Ghi chép trên cao nguyên đá

00:00 12/10/2020

Đá. Cơ man nào đá. Trập trùng đá. Mênh mông đá. Muôn hình đá. Vạn dạng đá. Ngửa mặt lên, núi đá cao ngất. Nhìn trước mặt, núi đá chình ình. Ngoái lại sau lưng, vách đá chênh vênh. Ngó xuống bên dưới, vực đá thăm thẳm. Quay bên trái thấy đá. Quay bên phải cũng lại thấy đá. Đá trên đường đi. Đá ở chợ. Đá nổi giữa dòng sông. Đá dải khắp lòng suối. Rồi lại còn hang đá, động đá. Đá làm thành cánh đồng. Đá hóa thành "rừng" (rừng đá). Đá tạo thành "vườn" (vườn đá). Đá được làm tường nhà. Đá kê thành chân cột. Đá kè nên bờ rào. Chỗ nào cũng thấy đá. Ở đâu cũng thấy đá. Thế đấy! U ám, xám xịt một màu đá khi chiều buông hòa với gió heo may trong ánh thu tàn trên cao nguyên biên ải xứ đá Đồng Văn.

con-duong-cao-nguyen-da

Đường lên cao nguyên đá

Trở lại với cao nguyên đá Hà Giang lần nào cũng vậy, tâm trạng thật khó gọi thành tên, có cái gì đó như đợi chờ, háo hức và cũng có cái gì đó như nhớ nhớ, thương thương, buồn buồn, lưu luyến, bâng khuâng ... Chẳng biết, có phải thời gian, không gian cùng với cảnh vật mây trời sông núi ở cái miền đá xám này đã ngưng kết lại, chầm chậm trôi nên dễ làm cho người ta sinh ra cái tâm trạng như thế. Bỏ lại sau lưng những ồn ào của phố thị, theo con lộ 4C ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, khi bò lên, lúc trườn xuống mềm mại như một dải lụa nối sườn núi này sang sườn núi khác, quãng chừng hơn 150 cây số để dẫn người đi đến được nơi địa đầu của đất nước. Chinh phục được con đường hùng vĩ này chắc hẳn người đi cũng sẽ được trải nghiệm qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: thích thú có, ngạc nhiên có, ngỡ ngàng có và cả sợ hãi cũng có. Sao lại thế? Ai đó có thắc mắc thì cứ thử một lần chinh phục nó để được thả hồn trên cột cờ Lũng Cú hay đỉnh đèo Mã Pì Lèng, rồi sẽ trả lời cũng được.

