Dù ở bất cứ đâu cũng phải giữ bản sắc dân tộc

00:00 12/10/2020

Đến năm 2014, Hàn Quốc là nước đứng đầu về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Với những điểm tương đồng về văn hóa, cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn Quốc đã góp phần làm cho quan hệ giữa Việt Nam-Hàn Quốc ngày càng gần gũi, khăng khít và hiệu quả. Nhân dịp đón xuân mới, LĐTĐ đã phỏng vấn nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn .

-PV:  Ông, là vị đại sứ am hiểu truyền thống, lịch sử văn hóa cũng như phong tục, tập quán đất nước và con người Hàn Quốc, theo ông còn có những điểm tương đồng nào cần quan tâm nhằm giúp cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc dễ dàng hòa nhập? - Đại sứ Trần Trọng Toàn: Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng về văn hóa do xuất phát từ những điều kiện tự nhiên và kinh tế giống nhau. Từ cổ xưa cùng có nền nông nghiệp lúa nước, lại phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên khắc nghiệt. Giữa hai dân tộc cùng có  truyền thống chống ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử, để bảo vệ quốc gia độc lập, bảo tồn được văn hóa và ngôn ngữ của mình. Người Hàn quốc cũng có truyền thống cần cù, bất khuất; gắn bó trong gia đình, đoàn kết trong cộng đồng và xã hội. Đây là những điểm tương đồng cũng là những phẩm chất tốt đẹp của nhân dân hai nước mà cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc cũng như cộng đồng người Hàn tại Việt Nam cần nhận thức rõ để hòa nhập một cách thuận lợi vào đời sống xã hội ở mỗi nước. -PV: Về lực lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc, theo ông, ưu điểm nổi bật cũng như hạn chế của họ là gì? Đại sứ Trần Trọng Toàn: Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc hiện đã lên tới khoảng 7 vạn người, làm việc trong những ngành nghề và địa phương khác nhau. Nhìn chung, các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao những phẩm chất của lao động Việt Nam như cần cù, chăm chỉ, thông minh, sáng tạo. Lao động Việt Nam đã có những đóng góp tốt cho sự phát triển của Hàn Quốc trong điều kiện kinh tế Hàn Quốc đang phục hồi nhưng thiếu nhiều lao động. Về mặt hạn chế, theo đánh giá chung, nhiều lao động Việt Nam còn thiếu tác phong công nghiệp, đôi khi có những đòi hỏi không hợp lý như thích chuyển đến làm việc ở những nơi có đông lao động Việt Nam. Đặc biệt là có nhiều lao động khi hết hạn hợp đồng đã tự ý ở lại Hàn Quốc để làm việc kiếm tiền, gây khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng đến việc tiếp nhận lao động mới từ Việt Nam sang. -PV: Bên cạnh yêu cầu kỹ năng chuyên môn, tay nghề, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng cần trang bị cho người lao động thêm về hiểu biết văn hóa ứng xử, giao tiếp… khi sống và làm việc trên đất nước Hàn Quốc như thế nào? - Đại sứ Trần Trọng Toàn: Kỹ năng chuyên môn và tay nghề là những yêu cầu quan trọng cần trang bị trước hết cho người lao động để họ thực hiện tốt công việc của mình. Tuy nhiên, những hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán, kỹ năng ứng xử cũng cần được trang bị cho lao động ta khi sang làm việc tại Hàn Quốc (hay bất cứ nước nào khác). Điều này thực sự cần thiết đối với lao động khi làm việc tại nước ngoài, trong môi trường đa văn hóa, vì họ không chỉ tiếp xúc với chủ doanh nghiệp của nước