ nước màu ngọc bích, thăm thẳm hiện lên như một tấm gương hình bầu dục khổng lồ soi bóng núi đồi trùng điệp, nhấp nhô với những rừng cây tiếp nối; chỗ thì thoai thoải, chỗ thì dựng đứng theo các triền núi và cũng đang thả hồn theo gió, phơi mình trong ánh bình minh của nắng trời buổi sớm mai. Thấp thoáng bên bờ hồ, xen lẫn những khu đồi thông là một vài thửa ruộng bậc thang xanh rì của lúa đang thì con gái xen lẫn những bụi hoa mua và điệp trùng các loài hoa ngải, dã quì đâm bông vàng rực. Chưa hết, dọc bên bờ hồ còn có rất nhiều cây Ê Pang với những chùm hoa màu sữa cánh mỏng mảnh lung linh giữa không gian xanh biếc của núi rừng như thể đang cùng đua sắc với bông hoa súng trắng hồng phơn phớt đang khẽ rung rinh trên mặt nước bao la của T’Nưng sóng biếc. Xa xa những con thuyền độc mộc, cái thì ngư phủ đủng đỉnh buông câu, cái thì ngược xuôi đi lại của đồng bào bản địa, giống như những chiếc thoi đưa khi nhanh khi chậm dệt muôn ngàn tia nắng trải dài ra mênh mông trên mặt hồ để làm nên một một tấm thảm nước bàng bạc mây trời, óng ánh màu kim tuyến. Cảnh đẹp như thế còn được tô điểm bởi những cánh chim đ'rao, chim trắc la nhởn nhơ bay lượn, chao đi chao lại không ngừng trên giữa từng không cùng những thanh âm vang vọng, lảnh lót như tiếng kèn đồng của đàn chim sít lông tím mỏ hồng. Được tắm mình trong cái cảnh bốn bề bồng bềnh, thơ mộng của nước hồ, mây trời, hoa lá lòng ta như thể được rũ sạch bụi trần, khoan khoái, lâng lâng. Cái cảm giác dễ chịu ấy giống như du hồn trong giấc chiêm bao.

Biển hồ T’Nưng được cộng nhận và xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia từ tháng 11 năm 1988 nhưng bây giờ vẫn còn khá hoang sơ. Du khách đến đây chỉ lên lầu vọng cảnh mươi phút vừa trầm trồ vừa ngắm cảnh, rồi ra về trong luyến tiếc, nhung nhớ...  Nhưng rồi mai đây, trong tương lai, hi vọng bên những triền đồi ven hồ sẽ có các khu nghỉ dưỡng với những nếp nhà rông kéo dài như tiếng chiêng ngân. Đêm đêm, bên ché rượu cần, trong ánh lửa bập bùng, du khách thập phương sẽ được nghe kể những câu chuyện về sự tích biển hồ; sẽ được tắm mình trong không gian văn hóa cồng chiêng; sẽ được sống trong không khí sử thi của "Dăm No", "Đăm Giông", "Đăm Di đi săn", "Đam San", "Xinh Nhã"...; sẽ được nghe tiếng đàn T'rưng, đàn K'lông pút với cũng cung điệu réo rắt, trầm bổng, vang vọng, diết da... Lúc ấy, cô sơn nữ xinh đẹp của núi rừng Tây Nguyên sẽ hiện lên rực rỡ, lộng lẫy y như lời ca trong một bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Cường: "Em đẹp thế Pleiku ơi, Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi/ Không dám nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt Pleiku - Biển Hồ đầy/Có hàng thông xanh trong đôi mắt em/ Có dòng Sê San trong đôi mắt em/ Có hương rượu cần say men, say men/ Có ngọn lửa nào đang nhen, chơi vơi ...".

 Phan Anh 

Phòng GD&ĐT Hoài Đức, Hà Nội