Với tôi, hành trình lang thang miền đá xám chẳng thể nào quên được. Nó đã ăn sâu vào trong kí ức của kẻ bộ hành như tôi. Mỗi đỉnh đèo, mỗi khúc cua, mỗi cánh rừng, mỗi dòng sông, mỗi con suối, mỗi cánh đồng hay mỗi con người tôi thấy, tôi qua đều để lại những ám ảnh da diết và vọng về những thương nhớ. Bắt đầu là vượt qua dốc Pắc Sum, nằm trên độ cao 1500 mét, đất trời Quản Bạ hiện ra với hai núi đá dựng đứng sừng sững ở hai bên đường đi giống như hai trụ cổng của ngôi nhà tạo hóa, có lẽ vì thế mà người ta mới gọi đây là cổng trời. Ngắm nhìn từ cổng trời, trong mắt tôi hiện lên những cánh đồng lúa vàng óng, mượt mà như nhung như lụa, xếp thành từng bậc xoáy theo hình xoáy trôn ốc quanh triền đồi hay nối tiếp xoắn xuýt từ núi này sang núi khác trải ra vô tận, chạy đến cuối chân trời. Tuyệt mỹ hơn là "Núi đôi vú cô Tiên" (Núi đôi Quản Bạ) ẩn hiện trong biển mây bồng bềnh giữa bốn bề núi biếc. Đây là một thắng cảnh diệu kì của tạo hóa để lại cho sơn nguyên Đồng Văn. Đó là hai núi đá vôi tròn vo, hài hòa cân đối như đôi trái đào tơ của nàng sơn nữ đang căng tràn sự sống giữa độ xuân thì. Vẻ đẹp quyến rũ của hai trái đào tơ đã gợi lên trong trí tưởng tượng bao điều thú vị và làm ngẩn ngơ, say đắm không ít người chiêm ngưỡng. Chưa hết, Quản bạ còn có đệ nhất động cực Bắc ở Lùng Khúy. Đây là một hang động đẹp với muôn hình nhũ đá lộng lẫy, lạ mắt và hiếm thấy được kiến tạo từ hàng triệu năm về trước nhưng vẫn giữ được sự hoang sơ nguyên vẹn trên một chiều dài toàn động khoảng 300 mét. Ngắm nhìn muôn khối thạch nhũ vàng óng ánh của Lùng Khúy người ta đã liên tưởng tới bao điều kì thú, ví như: chiếc lược trời, đầu con sư tử, cây hoa, tòa tháp, cây đàn... Rời Quản Bạ lên đến Đồng Văn con đường "thiên lí" thực sự hùng vĩ và thơ mộng. Muôn ngàn mỏm đá tai mèo nhô lên trời xanh như bày thạch trận. Tầng tầng, lớp lớp đá tai mèo nhọn hoắt như thể chen lấn xô đẩy nhau bên các sườn non. Nhìn từ xa, con đường bé tí bé tẹo mong manh như sợi chỉ bám vào một bên là sườn núi một bên là vực sâu hun hút, khi bò lên lúc tụt xuống ngoằn ngà ngoằn nghoèo, thỉnh thoảng lại đi xuyên qua những đám mây bồng bà bồng bềnh, đúng là "đường đi trên mây". Qua Yên Minh, dọc bên đường có những rừng thông dài dằng dặc, xanh mướt, đẹp mê hồn đang vi vu theo gió, phần nào cũng xóa tan cái màu xám xịt cố hữu của đá núi trong suốt dặm trường. Phía xa xa, thấp thoáng bên núi có những nếp nhà bé bé ẩn hiện cùng với những dáng người nho nhỏ đang lầm lũi cõng những bó củi trên lưng đi về trong buổi chiều hoang hoải giống như một bức tranh cổ tích xa xôi nào vậy. Thỉnh thoảng, ngoái nhìn đoạn đường vừa đi qua tôi không khỏi giật mình bởi xe đi mãi mà vẫn cứ loanh quanh chưa rời ra được chỗ mình vừa trông thấy. Hóa ra, đường ở đây là vậy, cứ quanh co, lòng vòng từ sườn núi này vắt sang sườn núi khác để tiến dần đến nơi chót cùng Lũng Cú, đến đây tôi mới hiểu câu nói cửa miệng của người H'Mông "thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày". Cứ thế, đi mãi, đi mãi rồi tôi cũng đến được Đồng Văn xa xôi với những đồi núi trùng trùng điệp điệp. Từ Phố Cáo về Sủng Là tôi được chiêm ngưỡng con đường dốc độc đáo, có một không hai, với những khúc cua liên tiếp nối nhau đúng như tên gọi dốc chín khoanh và phía xa là những thung lũng thơ mộng. Người ta bảo, cặp đôi nào yêu nhau đi chợ Phố Cáo về leo hết những đoạn cua dốc này thì sẽ nên vợ nên chồng. Nếu Phố Cáo là một thị tứ bình yên với những ngôi nhà tường đất, cổng gỗ, bờ rào đá dọc hai bên đường (chủ yếu của đồng bào người H'Mông) thì Sủng Là nổi tiếng là nơi đá nở hoa, được mọi người biết đến như một phim trường với tác phẩm "Chuyện của Pao" của đạo diễn Ngô Quang Hải (phim sản xuất năm 2006, đạt 4 giải cánh diều vàng). Ngôi nhà "phim trường" ở làng Lũng Cẩm ngày ấy bây giờ đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn được rất nhiều người tìm đến. Đứng trên đỉnh đèo chỗ ngã ba đường đi về Phó Bảng nhìn xuống thung lũng Sủng Là trong cái nắng hanh hao vàng ươm cuối ngày tôi thấy toàn cảnh của bức tranh chiều sơn cước hiện lên đẹp quá. Những bờ rào đá, những nếp nhà chất đầy củi khô, những cánh đồng hoa tam giác mạnh cánh nhỏ mong manh, những dáng người trong trang phục thổ cẩm đi lại nhẹ nhàng, chậm chậm, đều đều và cả con đường quốc lộ cũng hiện lên như một dải lụa đào vắt ngang thung lũng bên hàng sa mộc như thể đang kiêu hãnh vươn lên trời cao trong cái ánh sáng vàng giòn của buổi chiều hôm. Đá ở Sủng Là toàn những đá tai mèo. Bây giờ cánh đồng đá ấy cũng bồng bềnh bởi những thảm hoa tam giác mạch. Cây tam giác mạch xưa dùng để ăn gối vụ, làm rượu nhưng nay còn được dùng để làm du lịch. Những cánh đồng hoa phớt hồng, tim tím lộng lẫy đẹp đến mê li làm náo nức, nao lòng người ngắm. Sự tích loài hoa này được người dân ở đây kể rằng, ngày xưa nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt ở hạ giới. Khi hai nàng gieo hạt lúa hạt ngô xong thì chỉ còn lại những mày trấu, mày ngô. Hai tiên bèn đem đổ vào khe núi. Rồi hạt lúa hạt ngô cũng nảy mầm mọc lên thành cây lúa, cây ngô. Đến vụ thu hoạch, người người ra đồng mang hạt về ăn. Nhưng rồi hạt lúa, hạt ngô ăn hết mà vụ thu hoạch mùa sau vẫn chưa tới. Cả bản bị đói. Mọi người trong bản họp với nhau, rồi cắt cử người đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Đi mãi mà cũng chẳng tìm được gì. Một hôm, mọi người ngửi thấy trong gió có mùi hương là lạ. Họ bèn chia nhau đi tìm. Ngược theo hướng gió, họ đến các khe núi. Kì lạ và ngỡ ngàng, họ thấy một rừng hoa li ti, cánh mỏng manh, trải dài từ núi này sang núi khác. Xem kĩ người ta thấy cây còn có hạt. Họ bèn đem hạt về ăn thử. Mọi người thấy ăn ngon không kém gì ngô, gạo. Thế là từ đấy cái hạt ấy được mọi người sử dụng để làm cái ăn. Do cây hoa có cái lá mang hình tam giác, ẩn kín đáo dưới hoa, hạt được dùng để ăn như lúa như ngô nên người ta đã đặt tên cho cây là tam giác mạch. Nghe kể, Sủng Là là đất hoa. Mùa nào hoa ấy rất đẹp. Mùa xuân có hoa lê, hoa mận, hoa đào nở rợp trời phủ kín tất cả các con đường lớn, nhỏ. Mùa hạ những ruộng lúa, nương ngô biêng biếc một xanh mơn mởn tràn đầy sức sống trên những thửa ruộng bậc thang, xen lẫn những ruộng hoa tam giác mạch trái vụ. Mùa thu là mùa chính vụ của hoa tam giác mạch cùng vô số loài hoa cúc dại. Những cánh đồng hoa cúc cam vàng rực nở rộ trên nương, quấn quýt bên các ngả đường; chen, chèn lên các mỏn đá đã thể hiện một sức sống mãnh liệt của loài hoa phương Bắc và đã gây mê, bỏ bùa cho biết bao dân phượt. Mùa đông, Sủng Là mê hoặc khách phương xa bởi những ruộng hoa cải. Những thảm hoa cải vàng rực đất trời, trải dài các sườn núi. Trong ánh hoàng hôn, những vạt nắng cuối trời chếnh choáng tỏa từng vệt dài chiếu xuống những ruộng hoa cải làm óng lên một màu vàng lộng lẫy. Cùng với hoa cải vàng mùa này còn có cả những nương hoa cải trắng, hoa bạc hà, cũng rất đẹp.

