“Cởi trói” cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn

00:00 12/10/2020

Tại Hội thảo Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam do VCCI tổ chức tại TP.HCM ngày 20/7, các chuyên gia cho biết, mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhưng việc “cởi trói” cho doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp tư nhân đang tạo ra động lực phát triển cho nền kinh tế

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, năm 2017, có thể nói kinh tế Việt Nam đã đạt được kỳ tích về nhiều mặt trong đó nổi bật là tăng trưởng GDP, thu hút đầu tư nước ngoài, và số lượng doanh nghiệp thành lập mới.

Đáng chú ý, là năm 2017 cũng đã tạo ra được bước ngoặt cho nền kinh tế về động thái cơ cấu ngành có sự tăng trưởng về chế biến, chế tạo, giảm khai thác tài nguyên thô. Bên cạnh đó động thái chủ thể của nền kinh tế cũng đã bắt đầu khẳng định vị thế của kinh tế tư nhân. Vai trò của kinh tế tư nhân và khu vực doanh nghiệp có tính quyết định tạo nên sự tăng trưởng đột phá cho nền kinh tế trong các tháng cuối năm. Bức tranh kinh tế trong các tháng cuối năm 2017 đã cho thấy khu vực tư nhân đã có bước nhảy ngoạn mục, vượt qua cả khu vực FDI. 

Đặc biệt, một số sự kiện của khu vực kinh tế tư nhân diễn ra trong năm 2017 như SunGroup đầu tư và đưa vào sử dụng sân bay Vân Đồn, Vinfas đầu tư làm chủ cả về công nghệ và chế tạo trong sản xuất ô tô. Cùng với đó là sự tiến bộ vượt bậc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của Trường Hải, FPT… đã cho thấy chỉ cần có đủ lòng tin và sự hỗ trợ cần thiết, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể tạo ra động lực cho sự phát triển của nền kinh tế. 

Mặc dù vai trò của kinh tế tư nhân đã được khẳng định, Chính phủ cũng đã rất nỗ lực để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên việc “cởi trói” còn rất khó khăn do trở lực của bộ máy hành chính còn rất lớn. 

Theo số liệu dẫn chứng của Viện Kinh tế Việt Nam, đến giữa năm 2017, số giấy phép và điều kiện kinh doanh theo bộ quản lý ngành vẫn còn gần 5.200 giấy phép và 4.500 quy định điều kiện kinh doanh. Hiện Chính phủ đã nỗ lực cắt bỏ giấy phép và điều kiện kinh doanh, quy định đến giữa năm 2018, các bộ phải cắt giảm ½ điều kiện kinh doanh do Bộ đặt ra. Chính phủ gây áp lực mạnh và liên tục lên các bộ, ngành và đã đạt kết quả tích cực bước đầu.

Mặc dù vậy, quá trình cải cách thủ tục và cơ chế này gắn với lợi ích và cơ chế, tổ chức, bộ máy và nhân sự đang vận hành nên diễn ra khó khăn, chậm chạp…

Theo nhận định của các chuyên gia, trong năm 2018, câu chuyện cải cách vẫn diễn ra quyết liệt. Chính phủ chủ động gây áp lực mạnh  trong việc bớt thủ tục, giảm chi phí nhưng tiến triển còn chậm gặp nhiều khó khăn ở “ tầng giữa”, vẫn nhiều thủ tục và trói buộc. Tính công khai minh bạch tuy có tốt hơn nhưng vẫn yếu. 

Thống kê của Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho thấy, trong 5 tháng đầu năm đầu tư tư nhân đã giảm tốc với 52.322 DN đăng ký thành lập mới, vốn đăng ký đạt 516 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân 9,9 tỷ đồng trên một doanh nghiệp, số lao động của các doanh nghiệp thành lập mới giảm 20,9%.

 Các chuyên gia cho rằng, theo đánh giá tổng thể của Thornton về Môi trường đầu tư Việt Nam công bố vào tháng 4/2018, Việt Nam đang đứng số 1 về mức độ hấp dẫn đầu tư so với các nước ASEAN khác. Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2017-2018 cũng cho biết Việt Nam xếp thứ 55 trong số 138 nền kinh tế được xếp hạng về năng lực cạnh tranh, tăng 5 bậc so với năm 2016-2017.

Mặc dù vậy kết quả khảo sát của Thornton cũng cho thấy, quy định/thủ tục và tham nhũng vẫn là hai thách thức quan trọng nhất khi đầu tư vào Việt Nam. Do vậy, vấn đề cải cách không được làm tới nơi, tới chốn vẫn là một trong những vấn đề kinh tế nội tại của Việt Nam làm ảnh hưởng không nhỏ tới nền tảng và nguồn lực tăng trưởng trong nước.

Nguyễn Huế