Đà Nẵng: Bát nháo trung tâm ngoại ngữ

00:00 12/10/2020

Việc chạy đua thành lập trung tâm ngoại ngữ trong những năm gần đây đã dẫn đến tình trạng nhiều trung tâm được “sinh non”. Chất lượng giảng dạy không đảm bảo, thiếu cơ sở vật chất, giáo viên, vốn và đặc biệt là không có học viên khiến các trung tâm “sống dở chết dở”.

Trung tâm Ngoại ngữ mọc lên như nấm Theo thông tư 03/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động các trung tâm ngoại ngữ tin học, thì hiện nay, tại thành phố Đà Nẵng vẫn còn nhiều trung tâm chưa đáp ứng được những quy định trên nhưng vẫn được cấp phép hoạt động. Ông Nguyễn Văn Dũng (Trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp Thường xuyên – Sở Giáo dục Đào tạo TP. Đà Nẵng) cho biết: “Hiện nay, sở giáo dục đang cấp phép và quản lý 71 trung tâm hoạt động trên địa bàn thành phố. Hai quận trung tâm là Hải Châu và Thanh Khê không cho phép thành lập trung tâm do số lượng quá nhiều”. hoc-them Khoảng 5km từ cầu vượt Ngã Ba Huế đến Đại học Bách khoa có hàng chục trung tâm Anh ngữ: Quang Minh, Smart kid, Sayyes, Good English, GaLaXy, … Dọc đường Nguyễn Văn Linh có gần 10 trung tâm lớn nhỏ: Việt Mỹ, Việt Úc, Fisher’s superkids, Equest, …. Hầu hết các trung tâm đều cạnh tranh về giá cả, hình thức đào tạo để thu hút học viên. Số lượng các trung tâm đông đảo tạo điều kiện cho người học lựa chọn hình thức đào tạo và học phí thấp hơn so với trước đây. Tuy nhiên, một phần lớn các trung tâm chỉ chạy theo lợi nhuận kinh doanh mà bỏ quên chất lượng đào tạo. Nguyễn Phước Cửu (37 tuổi, đường Nguyễn Tất Thành, Quận Hải Châu) chia sẻ: “Ngoài những trung tâm có thương hiệu  như Apollo, AMA, ILA thì vô số các trung tâm nhỏ lẻ mọc lên điển hình là Yankee, Ánh Dương, GOET, NARO. Chất lượng đào tạo thì “tiền nào của nấy” cần chọn những trung tâm uy tín, đảm bảo chất lượng để không tốn thời gian và tiền bạc.” Số lượng đi lên, chất lượng đi xuống Ngoài khó khăn về vấn đề tuyển sinh thì các trung tâm quy mô vừa và nhỏ phải “vắt chân lên cổ” để đi tìm giáo viên đứng lớp. Mỗi trung tâm có từ 5 – 10 giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng làm việc. Tuy nhiên, do số lượng học viên quá ít nên lương giáo viên không đảm bảo. Phần lớn giáo viên giảng dạy tại các trung tâm đều không có lương cơ bản mà chỉ được trả lương theo từng buổi dạy. Để công việc kinh doanh thuận lợi, nhiều trung tâm thuê sinh viên học ngoại ngữ đứng lớp vì chi phí chi trả cho sinh viên thấp hơn nhiều so với các giáo viên có kinh nghiệm. Đối với các lớp thiếu nhi không ít trung tâm còn thường xuyên tuyển sinh viên về “thực tập” nhưng thực chất là dạy không lương và chỉ cần chi khoản phụ cấp tiền xăng. Tình trạng thiếu giáo viên người nước ngoài đang là mối lo rất lớn của các trung tâm. Khó khăn trong giấy tờ visa làm việc của giáo viên nước ngoài ở Việt Nam và chi phí giáo viên quá cao nên các trung tâm chọn phương án thuê “ tây ba lô”, “tình nguyện viên” dạy đối phó. Những trung tâm nhỏ, giáo viên là đào tạo, giáo vụ, lễ tân đồng thời biên soạn các chương trình học cho học viên. Tình trạng gom lớp TOEIC, B1, … vào học chung trong lớp Anh văn căn bản vẫn xảy ra. Nguyễn Thị Hòa ( Sinh viên năm 3 Đại học Sư phạm) cho biết: “Em đăng ký học B1 tại một