Qua một đêm ngon giấc, sáng hôm sau dậy sớm, Đồng Văn mùa này mờ hơi sương nhưng thanh âm ngoài đường đã rộn ràng từ bao giờ chẳng biết. Ra đứng ngóng đường, thấy bà con lũ lượt quẩy tấu hàng hóa, dắt ngựa kéo lợn, kéo chó ... xuống chợ. Chợ phiên Đồng Văn họp vào chủ nhật. Chợ ở trung tâm phố cổ và vẫn còn giữ được nguyên vẹn nét đẹp cổ xưa với những mái nhà lợp ngói âm dương. Đây là lơi giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hóa của các tộc người trong vùng. Vào chợ tôi thấy có đủ sắc màu của các dân tộc hiện lên qua những bộ trang phục. Chợ cũng bày bán đầy đủ các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống cho bà con nhưng chủ yếu vẫn là các nông cụ và sản vật nông, lâm. Những gùi rau cải xanh mướt; những súc thịt lợn, thịt trâu ... treo cả tảng lớn hoặc bày nguyên con; những con lợn, con chó (con lợn được lôi đi xềnh sệch kêu eng éc ing ỏi); những can rượu ngô xếp hàng nối đuôi nhau dài tít tắp; những máy may quần áo và sửa chữa giày kêu sành sạch... Đến chợ Đồng Văn không thể bỏ qua khu ẩm thực với những nồi thắng cố sôi sùng sục, những bát rượu ngô thơm nồng. Đồng bào xuống chợ hầu như ai cũng phải ăn bát thắng cố và uống hớp rượu ngô. Có những cặp vợ chồng xuống chợ, ông chồng mải vui uống say khướt, rồi ngủ lăn bên vệ đường mà người vợ vẫn nhẫn nại cầm ô che nắng cho chồng, đợi khi nào tỉnh thì mới về nhà. Chợ phiên thật ấn tượng!

