Hà Long–Vùng Thiêng Sông Núi: Đất Quý Hương-Lúa Quý Hương

00:00 12/10/2020

Xã Hà Long, huyện Hà Trung luôn khắc sâu trong lòng người dân quê Thanh với nhiều giá trị văn hóa - lịch sử và họ coi đây là vùng đất thiêng của sông núi. Đậm nét hơn và được khắc vào văn bia, khắc vào lòng người là đất quý hương, là giống lúa quý hương ngát thơm cả vùng trời.

Xã Hà Long là đất tổ của các vua triều Nguyễn. Nơi đây có núi Triệu Tường. Núi không cao nhưng phong cảnh khá đẹp. Sách Đại Nam nhất thống chí đã khắc sâu “Mạch núi từ huyện Thạch Thành như chuỗi ngọc kéo xuống, nổi lên 12 ngọn liền nhau, có cây xanh tốt trông như gấm vóc. Phía Đông Bắc có núi Tam Điệp, rồi núi Thần Phù chạy dài ở bên tả. Còn phía Tây có núi Biều Doanh, núi Trạch Lâm, núi Trang Chữ chạy vòng ở bên hữu. Nước khe Rồng xuống Tống Giang lượn vòng ở đằng trước.

mua-gat-tren-canh-dong-nep-cai-hoa-vang-ha-long-ha-trung

mùa gặt trên cánh đồng nếp cái hoa vàng Hà Long- Hà  Trung Lịch sử đã ghi: Ông tổ họ Nguyễn là Nguyễn Công Duẫn, sinh ra ở làng Gia Miêu, Hà Long, Hà Trung - một công thần thời bình Ngô vệ quốc, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn (1418- 1427), có nhiều công trạng được vua Lê Thái Tổ phong Thái bảo Hoành Công. Tiếp các đời con, cháu, chắt, chút (Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Văn Lang, Nguyễn Hoằng Dụ, Nguyến Kim) đều lần lượt làm đại thần trong triều. Con của đại thần Nguyễn Hoằng Dụ là Nguyễn Kim, dựng cờ khởi nghĩa lập nhiều công trạng, dựng Lê Chiêu Tông lên ngôi vua (Lê Trang Tông- 1533-1548), khởi đầu thời Lê Trung Hưng. Nguyễn Kim được vua phong làm Thượng Phụ Thái Sư Hưng Quốc công. Nguyễn Kim có 3 người con. Người con gái tên Ngọc Bảo lấy Dực Quốc Công Trịnh Kiểm, tức chúa Trịnh sau này. Người con trai thứ là Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng (1525-1613), chấn thủ xứ Thuận Hóa. Từ đó các chúa Nguyễn - hậu duệ của Nguyễn Kim lập ra xứ Đằng trong, mở mang đất nước từ Thuận Hóa xuống tận mũi Cà Mau. Năm 1802, người chúa đời thứ 11 của Nguyễn Kim là Nguyễn Phúc Ánh thống nhất hai xứ Đằng trong và đằng ngoài thành nước Việt Nam như ngày nay. Sau khi lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long. Vua Gia Long và các vua Nguyễn sau đó xây dựng ở Gia Miêu, Hà Long, Hà Trung một khu lăng miếu hết sức uy nghi đẹp đẽ để thờ phụng tổ tiên. Ở đây có lăng Triệu Tường còn gọi là Trường Nguyên, là nơi táng ông tổ. Miếu Triệu Tường thờ Nguyền Kim, Nguyễn Hoàng (con Nguyễn Kim) và Trừng Quốc Công Nguyễn Văn Lựu. Bên cạnh lăng là đình làng Gia Miêu thờ thành hoàng Nguyễn Công Duẫn. Vì tính chất thiêng liêng, đặc biệt ấy nên nhà Nguyễn gọi Gia Miêu, Hà Long là đất quý hương. Trong khai sinh cũng như lý lịch nhiều cháu chúa, con vua mang họ Tôn Thất, Nguyễn Phúc ở Huế thường ghi “chánh quán Gia Miêu, ngoại trang Thanh Hóa”. Lăng miếu, đình thờ trên đất Hà Long nổi tiếng với nhiều vật báu giá trị lịch sử. Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu về các công trình lịch sử quý báu trên đất Hà Long. Trong khuôn khổ bài viết này xin được tô đậm  trước hết là bia trên lăng Triệu Tường - Trường nguyên và đình Gia Miêu. Hai công trình được khắc ghi khá đậm nét. Lăng Triệu Tường do vua Minh Mạng Thứ ba (1822) xây dựng. Nội dung có nhiều ý nghĩa đặc sắc. Bản dịch như sau: [box]“Đất lớn chúa Thiêng sinh ra Triệu Tổ/ Vun đắp cương thường nên nên rạng thánh võ/ Nghĩa động quỉ thần công truyền vũ trụ/ Cõi trần rời bỏ lăng ở bái trang/ Non nước bao bọc sấm mắt tùng xanh/ Khi thiêng nhóm họp đời đời xưng vinh/ Mệnh trời đã giúp con cháu tinh anh/ Võ công dựng nước bèn tìm gốc nguồn/ Tuy tôn dựng miếu lăng gọi Trường Nguyên/ Tân tuy Bắc tuần đến đây dựng lại/ Trông ngắm non sông nhớ đến gốc cõi/ Khắc chữ vào bia lưu ức vạn tài” (NPT Thế phả, Thuận Hóa 1995, tr.97-98).[/box] Đình Gia Miêu, thờ thành hoàng của làng là Nguyễn Công Duẩn –là một công trình kiến trúc gỗ được vua Gia Long (1804) cho xây dựng để nhớ ơn tiên tổ và cũng là một món quà cho cố hương. Bờ nóc của tiền đường được trang trí công phu, nổi cao chính giữa nóc là hình lưỡng long chầu nguyệt rất thanh thoát. Các bờ giải toả ra bốn góc cũng đều có hình rồng đắp nổi. Diện tích mặt mái lớn nhưng ngôi đình trông vẫn đẹp nhẹ nhàng và thanh thoát. Phía trong ngôi đình, kết cấu vì kèo chủ yếu là theo kiểu “chồng rường , kẻ bẩy”. Về nghệ thuật trang trí, đình Gia Miêu là một công trình kiến trúc – nghệ thuật to lớn, bề thế với nhiều mảng chạm khắc, trang trí cầu kỳ. Những mảng chạm khắc này được thể hiện ở vì nóc, đầu các xà đai, kẻ bẩy, đường diềm... Ngoài ra, còn có các linh vật như: rồng, lân, rùa, hươu... cũng được trang trí hết sức công phu và tinh tế. Nhìn chung, với quy mô kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc còn lại thì đình Gia Miêu được xem như là một công trình tiêu biểu của kiến trúc thời Nguyễn ở Thanh Hoá. Về lúa Quý hương. Đó là tên gọi gần đây nằm trong dự án “phát triển nếp cái hoa vàng Quý hương” do Đảng bộ và nhân dân Hà Long xây dựng có từ năm 2011.

nha-bia-va-bia-phung-tho-to-tien-dong-ho-nguyen-ha-long-ha-trung

nhà bia và bia phụng thờ tổ tiên dòng họ Nguyễn (Hà Long-Hà Trung)

