Điếm canh đê - những nỗi lo thường trực

00:00 12/10/2020

 Điếm canh đê là trụ sở trực canh gác đê mùa mưa bão, đồng thời là nơi tập kết vật liệu hộ đê của các địa phương. Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, tại không ít điếm canh đê hiện còn nhiều vấn đề bất cập cần được chấn chỉnh.

Điếm canh đê để…bán nước, sửa xe Theo quy định, công tác trực ban mùa mưa bão được thực hiện 24/24 giờ  vào tất cả các ngày trong tuần. Tuy nhiên, khảo sát dọc tuyến đê tả Đuống, tả Đáy, Vân Cốc đoạn qua địa phận các huyện Gia Lâm, Hoài Đức, Phúc Thọ, phóng viên thấy nhiều điếm canh vắng bóng người làm nhiệm vụ. Tại điếm canh xã Yên Viên, cánh cửa sắt đóng im ỉm. Hỏi một người dân ngồi nghỉ chân tránh nắng dưới tán cây trước cửa điếm, chúng tôi có được số điện thoại của Điếm phó xã Yên Viên Đoàn Văn Bộ. Khi được gọi hỏi, ông Bộ cho hay, vừa... chạy ra ngoài có chút việc (?!) Đi thêm một đoạn chừng 1km, điếm canh xã Đình Xuyên cũng cửa đóng then cài. Không chỉ ở tuyến đê tả Đuống qua địa bàn huyện Gia Lâm, dọc tuyến đê tả Đáy qua một loạt các xã Song Phương, Đắc Sở, Yên Sở, Tiền Yên, Cát Quế (huyện Hoài Đức), các xã Liên Hồng, Phương Đình (huyện Đan Phượng), hay Thượng Cốc (huyện Phúc Thọ) cũng có hiện tượng này...
Điếm canh số 17 xã Liên Hà (Đan Phượng) không có hệ thống chống sét, tường bị bong tróc nhiều mảng. Ảnh: Trọng Tùng
Điếm canh số 17 xã Liên Hà (Đan Phượng) không có hệ thống chống sét, tường bị bong tróc nhiều mảng. Ảnh: Trọng Tùng
Ngoài tình trạng trên, một số điếm canh hiện đang bị sử dụng sai mục đích. Tại điếm canh số 15 xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng), khi chúng tôi đến, có một phụ nữ đang… bán nước chè. Khi được hỏi, người này giấu tên và cho biết, chỉ vào bán nhờ một lúc (!) Tại điếm canh xã Thượng Cốc (huyện Phúc Thọ), một người đàn ông trung niên đang lúi húi sửa xe. Trong điếm canh chất la liệt vật dụng phục vụ cho việc sửa chữa xe cộ. Tại điếm canh xã Yên Viên (huyện Gia Lâm), bên trong có chứa cả tủ hàng bán đồ khô (bánh kẹo, thuốc lá…), máy ép nước mía. Dù thời điểm khảo sát, điếm canh này đóng cửa và không có hiện tượng buôn bán. Tuy nhiên, việc tập kết những vật dụng không phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai tại điếm canh cũng là việc làm trái phép. Xuống cấp, vật tư sơ sài Bên cạnh việc thực hiện chế độ trực ban khá tùy tiện, hạ tầng và trang thiết bị tại nhiều điếm canh dọc các tuyến đê hiện cũng rất đáng lo ngại. Ông Nguyễn Văn Tiến – Trưởng Điếm canh số 17 xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) cho biết, công trình được xây dựng từ những năm 1990. Hiện, nền nhà bị sụt lún, tường bong tróc. Đặc biệt, hệ thống chống sét đã hư hỏng nhiều năm nay, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người trực ban. Trên tuyến đê qua địa bàn huyện Đan Phượng có khoảng 20 điếm canh, nhưng 14 điếm hiện đang xuống cấp ở các mức độ khác nhau. Khảo sát thực tế cho thấy, tình trạng điếm canh xuống cấp nhiều nhất thuộc tuyến đê tả Đáy qua địa phận các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Chương Mỹ… Xuống cấp nhất  phải kể tới điếm canh đê ở xã Đắc Sở và Yên Sở (huyện Hoài Đức). Tại điếm canh đê Đắc Sở, cửa sổ bị mất, cửa chính được làm bằng gỗ cũng đã mục nát. Chắn song cửa han rỉ; tường nhà bong tróc. Tại xã Yên Sở, mái điếm canh bị nứt vỡ, nguy cơ rơi đổ bất cứ lúc nào… Điều hết sức đáng lo ngại là việc chuẩn bị phương tiện, vật tư tại nhiều điếm canh đê còn hết sức sơ sài. Đơn cử như tại điếm canh xã Đình Xuyên (huyện Gia Lâm). Theo quan sát, điếm chỉ được trang bị tre, phên nứa. Trong điếm không có những vật dụng cần thiết cho công tác phòng chống lụt bão khác như phao cứu sinh, rơm rạ, bao tải, cuốc xẻng, đèn chiếu sáng… Tại một số điếm canh thuộc xã Liên Trung, Liên Hồng (huyện Đan Phượng), phương tiện, vật tư được