Rời chợ phiên Đồng Văn, tôi tìm đến dinh thự của vua Mèo, một danh gia vọng tộc ở vùng cao Phương Bắc, từng kết nghĩa anh em với cụ Hồ Chí Minh để xem vàng son một thủa. Dinh Vương thật đẹp. Dinh nằm trên thế đất mai rùa rộng gần 3000 mét vuông, được bao bọc bởi bốn bề đá núi. Dinh thự này pha trộn kiến trúc đời Thanh vùng Vân Nam (Trung Hoa) và truyền thống nhà ở của người H'Mông bản địa. Công trình này còn giữ được tương đối nguyên vẹn như xưa với hàng cây sa mộc hàng trăm năm tuổi và các chất liệu xây dựng chủ yếu là đá, gỗ (mang từ Trung Quốc về và lấy ở trong vùng), gồm bốn nhà hàng dọc và sáu nhà hàng ngang, tất cả đều hai tầng, sàn gỗ với diện tích khoảng hơn 1000 mét vuông, chia làm 64 phòng khép kín, với tổng chiều dài khoảng 46 mét và chiều rộng khoảng 22 mét, chia làm ba dãy rõ rệt. Trong nhà còn lưu giữ được nhiều di vật và ảnh chụp của gia đình nhà Vương. Trong đó, đáng chú ý là bức hoành phi bằng chữ Hán đề bốn chữ "Biên chinh khả phong" (sắc phong cai trị cõi biên thùy) của vua Khải Định tặng vua Mèo năm 1913 cùng với hai quả anh túc bằng đá kê làm chân cột, chậu đá dùng để tắm sữa dê của nhà Vương. Đây đúng là một công trình kiến trúc vĩ đại và độc đáo bậc nhất trên cao nguyên đá.

          Thăm dinh thự vua Mèo xong chúng tôi đi Lũng Cú để đến chiêm ngưỡng cột cờ quốc gia, nơi khẳng định chủ quyền dân tộc và cũng là niềm kiêu hãnh của đất Việt ở nơi biên cương địa đầu tổ quốc. Cột cờ nằm trên đỉnh Long Sơn, ở tọa độ 23°21’49’’ vĩ bắc 105°18’58’’ kinh đông, điểm cực Bắc. Từ điểm cao 1468,73 mét, quấn lá cờ vinh quang của tổ quốc đang bay phần phật trong chiều hôm gió lộng, lòng không khỏi bồi hồi xúc động. Đến đây mới biết, cột cờ này đã có từ xưa. Nó xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc là thời nhà Lý, khi cụ Lý Thường Kiệt thượng cờ và hội quân ở chốn biên ải. Từ đó nó tồn tại cùng với lịch sử thăng trầm của đất nước đến ngày nay. Cột cờ hiện nay chính thức khởi dựng từ ngày 8 tháng 3 năm 2010 và đến ngày 25 tháng 9 năm 2010 đã hoàn thành và đi vào phục vụ khách trong, ngoài nước đến thăm quan, du lịch. Tính bắt đầu từ nhà nghỉ Cực Bắc lên đến đỉnh cột cờ có 839 bậc, chiều cao của cột cờ là 34.85 mét, cán cờ cao 14.25 mét, đường kính ngoài của cột cờ là 3.82 mét, thân cột dày 40 cm, lá cờ rộng 54 mét vuông (6 m x 9 m) tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Toàn bộ cột cờ được làm bằng bê tông cốt thép theo hình bát giác, mô phỏng theo cột cờ Hà Nội. Cột cờ Lũng Cú được trang trí bằng các bức phù điêu mặt trống đồng Đông Sơn đường kính khoảng 1.5 mét và 8 bức điêu khắc có chiều cao 3.4 mét, trên rộng 2 mét, dưới rộng 4 mét. Điểm độc đáo của 8 bức điêu khắc này này là chạm khắc miêu tả sinh động diễn trình lịch sử và đời sống văn hóa của đất nước, của nơi đây.