trung tâm. Nhưng khi kiểm tra xếp lớp thì tất cả mọi người đều được gom chung vào học Anh văn căn bản. Thậm chí, nhiều bạn muốn học Anh văn giao tiếp cũng học chung. Trung tâm dạy những chương trình mình đã biết, mình xin rút học phí nhưng không được”. Những trung tâm  “chết lâm sàng” Mùa tuyển sinh của hầu hết trung tâm tập trung vào tháng 6, 7, 8. Thế nhưng, số lượng học viên ở thời điểm này của trung tâm Sayyes, Việt Mỹ, Good English chỉ giao động từ 60 – 100 học viên. Với mức thu học phí từ 250.000 đồng – 600.000 đồng/tháng thì doanh thu hằng tháng của mỗi trung tâm từ 20 triệu – 50 triệu. Trong đó, chi phí cho mặt bằng (5 – 10 triệu/tháng), lương giáo viên người Việt (120.000 – 200.000 đồng/ buổi), lương giáo viên nước ngoài ( 300 USD – 500 USD/ buổi), lương nhân viên (3 triệu/tháng). Chỉ tính 1 trung tâm có 2 nhân viên ( 1 lễ tân và 1 kế toán), 25% giáo viên nước ngoài cho chương trình học thì mức thu chỉ vừa đủ chi. Đây là lý do các trung tâm báo cáo với chi cục thuế “kinh doanh thua lỗ”. Anh Nguyễn Quốc Thiên ( giám đốc trung tâm Good English) cho biết: “Thời gian này trung tâm đang hoạt động khá tốt, tháng 6/2015 thu được 115 triệu, với mức thu này chỉ vừa đủ chi cho hoạt động của trung tâm. Vào những mùa thi cử, dịp gần Tết hầu như công ty phải bù lỗ” (115 triệu dùng để chi đều trong 3 tháng). Theo chia sẻ của Lê Thị Thanh Thủy quản lý trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ ( 122 Nguyễn Lương Bằng): sau 10 năm hoạt động, lợi nhuận rất thấp, nhiều thời điểm phải bỏ tiền túi ra để duy trì. Nguyễn Thị Hương Trinh ( Giám đốc trung tâm Anh ngữ Smart Kid) cho biết: “Hằng năm tôi đi họp ở sở cũng nghe rất nhiều trung tâm báo cáo  không tuyển được học viên.” Phần lớn các trung tâm có tuổi đời trẻ đều chấp nhận kinh doanh thua lỗ hoặc tìm cách cắt giảm chi phí thuê giáo viên, trang thiết bị, nhân viên,…để có thể “sống”. Cần dẹp bỏ những trung tâm không đủ điều kiện hoạt động Theo kết quả công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, sở quản lý chặt chẽ các trung tâm ngoại ngữ tin học theo thông tư 03/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện thành phố có 71 trung tâm được cấp phép và chịu sự quản lý của sở. Năm 2011, sở thu hồi giấy phép 31 trung tâm ngoại ngữ tin học, năm 2014 sở tiếp tục thu hồi giấy phép 8 trung tâm. Thế nhưng, nhiều trung tâm hoạt động kém hiệu quả, thiếu vốn đầu tư, nhân viên, số lượng tuyển sinh thấp vẫn còn hoạt động. Nhiều trung tâm biết rằng mình sắp “chết” nhưng vẫn đưa ra rất nhiều kế hoạch giảm giá học phí, khuyến mãi buổi học để có thể tuyển sinh. Học viên theo học tại các trung tâm giáo viên không có năng lực, chương trình đào tạo không hiệu quả tốn kém thời gian, tiền bạc ảnh hưởng đến kiến thức. Thiết nghĩ, Sở giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng và các cơ quan chức năng cần thanh tra thường xuyên tình hình hoạt động của các trung tâm Anh ngữ trên địa bàn thành phố. Chấn chỉnh bộ máy hoạt động của các trung tâm. Đối với những trung tâm không tuyển sinh được, không có giáo viên, chất lượng không đảm bảo, cần thu hồi giấy phép để người học dễ dàng tìm kiếm cơ sở đào tạo Anh ngữ có uy tín để theo học. Phóng sự của Diệu Mai - Hà Liên Đà Nẵng, 7/2015