chuẩn bị tại chỗ cũng rất hạn chế. Nhưng thiếu trang thiết bị nhiều nhất phải kể tới các điếm canh dọc tuyến đê tả Đáy huyện Hoài Đức và Thượng Cốc – Vân Cốc (địa bàn huyện Phúc Thọ). Khảo sát thực tế cho thấy, vật tư, phương tiện được tập kết trong điếm canh thường chỉ có tre, nứa. Các vật dụng cần thiết khác gần như không có. Thậm chí có những điếm chưa trang bị bất cứ vật tư, phương tiện nào, như điếm số 4 xã Phương Đình (huyện Đan Phượng). Tránh tâm lý chủ quan Liên quan tới công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện tại các điếm canh đê, hầu hết cán bộ phụ trách đều biện giải rằng “vẫn đang tiếp tục bổ sung”, dù mùa mưa bão đã bắt đầu cách nay chừng một tháng. Theo ông Nguyễn Văn Khương – Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức) cho biết, do diện tích điếm canh hạn hẹp nên không thể tập kết được hết vật tư, phương tiện. “UBND xã đã ký hợp đồng cung cấp và tập kết vật tư, phương tiện tại nhà dân. Khi có báo động lũ, sẽ huy động lực lượng tham gia công tác hộ đê, phòng, chống thiên tai...” – ông Khương cho hay.
Điếm canh đê xã Phương Đình (Đan Phượng)… trống trơn.
Điếm canh đê xã Phương Đình (Đan Phượng)… trống trơn.
Liên quan tới việc trực ban tại điếm canh đê, theo quy định trong mùa mưa bão, mỗi điếm canh phải được bố trí 2 người thay phiên nhau trực. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này hầu hết còn mang tính đối phó và hết sức chủ quan. Khi chúng tôi đến, ông Trịnh Văn Thể - Trưởng Điếm canh số 15 xã Liên Hồng (huyện Đan Phượng) cho biết: "Đang đi có việc, sắp về rồi (?!)". Thế nhưng, chúng tôi đợi tới hơn nửa tiếng vẫn chưa thấy bóng dáng ông Thể đâu. Đáng lo ngại là tình trạng bỏ điếm canh “đi loanh quanh” không phải là hiếm gặp. Liên quan tới trách nhiệm quản lý, ông Hoàng Anh Tâm – Phó Chủ tịch UBND xã Liên Trung (huyện Đan Phượng) cho biết, ngay trước mùa mưa bão, xã đã lựa chọn và phân công nhiệm vụ cho Trưởng và Phó điếm, yêu cầu thực hiện chế độ trực ban nghiêm túc theo đúng quy định. Có thể thông cảm việc đôi khi cá nhân có “việc này việc nọ”, không có mặt tại các điếm canh trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên sẽ rất dễ làm nảy sinh tình trạng mất trộm vật tư, trang thiết bị tại các điếm canh. Đồng thời gây tâm lý chủ quan cho những ngành có trách nhiệm và cả chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Xuân Hải – Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, thực tế điếm canh xuống cấp là có thật. Trong đó, đáng lo ngại nhất là những điếm canh thuộc các địa phương ven sông Đáy, sông Hồng, sông Đuống,… Theo chức năng nhiệm vụ, hàng năm, Chi cục tiếp nhận báo cáo đề xuất từ các địa phương. Trên cơ sở khảo sát đánh giá hiện trạng thực tế, đơn vị sẽ lập danh sách những điếm canh xuống cấp nghiêm trọng, trình Sở NN&PTNT đề xuất UBND TP bố trí kinh phí đầu tư tu sửa. Tuy nhiên, do nguồn vốn được cấp hàng năm cho công tác này có hạn nên hiện còn nhiều điếm canh chưa được nâng cấp. Khảo sát ngẫu nhiên tại các huyện Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ đã chỉ ra không ít vấn đề bất cập hiện nay trong công tác chuẩn bị ứng phó với mưa lũ, thiên tai. Việc những năm qua, Hà Nội ít xảy ra những sự cố lớn về đê điều nên có thể khiến nảy sinh tâm lý chủ quan, nhất là đối với công tác sẵn sàng ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Để đảm bảo an toàn cho mùa mưa bão năm 2016, các sở, ngành và địa phương có đê cần thường xuyên kiểm tra, rà soát, bổ sung vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc nhắc nhở, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống lụt bão tại địa phương. Cùng với đó, TP cần tiếp tục quan tâm, đầu tư nâng cấp kịp thời cơ sở hạ tầng phòng chống lụt bão, nhằm đảm bảo năng lực ứng phó của các địa phương trước mỗi diễn biến của thiên tai.
Trọng Tùng/kinhtedothi.vn