Nguồn gốc của nếp cái hoa vàng quý hương có từ xa xưa trên đất Hà Long, ít nơi nào trên quê hương Thanh Hóa có được. Vì giống lúa khá đặc thù chỉ cấy trên đất Hà Long mới cho vị hương thơm ngon, dẻo. Cũng từ thời các vua chúa nhà Nguyễn đang trị vì trên xứ Huế - Đằng trong, người dân Gia Miêu đã từng dâng lúa nếp cái hoa vàng cung tiến vua thay cho nhiều sản vật trên quê Thanh. Và cũng từ đấy người Hà Long đều truyền miệng: Nhà nào cúng giỗ tổ tiên đều phải có nếp cái hoa vàng. Đặc biệt là bà con ở đây xưa và nay khi thưởng thức nếp cái hoa vàng thường có một phương thức là đồ xôi, nắm và ăn độc món xôi là xôi, không lẫn bất kì gia vị khác để giữ mãi dư vị thơm, ngon của nếp cái hoa vàng. Ngoài ăn trực tiếp, bà con  còn ủ cơm rượu, chưng cất rượu. Nhưng cũng chỉ dùng trong gia dình, trong làng xóm, ít khi xuất ra ngoài. Vì lúc nào cũng quý hiếm và bà con ai nấy đều có ý thức gìn giữ bản sắc lúa nếp cái hoa vàng Hà Long không pha tạp, lai giống. Từ năm 2011, Đảng bộ xã Hà Long, các nhà khoa học trên đất Hà Trung nói riêng và Thanh Hóa nói chung đã thấy hết giá trị của lúa nếp cái hoa vàng Hà Long do đó đã dày công nghiên cứu và xây dựng đề án phát triển với quy mô ngày càng mở rộng. Năm 2011, trên diện tích thử nghiệm có 2,5ha, đạt năng suất gấp 2 - 2,5 lần lúa tẻ và đặc biệt lúa thơm từ thời kì “con gái”. Đến năm 2014, tổng diện tích gieo cấy lúa nếp cái hoa vàng xã Hà Long là 25,2  ha tại 7 thôn trong xã. Tham gia sản xuất, bà con được hỗ trợ một phần giống và tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Trong vụ mùa 2014, xã Hà Long đã cấp 580kg giống lúa nếp cái hoa vàng và mở 2 lớp chuyển giao KHKT cho 200 hộ nông dân trong xã tham gia gieo cấy giống lúa nếp cái hoa vàng. Năng suất lúa 2014 đạt 47 tạ/ha, giá trị đạt trên 80 triệu đồng trên ha. Đến năm 2015, xã đã mở rộng diện tích cấy lúa nếp cái hoa vàng lên 77,6 ha và ký hợp đồng với Công ty Sao Khuê bao tiêu sản phẩm cho người nông dân và xây dựng thương hiệu nếp cái Hoa vàng Quý hương Hà Long. Công ty Sao Khuê là một doanh nghiệp tiêu biểu có nhiều thành công trên thương trường, luôn mở hướng phát triển đi lên cho ngành nông nghiệp tỉnh Thanh. Năm 2016, xã Hà Long tiếp tục có kế hoạch mở rộng diện tích giống lúa nếp cái Hoa vàng lên 100ha, đồng thời hỗ trợ nguồn giống và tập huấn KHKT cho bà con nông dân tham gia sản xuất giống lúa nếp cái Hoa vàng thành sản phẩm hàng hóa và tiếp tục ký hợp đồng với Công ty Sao Khuê bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Hiện nay, từ Công ty Sao Khuê và nhiều doanh nghiệp ở Hà Trung đã nối nhịp cầu vui đưa sản phẩm nếp cái hoa vàng Hà Long đi muôn nơi khắp các vùng trong cả nước. Nhiều nhà khoa học đang cùng các doanh nghiệp đi sâu nghiên cứu và mở rộng đầu tư chiết xuất nếp cái hoa vàng của Hà Long thành nhiều sản phẩm đặc sắc không chỉ tiêu dùng trong nước mà sẽ là hàng hóa xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Nếp cái hoa vàng Hà Long thật sự là lúa Quý hương. Đất Quý hương và lúa Quý hương đã góp phần to lớn xây dựng quê hương Hà Long mạnh giàu. Năm 2015, xã Hà Long đã về đích xây dựng nông thôn mới, ghi danh trong bảng vàng của huyện Hà Trung.Quả đúng Hà Long là vùng thiêng sông núi, là đất Quý hương - lúa Quý hương. Tổ phóng viên VPĐD Thanh Hóa - Ninh Bình