            Ngắm nhìn thỏa thuê non nước trời mây của vùng biên ải trên đỉnh Lũng Cú xong chúng tôi trở về Phó Bảng trong ánh nắng chiều đang ngả dần xuống núi. Phó Bảng là một thị trấn cổ nằm sâu trong thung lũng của cao nguyên đá, từng được ví như thiếu phụ ngủ quên trong rừng. Không khí ở đây thật thanh bình, yên ả. Thị trấn hiện còn lại khoảng 50 ngôi nhà đất trình tường hàng trăm năm tuổi. Những ngôi nhà này lợp ngói âm dương, tường rêu mốc nứt nẻ ngả màu thời gian (màu nâu đỏ hoặc vàng nhạt), nằm nép vào nhau im lìm với những cánh cửa gỗ cũ kỹ dán những câu đối chữ Hán cũng đã xuống màu. Cư dân sống ở Phó Bảng chủ yếu là người Hoa và người H’Mông. Chính người Hoa di cư đến lập nghiệp ở đất này mà xây dựng nên khu phố tồn tại đến ngày nay. Người dân ở Phó Bảng sống bằng nghề làm nương và trồng hoa hồng. Họ rất mến khách. Thả bộ theo nhịp sống chậm chậm của Phó Bảng, qua các ô cửa sổ, tôi đã thấy những cô gái người Hoa ngồi may hoặc thêu những áo váy sặc sỡ bên chiếc máy khâu cũng cũ kĩ như những ngôi nhà; bên hiên nhà, trước cửa một vài cụ già người H'Mông đang vuốt ve trên lưng chú mèo lười; thấp thoáng trên đường mấy chú trâu đủng đỉnh về chuồng ... Cứ thế, cứ thế ... ánh tà dương chìm dần trong sương núi, bức tranh phố cổ buồn buồn cũng lặng chìm dần vào trong đêm tối.

Hôm sau, tạm biệt Đồng Văn tôi đến với Mèo Vạc. Đi trên con đèo huyền thoại dài hơn 20 cây số có tên là Mã Pì Lèng nằm trên con đường Hạnh phúc, nối Đồng Văn với Mèo Vạc, chúng tôi thấy đất trời cao nguyên đá sao mà yêu đến thế. Nghe kể đây là công trình vĩ đại nhất, gian khổ nhất nhưng cũng là hạnh phúc nhất đã đi vào lịch sử của Hà Giang trong thế kỉ XX như một bản hùng ca mở đất. Đang đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng để ngắm nhìn dòng nho Quế như một dải lụa xanh dưới chân đèo thì bất chợt đám mây ở đâu đó vô tình ngang qua sườn núi che khuất dòng sông và thay vào đó là một biển mây vân xanh vân trắng quấn quện bồng bềnh làm cho mình ngỡ như đang cưỡi mây du ngoạn trên cõi thiên đường. Đám mây cũng thật tinh nghịch, sà xuống mặt đường, luồn qua chân, rồi lại tung tăng theo gió cuốn đi nơi khác để trả lại cho con đèo một khoảng trời trong vắt. Và như thế những ngọn núi đá nhấp nhấp nhô nhô, trùng trùng điệp điệp cùng những cánh đồng đá hiện lên, trải dài vút tầm mắt cùng đan xen với sắc xanh của cây cối tạo thành một bức tranh vừa đẹp vừa ngập tràn sức sống. Cũng bởi sự đa dạng về địa chất cùng với sự biến đổi của khí hậu mà biển đá tai mèo ở Đồng Văn, Mèo Vạc biến thành những vườn đá, rừng đá khá đa dạng và phong phú tạo nên những cảnh quan vô cùng hấp dẫn, gợi trí liên tưởng đến phong phú vô cùng. Vườn đá Vần Chải có các phiến đá, chóp đá bóng tròn nhẵn nhụi, xếp gối lên nhau nhìn giống như đàn hải cẩu hàng nghìn con, đen bóng đang ngồi tựa vào nhau thảnh thơi trên bãi biển. Vườn đá Khâu Vai mênh mông với các chóp đá hình nụ hoa, bông hoa, nhành hoa. Vườn đá Lũng Pù có nhiều chóp đá, tảng đá, tháp đá mang hình rồng cuộn, hổ ngồi. Cùng với các vườn đá thì các dãy núi ở đây cũng mang hình dáng của nhưng kim tự tháp với đỉnh nhọn, sườn dốc nối tiếp nhau cao ngất trời tạo nên một phong cảnh vừa uy nghi hùng vĩ vừa tráng lệ, thơ mộng.

