Doanh nghiệp nhỏ mò mẫm xuất khẩu trực tuyến

00:00 12/10/2020

Việc tham gia các sàn thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam dễ tiếp cận thị trường quốc tế hơn. Thế nhưng, dường như doanh nghiệp còn “mò mẫm” do còn nhiều mặt hạn chế khi muốn xuất khẩu trực tuyến.

Hoạt động hơn một năm nay theo mô hình ngoại tuyến (offline) với chuỗi hệ thống bán các loại bánh mì khá thành công ở Tp.HCM, ông Âu Tuấn Long, Giám đốc CTCP Vua Bánh Mì, cho biết ngoài việc kinh doanh theo phương thức truyền thống, công ty đang nhắm đến xu hướng bán hàng qua kênh trực tuyến (online).

Đòi hỏi nhanh hơn

Theo ông Long, việc này nhằm quảng bá thương hiệu tốt hơn không chỉ trong thị trường nội địa mà còn ở thị trường nước ngoài để có thể hướng tới xuất khẩu (XK) sản phẩm bánh mì qua kênh online hoặc nhượng quyền thương hiệu ra khu vực.

Tuy nhiên, vị giám đốc này thừa nhận do quy mô, tiềm lực khiêm tốn của công ty thuộc dạng vừa và nhỏ nên khó thoát khỏi những mặt hạn chế khi muốn XK trực tuyến. Đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) nhỏ rất cần những hỗ trợ thông tin chi tiết về những tiêu chuẩn, các loại giấy chứng nhận hoặc điều kiện đặt ra để có thể tham gia XK trực tuyến.

Chia sẻ tại Hội thảo “Số hoá môi trường kinh doanh - mở lối vào thị trường toàn cầu” tổ chức ở Tp.HCM ngày 25/9, bà Nguyễn Thị Phương Trang, Giám đốc phát triển kinh doanh công ty Innovative Hub, nhấn mạnh trước nhu cầu lớn từ những người mua trực tuyến trên thế giới với hàng Việt, các DN vừa và nhỏ “đòi hỏi phải nhanh hơn nữa” để mang sản phẩm của mình lên kênh thương mại điện tử (TMĐT).

“Điều đó nhằm cho người mua trên thế giới biết đến sản phẩm của chúng ta với chất lượng tốt và giá cạnh tranh. Cần phải để cho người mua trực tuyến từ 200 quốc gia tìm thấy được sự hiện diện của DN Việt trên kênh online”, bà Trang nói.

Một trong những khó khăn khiến các DN nhỏ trong nước không tham gia các sàn TMĐT cho hoạt động XK là bởi không có nhân sự về lĩnh vực này.

Đưa ra lời khuyên đến các DN nhỏ, bà Trang cho rằng DN cần đầu tư và thường xuyên huấn luyện nguồn nhân lực cho hoạt động XK trực tuyến để họ có thể thông thạo từ việc thiết kế gian hàng trực tuyến, cách thức đưa sản phẩm lên các “chợ online” toàn cầu, cũng như các phương thức mua bán, logistics, thanh toán…

Trong việc tìm kiếm cơ hội XK trực tuyến của DN nhỏ, hiện nay có rất nhiều kênh TMĐT để DN có thể có sự hiện diện online. Tuy nhiên, DN cũng cần biết là không thể nào chỉ làm với online hoặc không thể nào chỉ làm với offline.

Xu hướng XK trực tuyến đòi hỏi DN nhỏ phải nhanh hơn nữa

Chẳng hạn với sản phẩm tỏi đen, ban đầu một DN sản xuất kinh doanh mặt hàng này vẫn cứ đinh ninh là sản phẩm của mình chỉ có XK vào thị trường châu Á và chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phát triển vào một thị trường rất mới là châu Phi.

Thay đổi tư duy

Cho đến khi DN đưa sản phẩm lên “chợ online” Alibaba.com và sau đó nhận được những dữ liệu thì thấy rằng có một lượng người mua với nhu cầu rất lớn về tỏi đen từ châu Phi. Từ đó, DN đã quyết định nghiên cứu thêm thị trường và thậm chí đặt văn phòng “offline” ở châu Phi để phục vụ cho XK.

Chuyện này cho thấy các DN nhỏ và vừa của Việt Nam cần hướng đến giải pháp XK từ online đến offline khi mà phương thức này mang lại hiệu quả và dễ dàng hơn, nhanh hơn trong việc tiếp cận người mua thế giới.

Chia sẻ câu chuyện XK thành công từ nền tảng TMĐT xuyên biên giới, ông Steven Zheng, Giám đốc điều hành công ty SOR business consulting Ltd, mong rằng các DN nhỏ cần để mắt nhiều, khai thác nhiều hơn đến thị trường mới với phương thức trực tuyến thay vì chăm chăm vào thị trường truyền thống với cách thức kinh doanh cũ.

“Nhất là các chủ DN nhỏ cần có những sản phẩm đặc sắc và thay đổi về tư duy để đưa DN của mình phát triển và XK theo xu hướng số hoá vốn đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện hơn”, ông Zheng nói.

Người tiêu dùng ở nước ngoài đang đòi hỏi nhiều hơn về nhu cầu trải nghiệm mua sắm. Nếu quan tâm đến hàng Việt, họ không chỉ muốn tìm kiếm sản phẩm offline tại cửa hàng, showroom hay các hội chợ triển lãm, mà còn có nhu cầu tìm kiếm hàng Việt qua kênh online lẫn offline.

Một số dữ liệu từ hệ thống internet thể hiện khi tìm kiếm một từ khoá cơ bản là “Vietnam” thì mỗi tháng đã có tới hơn 1.500 lượt tìm kiếm. Điều đó phần nào cho thấy người mua trên thế giới đang rất quan tâm đến sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam.

Điều đáng chú ý, một đánh giá chỉ rõ mới có 11% DN tại Việt Nam tham gia sàn TMĐT, một con số còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định nhiều mặt hàng Việt có chất lượng rất tốt, giá cả cực kỳ cạnh tranh nhưng người tiêu dùng trên thế giới lại không biết vì chưa nhiều DN Việt Nam hiện diện online.

Ở góc nhìn của nhà quản lý ở một sàn TMĐT quốc tế, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc quốc gia công ty Amazon Global Selling Việt Nam, khẳng định với TMĐT thì tất cả các DN Việt đều có thể tham gia ngay lập tức, bởi đây là một kênh bán hàng rất dễ dàng, đầu tư không nhiều.

Tuy nhiên, ông Thủy lưu ý một trong những hạn chế của DN Việt là sự cam kết khi tham gia XK trực tuyến.

Các DN vừa và nhỏ của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn về khả năng tiếp cận thị trường quốc tế, nếu mở được gian hàng trên Amazon thì họ hoàn toàn có khả năng bán hàng đi toàn cầu với thương hiệu của mình.

Thế Vinh