Duy trì nét đẹp ngày hội Văn hóa Thể thao truyền thống

00:00 12/10/2020

Với nhiều hoạt động sôi nổi, ngày hội Văn hóa Thể thao truyền thống 14/10 không chỉ nhằm tiếp nối, duy trì nét đẹp mà còn có ý nghĩa góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa, thể thao ở các địa phương, nâng cao đời sống tinh thần, khích lệ các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất. thai-lo

Biểu diễn múa rồng tại ngày hội Văn hóa Thể thao truyền thống

Đã thành thông lệ, từ năm 1992 đến nay, cứ đến ngày 14/10, ngày hội Văn hóa Thể thao truyền thống lại được khai mạc tại thành phố Thái Bình thu hút sự quan tâm, hào hứng tham gia, thưởng thức của đông đảo cán bộ, nhân dân, du khách thập phương. Với đa dạng, phong phú các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống diễn ra trước, trong và sau ngày khai mạc, ngày hội luôn được các tầng lớp nhân dân mong đợi, chờ đón. Qua từng năm, ngày hội Văn hóa Thể thao truyền thống ngày càng khẳng định được vai trò, ý nghĩa to lớn khi các trò chơi, các hoạt động văn hóa phi vật thể đặc sắc ở các vùng quê tưởng như mai một lại từng bước được khôi phục, duy trì và phát huy giá trị, được giới thiệu, tôn vinh và bảo tồn. Đặc biệt từ năm 2001, ngày hội Văn hóa Thể thao truyền thống thêm thấm đượm nét đẹp và ý nghĩa thiết thực bởi ban tổ chức đã bổ sung thêm hoạt động trao bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia cho các di tích tiêu biểu; trao bằng công nhận thôn làng văn hóa và công bố quyết định khen thưởng, trao hiện vật tài trợ thuộc chương trình mục tiêu về văn hóa, thể thao cho các thôn, tổ dân phố

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Việc duy trì nét đẹp ngày hội Văn hóa Thể thao truyền thống 14/10 luôn được UBND tỉnh chú trọng chỉ đạo. 5 năm một lần, ngày hội lại được tổ chức với quy mô lớn. Tuy năm nay không phải là kỷ niệm năm chẵn, song ngày hội Văn hóa Thể thao truyền thống 14/10 vẫn sẽ diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi. Từ trung tuần tháng 9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng kế hoạch tổ chức ngày hội chi tiết và triển khai tới tất cả các đơn vị trực thuộc, các phòng văn hóa và thông tin, trung tâm văn hóa thể thao các huyện, thành phố. Theo kế hoạch, lễ khai mạc diễn ra vào buổi tối ngày 14/10, có 14 di tích được công bố quyết định và trao bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa; 22 thôn làng, 11 cơ quan văn hóa tiêu biểu được nhận bằng khen của UBND tỉnh; 16 thôn làng, tổ dân phố được thưởng bộ tăng âm, loa máy phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao. Ngoài ra, trước và sau lễ khai mạc, khắp các huyện, thành phố sôi nổi diễn ra nhiều hoạt động như tuyên truyền, cổ động, văn nghệ, thể thao. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức các giải thể thao cấp tỉnh và quốc gia như giải bóng chuyền tranh cúp Bông lúa vàng, giải cầu lông toàn tỉnh, giao lưu bóng bàn các câu lạc bộ và giải quần vợt mở rộng. Các hoạt động văn hóa có biểu diễn múa rối nước, trưng bày hiện vật tại bảo tàng, các chương trình văn nghệ của Nhà hát Chèo, Đoàn Ca múa kịch…

Thi pháo đất - một trong những trò chơi truyền thống được duy trì đến ngày nay.

Tìm hiểu về công tác chuẩn bị phục vụ ngày hội Văn hóa Thể thao truyền thống, ông Đỗ Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Bảo tàng tỉnh là một trong những đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp phục vụ ngày hội với nhiều phần việc. Đến nay, Bảo tàng tỉnh đã cơ bản hoàn thành các phần việc như tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, trưng bày hiện vật bảo tàng phục vụ công chúng; tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm và cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động trong buổi khai mạc, phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển văn hóa Việt xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình biểu diễn múa rối nước tại hồ bảo tàng phục vụ nhân dân vào tối ngày 15/10… Tại xã Đông Các (Đông Hưng), đồng chí Nguyễn Văn Thành, Trưởng ban Văn hóa xã, Trưởng phường múa rối nước xã Đông Các cho biết: Phường múa rối nước xã Đông Các được chọn biểu diễn phục vụ ngày hội Văn hóa Thể thao truyền thống của tỉnh là niềm vinh dự lớn. Xác định đây là một trong những hoạt động nhằm tuyên truyền, giới thiệu với quần chúng nhân dân, du khách thập phương về một trong những tinh hoa văn hóa tiêu biểu của tỉnh, đồng thời thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của quê hương, vì vậy những ngày qua, tất cả anh em đều nhiệt tình bắt tay vào chuẩn bị chương trình biểu diễn gồm 14 trò diễn rối nước, trong đó có nhiều trò hấp dẫn như Tiễu giáo đầu, múa tứ linh, trống cơm, phù thủy sợ ma, chém đầu Liễu Thăng, Thị Mầu lên chùa…

Ngày hội Văn hóa Thể thao truyền thống 14/10 thực sự đã trở thành ngày hội của quần chúng nhân dân toàn tỉnh. Việc duy trì, phát huy nét đẹp của ngày hội chính là tiếp nối việc giới thiệu, tôn vinh và phát huy những giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của quê hương; tôn vinh thêm các danh hiệu của Nhà nước, của tỉnh, khơi gợi thêm niềm tự hào cho mỗi làng quê. Ngày hội còn có ý nghĩa thúc đẩy, khích lệ phong trào thi đua xây dựng thôn làng, cơ quan, đơn vị văn hóa, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

(theo baothaibinh.com.vn)