Đại biểu Quốc hội: “Phải coi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác”

00:00 12/10/2020

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, phải coi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác, thấy tội ác mà không lên tiếng đấu tranh, tố giác, nhắm mắt làm ngơ, chọn giải pháp an toàn cho mình thì có khác gì sự thỏa hiệp, bắt tay với cái ác.
Ngày 5/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016.
Nêu ý kiến thảo luận, Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng, thực tế không khó để tìm thông tin về các vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm mà mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng.
Hàng loạt các vụ phát hiện bắt giữ thực phẩm quá hạn, không nguồn gốc như thịt, nội tạng động vật hôi thối nhập về từ biên giới Trung Quốc. Gần đây nhất vào ngày 21/5 lực lượng chức năng Quảng Ninh đã phát hiện và bắt giữ 45 tấn tóp mỡ động vật bốc mùi có cả ròi bên trong đang trên đường đi tiêu thụ.
Theo điều tra của Hiệp hội ung thư thế giới, có khoảng 35% ca mắc ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn. Chúng ta đã nhiều lần kêu gọi sự tử tế từ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhưng những gì nhận được chỉ là sự phản hồi yếu ớt do cái bóng quá lớn của lợi nhuận đã bao trùm lên ý chí; chi phối dẫn đến hành động thiếu lương chi của họ.
“Chúng ta đã chờ đợi đủ lâu để cùng nhau giải bài toán quản lý nhà nước và an toàn thực phẩm, nhưng cho đến nay đáp số của bài toán đó vẫn chưa có được kết quả như chúng ta mong đợi, một khi tấm lòng và sự kiên trì đã đến giới hạn, lời giải cuối cùng và cần thiết lúc này chính là sự trừng trị nghiêm khắc nhất của pháp luật”, Đại biểu bày tỏ.
Theo đai biểu, phải coi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác, thấy tội ác mà không lên tiếng đấu tranh, tố giác, nhắm mắt làm ngơ, chọn giải pháp an toàn cho mình thì có khác gì sự thỏa hiệp, bắt tay với cái ác và cũng đáng bị lên án.
Đại biểu nói: “Tôi tha thiết kêu gọi tất cả những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì lương tri phải có trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng, vì sự tồn vong của quốc gia, chấm dứt ngay cách làm ăn gian dối, bất chính. Nhân dân hãy tỏ rõ thái độ khi chứng kiến thực phẩm mất an toàn và mạnh dạn lên tiếng tố giác, đấu tranh tới cùng với những hành động sai trái trong an toàn thực phẩm.
Hãy trả lại cho xã hội môi trường an lành vốn có của nó, tôi tin chắc rằng không một ai có thể thoát được tai mắt của nhân dân, một khi nhân dân đã lên tiếng, chúng ta không đủ giàu để để lại cho con cháu về tiền bạc và vật chất nhưng chúng ta đủ niềm tin, ý chí và phải hành động sáng suốt để kịp thời trao cho các cháu một đời sống tinh thần và thể chất khỏe mạnh, đủ sức làm chủ tương lai, đừng để những hạn chế, yếu kém của chúng ta hôm nay trở thành gánh nặng và trách nhiệm phải giải quyết cho thế hệ đời sau”.
Bày tỏ ý kiến về vấn đề xoay quanh tình trạng thực phẩm bẩn được bày bán công khai ở khu vực cổng trường, Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) cho biết, theo như báo cáo mà đoàn giám sát của Quốc hội đã nêu, trong 9 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng đã thu giữ và xử lý hàng trăm tấn phụ gia thực phẩm từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc nhập lậu vào Việt Nam mà nếu không bị phát hiện thì những sản phẩm này sẽ có nguy cơ cao bủa vây các trường học.
Với trẻ em, tâm lý thích đồ ngon mới lạ và đẹp mắt cùng với thói quen ăn quà vặt đã trở nên phổ biến sau mỗi giờ tan trường. Những xe đẩy và các hàng quán hai bên vỉa hè mà hầu hết đều bán những thực phẩm không rõ nguồn gốc lại đầy ắp những bóng dáng đồng phục của học sinh.
Tuy nhiên, hầu hết người bán là những người cung cấp đều không thể trả lời câu hỏi của cơ quan chức năng về nguồn gốc của những đồ ăn vặt này.
Đại biểu đề nghị, cần nhân rộng mô hình căng tin hợp vệ sinh ở trong khuôn viên mỗi nhà trường giúp các em hấp thụ được những thực phẩm đảm bảo sức khỏe nhất ngay trong chính môi trường để không có điều kiện cho những thực phẩm bẩn ở xung quanh môi trường tràn vào bủa vây các em.
Thứ hai, không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền trong bản thân mỗi nhà trường đề nghị các cơ quan như tổ chức, các đoàn thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, tổ dân phố v.v... cũng cần làm tốt công tác phổ biến pháp luật toàn dân. Nhất là công tác vận động, khuyến khích các cá nhân và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đặc biệt ở gần các trường học để họ nhận thức và bày bán các thực phẩm an toàn rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, công tác quản lý của địa phương cần được chặt chẽ và thường xuyên hơn, bên cạch các cơ quan chuyên ngành như y tế, công thương... thì các lực lượng công an hay dân phòng cũng cần phải tăng cường kiểm tra và quyết liệt hơn trong chiến dịch này.
Công Thọ/ Theo kinhtedothi.vn