Hãy đầu tư vào các tác giả nữ

00:00 12/10/2020

"Các nữ nghệ sĩ đang bắt đầu gây bão trên thị trường tác phẩm mỹ thuật nên đây là lúc thích hợp nhất để đầu tư vào họ". Đó là lời khuyên của Công ty Barnebys ở Stockholm (chuyên nghiên cứu về thị trường đấu giá tác phẩm mỹ thuật). Theo Barnebys, đó là một cuộc cách mạng mà để đi tới thị trường của ngày hôm nay cần đến thời gian cả thế kỷ.

nhen-cua-louise-bourgeois Nhện của Louise Bourgeois

Trong nhiều thập niên vừa qua, thị trường tác phẩm mỹ thuật hầu như bị nam giới thống trị, từ Picasso đến Rembrandt, Dürer đến Dalí. Các nữ nghệ sĩ tạo hình cho dù có tài đến đâu đi nữa vẫn bị coi là thứ yếu và được nhìn như những “nàng thơ” chứ không phải là những bậc thầy. Nhưng những năm gần đây, tranh tượng và tác phẩm nghệ thuật thuộc nhiều loại hình khác của các tác giả nữ đã đạt được mức giá đáng kể tại các sàn đấu giá lớn.

Các nhà sưu tập và giới kinh doanh đang đặc biệt chú ý đến những họa sĩ tên tuổi như Georgia O’Keeffe, Joan Mitchell, Frida Kahlo, Berthe Morisot, rồi đến những Louise Élisabeth Vigée Le Brun, Mary Cassatt, Natalia S. Goncharova, Irma Stern, Tamara de Lempicka.

Tác phẩm của các nhà điêu khắc Louise Bourgeois và Camille Claudel cũng rất được hâm mộ. Trong danh sách các tác giả nữ mà Barnebys khuyên nên đầu tư còn có nhà thiết kế đồ trang sức Suzanne Belperron, các nhà nhiếp ảnh Cindy Sherman và Diane Arbus cũng như “bà ngoại” của nghệ thuật trình diễn Marina Abramovic.

Điểm qua các cuộc đấu giá được tổ chức trong những năm gần đây ở tất cả các nhà đấu giá lớn nhỏ trên thế giới, Barnebys khẳng định vị trí số 1 của tác phẩm Hạt giống Jimson/ Hoa trắng số 1 do Georgia O’Keeffe (1887 - 1986) vẽ năm 1932: bức tranh được bán với giá 44,4 triệu USD tại nhà Sotheby’s New York vào tháng 11/2014.

Ngoài kỷ lục ngoại hạng trên, Georgia O’Keeffe còn có nhiều tác phẩm đạt mức giá rất cao như: Hoa huệ tây màu trắng vẽ năm 1927, được bán với giá gần 9 triệu USD tại nhà Sotheby’s New York vào tháng 5/2015, Hoa huệ tây trắng và cỏ chân ngỗng đỏ vẽ năm 1928, được bán tại nhà Christie’s New York vào tháng 5/2001 với giá 5,6 triệu USD…

Xếp thứ hai sau O’Keeffe cũng là một nữ họa sĩ người Mỹ: Joan Mitchell (1925 - 1992). Thuộc “thế hệ thứ hai” các họa sĩ theo khuynh hướng Biểu hiện Trừu tượng tại Mỹ sau Thế chiến II, Joan Mitchell nổi tiếng với tranh trừu tượng kích thước lớn đa sắc màu, với những nhát cọ trào dâng như sóng biển – một cách nhìn sự vật và thiên nhiên theo cảm quan và thị giác của tác giả.

Tháng 5/2014, bức Không đề của Joan Mitchell được bán với giá 11,9 triệu USD tại nhà Christie’s New York, tác phẩm cao giá thứ hai của các tác giả nữ. Tuy nhiên, cho tới nay Joan Mitchell là nữ họa sĩ có tổng giá trị tác phẩm đã bán cao nhất: hơn 286 triệu USD.

Xếp thứ ba trong danh sách các tác giả nữ có giá tranh cao nhất là Berthe Morisot (1841 - 1895) - họa sĩ người Pháp theo trào lưu Ấn tượng, học trò của nhà danh họa chuyên vẽ tranh phong cảnh Jean-Baptiste Camille Corot và là cháu nội của Jean-Honoré Fragonard - một tài năng hội họa rất nổi tiếng vào thời của ông.