tiếp nhận mà còn tương tác với cả lao động của các nước khác. -PV:  Hiện có nhiều phụ nữ Việt Nam đã trở thành con dâu Hàn Quốc, các cô dâu Việt có dễ dàng hòa nhập môi trường đa văn hóa không, thưa ông? Đại sứ Trần Trọng Toàn: Đến nay đã có hơn 53.000 cô dâu Việt đang sinh sống tại Hàn Quốc. Do có những tương đồng về văn hóa (lối sống, tín ngưỡng, phong tục tập quán) và con người (hình thể, di truyền học…), nam giới Hàn Quốc có xu hướng muốn lấy vợ Việt Nam. Nhìn chung, các cô dâu Việt hòa nhập khá dễ dàng vào môi trường gia đình và xã hội ở Hàn Quốc. Theo thống kê của các “Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa” tại Hàn Quốc, khoảng 70-73% gia đình kết hôn Hàn-Việt có cuộc sống ổn định, yên ấm, hạnh phúc ở những mức độ khác nhau (so với 65-68% số gia đình kết hôn của nam giới Hàn Quốc với phụ nữ nước khác). Tuy nhiên, vẫn còn 27-30% gia đình Hàn-Việt gặp phải những khó khăn như bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về tính cách và lối sống, khó khăn kinh tế… Những phụ nữ Việt có ý định lấy chồng Hàn cần tìm hiểu kỹ (trực tiếp và với sự giúp đỡ của các trung tâm tư vấn kết hôn có yếu tố nước ngoài) về tính cách, lối sống, hoàn cảnh người chồng tương lai (kể cả sức khỏe, gia đình, điều kiện kinh tế), phong tục tập quán và học tiếng Hàn đủ để giao tiếp. -PV: Tết cổ truyền của xứ sở kim chi với Tết  cổ truyền Việt Nam có gì tương đồng, có gì khác biệt? - Đại sứ Trần Trọng Toàn: Hai nước đều đón tết cổ truyền vào cùng thời điểm và giống nhau ở chỗ đây là dịp sum họp gia đình, thể hiện lòng tôn kính và hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; mọi người đi thăm và chúc nhau mọi sự tốt lành. Tết cổ truyền ở Hàn Quốc thông thường chỉ nghỉ 3 ngày chứ không tới tận 8-9 ngày (kể cả nghỉ bù) như ở Việt Nam. Trong dịp Tết cổ truyền, người dân Hàn Quốc cũng tổ chức các hoạt động văn hóa và vui chơi, giải trí như biểu diễn nghệ thuật dân gian, hội chợ quê, du ngoạn, thi đấu thể thao (như đua thuyền, kéo co, đá cầu), viết thư pháp và câu đối Tết… tạo không khí vui tươi và gắn kết gia đình, cộng đồng và xã hội.  -PV: Được biết trong thời gian giữ cương vị đại sứ tại Hàn Quốc, mỗi dịp đón Tết cổ truyền, ông và phu nhân đã cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán (ĐSQ) gói hàng trăm chiếc bánh chưng để tổ chức gặp mặt thân mật, chúc tết bà con Việt kiều. Có Tết nào đã để lại cho ông nhiều cảm xúc nhất? - Đại sứ Trần Trọng Toàn: Đây là dịp để cộng đồng người Việt về đón Tết cùng ĐSQ trong không khí ấm áp tình đồng bào, đồng hương. ĐSQ tổ chức gói bánh chưng, giò chả, làm bánh, mứt và các món ăn dân tộc để chào đón bà con người Việt về vui Tết. Cùng đón Tết nguyên đán nên người Hàn cũng quan tâm đến tết cổ truyền của người Việt. Nhiều gia đình Hàn-Việt từ các nơi xa Thủ đô cũng về ĐSQ cùng đón Tết, tay bắt mặt mừng như người thân xa lâu ngày gặp lại. Cùng với bữa liên hoan tất niên có chương trình văn nghệ vui với bà con. Đại sứ và các cán bộ ĐSQ thường đi thăm một số gia đình Hàn-Việt. Tết để lại nhiều cảm xúc nhất là xuân Tân Mão năm 2011, sau khi tôi đã hỗ trợ thành lập được Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc (22/12/2010) để gắn kết bà con trong tinh thần tương thân tương ái và hướng về Tổ quốc. - PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.l       (Nguồn: Lao động Thủ đô)