Di chúc không… “hết hạn”!

00:00 12/10/2020

 Mẹ tôi là Đỗ Thị Quỳ, sinh năm 1912 và mất năm 1999 tại số nhà 80, tổ 25, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Ngày 5/9/1997, mẹ tôi lập di chúc để lại tài sản cho con cháu là ruộng đất màu và thổ cư cũ. Trong di chúc có ghi rõ quyền và nghĩa vụ của các con cháu phải có trách nhiệm nuôi dưỡng mẹ. Nhưng thực tế, lúc mẹ tôi ốm đau, tôi đã đi thông báo nhưng không ai chăm sóc mẹ.

di-chuc4
Ảnh minh hoạ

Vì vậy, 3 tháng sau, ngày 15/12/1997, mẹ tôi nhờ người lập thành văn bản di chúc bổ sung vào bản di chúc ngày 5/9/1997; văn bản này do chính mẹ tôi điểm chỉ và được 3 người làm chứng ký tên. Tại văn bản di chúc bổ sung này, mẹ tôi quyết định cho tôi được hưởng toàn bộ tài sản (ruộng vườn, đất đai) do bà để lại nhưng khi ấy nhiều diện tích vẫn đang bị một số người lấn chiếm, sử dụng trái phép, mà trong suốt mấy chục năm qua tôi phải tốn rất nhiều công sức để đòi lại, nay đượcUBND Tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo “trả một phần đất cho con gái cụ Quỳ”.

Nhưng bây giờ có ý kiến nói rằng: Di chúc của mẹ tôi hết hạn, coi như không có; phải hủy toàn bộ di chúc để chia thừa kế theo pháp luật; rằng UBND tỉnh “trả một phần đất trên tổng số 3 sào đất của mẹ tôi thì di chúc mới đưc mở”.

Có đúng như vậy không?

Nguyễn Thị Kim Oanh

Ý KIẾN TƯ VẤN:

  1. Cụ Đỗ Thị Quỳ lập di chúc năm 1997 nên khi xem xét tính hợp pháp, phải căn cứ các quy định của Bộ Luật Dân sự (BLDS) năm 1995. Đối chiếu với quy định tại Điều 659 Bộ Luật này, bản di chúc bổ sung ngày 15/12/1997, cụ Quỳ không thể tự mình viết nên nhờ người khác viết, cụ điểm chỉ và được 3 người làm chứng ký tên hoàn toàn có giá trị pháp lý.
  2. Pháp luật dân sự không quy định “thời hiệu” thực hiện đối với di chúc hợp pháp nên không có cơ sở để nói di chúc “hết hạn”.
  3. Di chúc lập 1997 thuộc trường hợp “giao dịch được xác lập trước ngày Bộ Luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực”, đồng thời cũng là “giao dịch đang được thực hiện”. Căn cứ mục a nội dung thứ 2 Nghị quyết số 45/2005/QH11 của Quốc hội, trường hợp này được áp dụng các quy định của BLDS 2005. Theo đó, những trường hợp thừa kế theo pháp luật (nêu tại Điều 675 BLDS năm 2005) không có quy định nào buộc “hủy toàn bộ di chúc” và “chia thừa kế theo pháp luật” đối với “giao dịch dân sự được xác lập trước ngày BLDS 2005 có hiệu lực” và “giao dịch đang được thực hiện”.

Vì vậy, ý kiến nói phải “hủy toàn bộ di chúc” của mẹ bà Oanh để “chia thừa kế theo pháp luật” là không có cơ sở.

  1. Về ý kiến nói trước đây một số người “sử dụng nhầm” tài sản, ruộng vườn của cụ Quỳ – nay chính quyền “trả lại một phần đất thì di chúc mới được mở”:

Đây là suy diễn chủ quan không có cơ sở và trái quy định tại Điều 633 BLDS 2005: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết”. Ở thời điểm này (1999), người có tài sản (cụ Quỳ) chết, nhưng ý nguyện của cụ chưa được thực hiện vì tài sản của cụ (ruộng vườn, đất đai) đang bị người khác… “sử dụng nhầm”.

Tại Điều 197 BLDS 2005, Nhà nước công nhận “quyền định đoạt” tài sản của người chủ sở hữu. Sự việc tài sản của cụ Quỳ bị người khác “sử dụng nhầm” không làm mất đi “quyền định đoạt” đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của cụ, nên đương nhiên không làm mất đi hiệu lực pháp lý của bản di chúc tháng 12/1997 đã được cụ điểm chỉ, được 3 người làm chứng ký tên.

Cần phân biệt “thời điểm mở thừa kế” với “thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế”. Thời điểm mở thừa kế (khi người có tài sản chết) là thời điểm làm “phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế” theo quy định tại Điều 636 BLDS: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”. Như vậy, kể từ thời điểm mở thừa kế, chỉ những người thừa kế mới có các quyền và nghĩa vụ thực hiện di chúc hợp pháp do cụ Quỳ để lại. UBND Tỉnh chỉ đạo “trả một phần đất cho con gái cụ Quỳ” (tài sản thuộc quyền sở hữu và định đoạt của cụ). Tài sản này thuộc về bà Oanh đã được xác định rõ trong phần sửa đổi, bổ sung di chúc thể hiện ý chí của cụ Đỗ Thị Quỳ, nên kể từ thời điểm mở thừa kế, bà Oanh được toàn quyền quyết định, mà không một tổ chức hay cá nhân nào có quyền “can thiệp”./.

Luật gia, nhà báo Nguyễn Chấn/kinhtedothi.vn