Sinh thời, Morisot là bạn của các tên tuổi lớn như Edgar Degas, Edouard Manet… Bà cùng với Mary Cassatt và Marie Bracquemond làm nên một “bộ ba quý bà” của trào lưu Ấn tượng. Tác phẩm của Berthe Morisot lấy cảm hứng từ cuộc sống thường ngày, phong cảnh, tĩnh vật và chân dung, đặc biệt là chân dung những phụ nữ dịu dàng trong khung cảnh gia đình hiền hòa. Bức Sau bữa trưa Berthe Morisot vẽ năm 1885 đã được bán với giá 10,9 triệu USD tại nhà Christie’s London vào tháng 2/2013.

Nữ họa sĩ người Nga Natalia Sergeevna Goncharova (1881 - 1962) cũng gây nhiều chấn động trên các sàn đấu giá. Là một nghệ sĩ đa tài, một họa sĩ tiền phong của hội họa Nga hậu thế kỷ XIX, Goncharova có nhiều bức tranh đạt giá cao ngất như Hoa (1912) được bán với giá 10.860.833 USD tại nhà Christie’s London vào tháng 6/2008, cũng tại nhà Christie’s London là hai bức Nhặt táo (1909): 9,8 triệu USD vào tháng 6/2007 và Chuông xanh (1912): 6,2 triệu USD vào tháng 11/2007.

Đứng đầu về giá tác phẩm điêu khắc nữ là Louise Joséphine Bourgeois (1911 - 2010), một nghệ sĩ Mỹ gốc Pháp, nổi tiếng với những tượng có kích thước rất lớn và sau này là các tác phẩm sắp đặt. Bà còn vẽ và làm tranh in cũng rất thành công.

Tháng 10/2015, tác phẩm Nhện khổng lồ làm bằng đồng của Bourgeois đã được bán với giá 28,2 triệu USD tại nhà Christie’s New York. Trước đó, năm 2011 cũng tại nhà Christie’s New York, một "con nhện" khác của bà được bán với giá 10,7 triệu USD.

Camille Claudel (1864 - 1943) là một trường hợp độc đáo của mỹ thuật thế giới. Bà là trợ thủ của thiên tài điêu khắc Auguste Rodin (1840 - 1917) rồi trở thành người tình của ông. Tuy nhiên, không vì thế mà Camille Claudel dựa dẫm vào sự nổi tiếng của Rodin khi bắt đầu tách ra khỏi ông để sáng tác. Cuộc đời bà trải đầy những bất hạnh chẳng kém gì Van Gogh: bị xã hội dè bỉu, sống trong cảnh nghèo khó và sự bất công của thế giới mỹ thuật đương thời để rồi phải vào một dưỡng trí viện và qua đời tại đó.

Nhưng “những gì của Ceasar phải trả lại cho Ceasar”, tác phẩm mà Claudel để lại cho hậu thế được đánh giá chính xác, được coi là những sáng tạo bất hủ, không chịu ảnh hưởng của Rodin và nay là đối tượng săn lùng của giới sưu tập và kinh doanh mỹ thuật, có giá hàng triệu USD trên các sàn đấu giá.

Dù vậy, so với các tác giả nam giới thì giá tác phẩm của các nữ nghệ sĩ vẫn còn thấp hơn rất nhiều, thậm chí kém hơn đến 10 lần theo các khảo sát của Barnebys. Đơn cử như tranh của Picasso, Klimt, Gauguin, Van Gogh và tượng của Giacometti có giá hàng trăm triệu USD. Vẫn còn tồn tại tình trạng “trọng nam khinh nữ” trong thế giới của nghệ thuật tạo hình. Liệu lời kêu gọi của Barnebys có giúp thay đổi sự bất công đó?

Top 10 tác giả nữ có giá trị tác phẩm được bán cao nhất trong thập niên 2005 - 2015: Joan Mitchell (Mỹ) 286.117.725 USD Yayoi Kusama (Nhật) 215.702.079 USD Georgia O’Keeffe (Mỹ) 129.445.340 USD Louise Bourgeois (Mỹ gốc Pháp) 118.020.052 USD Natalia S. Goncharova (Nga) 109.386.465 USD Agnes Martin (Mỹ gốc Canada) 109.085.447 USD Cindy Sherman (Mỹ) 106.562.956 USD Tamara de Lempicka (Ba Lan) 97.748.009 USD Irma Stern (Nam Phi) 92.359.264 USD Barbara Hepworth (Anh) 82.597.323 USD Trong 10 năm đó, Joan Mitchell có 407 tác phẩm được bán đấu giá, trong khi Kusama có tới 3.323 tác phẩm được bán.

LÊ BẢN/DNSGCT