Doanh nghiệp Việt trong 'cuộc chiến' duy trì tăng trưởng

00:00 12/10/2020

Gần 85% doanh nghiệp trong mẫu khảo sát cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh...

Đây là một loạt con số vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra khi đánh giá về tác động của dịch Covid-19 tới "sức khỏe" cộng đồng doanh nghiệp

Doanh nghiệp đối mặt chất chồng khó khăn

Theo Ts. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nếu chống dịch như chống giặc thì trong cuộc chiến chống suy thoái và duy trì tăng trưởng cũng cần phải khẩn trương quyết liệt và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân.

duy-tri-san-xuat-trong-kho-kha-6644-7795

Doanh nghiệp Việt trong cuộc chiến duy trì tăng trưởng (Ảnh minh họa: Internet) 

Ông Lộc khẳng định, dịch bệnh đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm của doanh nghiệp. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - con số kỷ lục từ trước đến nay. Và lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Theo một kết quả khảo sát nhanh của VCCI được triển khai cuối tháng 3, đầu tháng 4, tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng. Có tới gần 85% doanh nghiệp trong mẫu khảo sát cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% doanh nghiệp cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh, trên 40% doanh nghiệp cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019. Có tới 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50% doanh thu.

Cũng theo kết quả khảo sát của VCCI, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có tới gần 30% số doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Trên 75% số doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số doanh nghiệp gia tăng lao động. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.

Các doanh nghiệp đã làm gì trong bối cảnh này? Cũng theo kết quả khảo sát, 73% số doanh nghiệp đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng. Trên 60% doanh nghiệp đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động, 46% doanh nghiệp không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm, 42% doanh nghiệp tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tại lại nhân lực, 41% doanh nghiệp tổ chức làm việc tại nhà. Chỉ khoảng 20% doanh nghiệp cho biết đã buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động và 21% doanh nghiệp cho biết đã phải cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động.

"Đó là những ứng xử linh hoạt đầy trách nhiệm", ông Lộc đánh giá.

Cần hàng loạt giải pháp hỗ trợ 

Theo Chủ tịch VCCI, chưa ai dự báo được khi nào thì dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng một điều chắc chắn là hệ lụy, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài và không thể khắc phục được ngay khi dịch bệnh kết thúc và khó khăn với doanh nghiệp còn chất chồng trước mắt.

Trước tình hình này, VCCI kiến nghị Chính phủ một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, VCCI đề nghị trừ một số ngành/lĩnh vực rất hạn chế phải tạm thời đóng cửa, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lưu thông tiến hành bình thường với điều kiện tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh để doanh nghiệp có thể "tự cứu mình".

VCCI đề nghị giãn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài do điều kiện dịch bệnh không thể vào Việt Nam để hoàn thành các thủ tục đúng thời gian theo yêu cầu quy định.

Đồng thời, cho thực hiện ngay việc tạm hoãn nộp các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của người lao động, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… trong khi chờ chính sách cụ thể. Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ngay đầu kỳ họp giữa năm các biện pháp giảm thuế, phí và thu ngân sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Ngoài các giải pháp hiện hành như tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, giảm phí; doanh nghiệp đề nghị có mức giảm sâu thêm từ 2-3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu (đến mức còn khoảng 4-5% đối với khoản vay tiền đồng và 2-3% đối với khoản vay USD) cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau.

Về chính sách lao động, tiền lương, công đoàn, VCCI đề nghị không điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2021...

Lê Thúy