          Tôi đến Mèo Vạc không phải dịp chợ tình nhưng được đồng bào kể lại cho nghe sự tích phiên chợ phong lưu nổi tiếng của đất này. Thiên tình sử thơ mộng và quyết liệt ấy cũng đã để lại cho đời một phiên chợ đầy tính nhân văn mà con mắt miền xuôi chẳng bao giờ có được. Chợ chỉ họp một lần trong năm vào ngày hai bẩy tháng ba âm lich. Phiên chợ là nơi gặp gỡ của những cặp tình nhân trắc trở, là nơi cho trai gái mới lớn gặp gỡ giao duyên. Sau phiên chợ, ai về nhà ấy, không có ghen tuông, không có oán hờn và hẹn gặp lại ngày này năm sau. Nghe nói, cao nguyên đá Hà Giang không chỉ có chợ tình ở Khau Vai mà còn có chợ tình ở Lũng Làn (Mèo Vạc); chợ tinh Du Già  (Yên Minh). Không biết có phải thời xưa hôn nhân của đồng bào nơi đây đầy khắc nghiệt hay sao mà Hà Giang có nhiều chợ tình đến thế. Lang thang trên xứ đá Hà Giang, tôi cứ cố tìm, cố lắng nghe một tiếng khèn hay một tiến đàn môi của cư dân bản địa nhưng thật hiếm hoi. Duy nhất có một lần ngồi uống cà phê nơi phố cổ trong chiều tà bỗng vẳng nghe trong không gian tiếng khèn ở đâu đó đưa lại. Duy nhất một lần thôi. Một lần nhưng nhớ mãi. Tiếng khèn ai nghe sao mà mênh mang, ngọt ngào, nồng nàn, thiết tha đến thế. Tiếng khèn được nghe vô tình nhưng cũng để lại trong tôi những ý nghĩ mông lung, khắc khoải. Phải chăng bây giờ người H'Mông cũng đã hiện đại rồi, họ nghe nhạc trên điện thoại, trên đĩa CD, DVD mà bỏ mất cái âm nhạc truyền thống của cha ông. Thế nên tiếng đàn môi, tiếng sáo, tiếng khèn chỉ còn trong kí ức và ở các trung tâm biểu diễn cho khách du lịch mà thôi. Nó không còn là phương tiện để thổ lộ tình cảm của chàng trai với cô gái mà mình yêu thích. Nó không còn là tiếng gọi bạn tình nữa rồi. Thật tiếc!

Từ Mèo Vạc chúng tôi về Yên Minh theo hướng Lũng Phìn để rồi quay về với Thành phố Hà Giang, thảo nguyên xanh biếc một màu xen lẫn những triền đồi lau trắng. Con đường quay ra cũng có những khúc cua hình chữ M độc đáo, mềm mại bên những sườn núi đá tai mèo ẩn hiện trong sương khói lam chiều như du hồn trong giấc chiêm bao. Bất giác, tiếng chuông điện thoại bỗng reo vang với câu hát "Chiều biên giới em ơi/ có nơi nào cao hơn/ Như đầu sông đầu suối/ Như đầu mây đầu gió/ Như trời quê biên cương ..." làm tôi trở về với thực tại. Bài hát và cảnh vật lúc này sao thấy hợp nhau quá. Chắc hẳn, nhà thơ tài hoa người Giáy Lò Ngân Sủn không đứng ở chốn biên cương Hà Giang để lấy cảm hứng cho tác phẩm của mình. Nhưng sao nghe tôi thấy vẫn thấy đúng quá. Hay chăng biên giới quê mình chỗ nào cũng đẹp và thơ như vậy. Đất nước mình sao mà yêu đến thế!

Phan Anh - Thu Hiền