Doanh nghiệp minh bạch hoạt động tài chính để tăng khả năng tiếp cận vốn

00:00 12/10/2020

Nâng cao năng lực quản trị (NLQT) và minh bạch hoạt động tài chính (MBHĐTC) là hướng đi giúp doanh nghiệp (DN) tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng thành công. Đồng thời, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả tổ chức tín dụng (TCTD) và DN, giảm rủi ro cho TCTD và nền kinh tế…

Ngân hàng cần đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, phương thức cho vay phù hợp với nhu cầu vay vốn của DN.

DN vẫn khó tiếp cận tín dụng

Khảo sát về thực trạng khả năng tiếp cận tín dụng của DN khu vực đồng bằng sông Hồng, do Trung tâm thông tin kinh tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH dịch vụ Mê Kông, cùng nhóm nghiên cứu, đứng đầu là PGS.TS Nguyễn Thị Mùi thực hiện, được tiến hành trên tổng số 504 DN. Trong đó, bao gồm nhiều lĩnh vực như thương mại, chế biến, chế tạo, xây dựng công trình, dân dụng, vận tải, kho bãi, nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, bất động sản…

Thông qua kết quả khảo sát 504 DN cho thấy, nhu cầu vốn của các DN rất lớn, tuy nhiên, không ít DN không tiếp cận được tín dụng tại các TCTD. Nguyên nhân từ nhiều phía: Đối với DN, NLQT và MBHĐTC là điểm yếu phổ biến khi tiếp cận tín dụng; đối với TCTD, bên cạnh sự phức tạp về hồ sơ, thủ tục, lãi suất cho vay, thì phải kể “khẩu vị” rủi ro trong cho vay. Chính những vấn đề này mà DN (đặc biệt DNNVV) và TCTD chưa có tiếng nói chung. Từ thực tế trên, kết quả khảo sát đã chỉ ra rằng, để khả năng tiếp cận tín dụng thành công của DN, cần sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía DN, TCTD và Nhà nước, các bộ, ngành.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Đối với DN, cần chủ động nâng cao NLQT và MBHĐTC. Để nâng cao NLQT, trước hết DN cần nhận thức đúng về tầm quan trọng của năng lực quản trị. “Qua kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn DN chưa quan tâm đến QTDN, hoặc có số DN vốn ít, hoạt động ở phạm vi nội địa, chưa có điều kiện mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động, nên cũng chưa quan tâm đến các nội dung quản trị DN; thậm chí một số DN còn cho rằng quản trị DN làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận của DN. Vì thế, DN cần coi trọng công tác truyền thông nội bộ ở tất cả các cấp trong DN, để cán bộ và người lao động hiểu thấu đáo hơn về tầm quan trọng của quản trị đối với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cũng như việc tiếp cận tín dụng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của DN” – báo cáo nêu.

Bên cạnh đó, DN cần xây dựng và áp dụng mô hình quản trị phù hợp với đặc điểm, tính chất và quy mô hoạt động của mình. Nếu quy mô hoạt động quản trị lớn hơn so với quy mô của DN, có thể gây ra gánh nặng chi phí, khiến quy trình ra quyết định chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của DN. DN cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế trong quản trị rủi ro, quản trị tài chính và quản trị chiến lược… Điều này, không chỉ tạo điều kiện cho DN tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn, mà còn sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN.

Song song với việc nâng cao NLQT, DN cũng cần coi trọng việc MBHĐTC. Bởi, DN muốn tiếp cận vốn tín dụng hoặc vay vốn bằng phát hành trái phiếu DN hay gọi vốn góp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thì điều kiện bắt buộc phải MBHĐTC.

Cụ thể, DN phải thường xuyên xem xét các tiêu chí đánh giá tình hình tài chính của DN như mức độ độc lập tài chính của DN, khả năng thanh toán của DN, khả năng sinh lời của DN, hiệu quả hoạt động của DN, hiệu quả phương án vay vốn và phân phối lợi nhuận của DN… “Để tiếp cận được vốn vay, các chỉ tiêu tài chính nêu trên phải đạt tối thiểu ở mức an toàn theo quy định. Khi hoạt động tài chính được minh bạch, không chỉ giúp các TCTD giảm thời gian thẩm định khách hàng, việc ra quyết định cho vay nhanh hơn, mà còn giúp DN nhận diện sớm các rủi ro tiềm ẩn để có biện pháp xử lý hiệu quả” – nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo khuyến nghị.

Bên cạnh đó, DN cần chủ động công bố thông tin. Công bố thông tin là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng quản trị DN và MBHĐTC. Mặt khác, giảm rủi ro do bất cân xứng thông tin, sẽ giúp DN tiếp cận tín dụng dễ dàng, nhanh chóng hơn. Theo đó, việc công bố thông tin phải đảm bảo chất lượng thông tin công bố và tính kịp thời, đầy đủ của thông tin.

Đối với các TCTD, để tháo gỡ khó khăn cho DN về tài sản đảm bảo khi tiếp cận tín dụng, các ngân hàng cần thay đổi “khẩu vị” rủi ro và chính sách quản trị rủi ro. Chỉ khi TCTD thay đổi “khẩu vị” rủi ro trong quan hệ tín dụng với DN, mới tháo gỡ được khó khăn cho DN về tài sản đảm bảo khi tiếp cận tín dụng. Mặt khác các NH cần giảm lãi suất cho vay đối với DN. “Với chi phí đầu vào (lãi suất huy động vốn) như hiện nay, nhóm nghiên cứu đề nghị NIM (chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động) chỉ khoảng 2% đến 2,5% đối với từng khoản vay là hợp lý với thực trạng của DN Việt Nam. Với chênh lệch NIM như hiện nay là chưa phù hợp với cả ở giác độ vĩ mô: ngân hàng và DN cùng tồn tại để phát triển và giác độ vi mô là DN phải tồn tại và phát triển được, thì ngân hàng mới có điều kiện phát triển bền vững” – báo cáo nêu.

Ngoài ra, ngân hàng cần đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, cũng như đa dạng hóa các phương thức cho vay phù hợp với nhu cầu vay vốn của DN.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các địa phương nhanh chóng triển khai Nghị định 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa. Theo đó, cần thay đổi cách tiếp cận của quỹ bảo lãnh tín dụng là hỗ trợ, tạo điều kiện để DN vay được vốn. Vì vậy, điều kiện để quỹ đứng ra bảo lãnh cho DN cần đơn giản, không quá khắt khe như ngân hàng (bởi điều kiện giống ngân hàng, thì DN không nên mất thời gian qua quỹ bảo lãnh).

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động của các TCTD, tăng cường công tác thanh tra giám sát, để vốn từ TCTD vào nền kinh tế thực, các loại hình DN khi cần vốn, dễ dàng tiếp cận được vốn cho sản xuất, kinh doanh…

Diệu Thiện