Tròng trành cầu phao dân sinh

00:00 12/10/2020

Tồn tại hàng chục năm qua, hệ thống cầu phao dân sinh tạm bợ khu vực ngoại thành Hà Nội đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người tham gia giao thông. Trong khi đó, công tác kiểm tra, quản lý gần như bị bỏ ngỏ. Khảo sát hệ thống cầu phao nhằm đánh giá nhu cầu đi lại của người dân cũng như tìm kiếm giải pháp thay thế phù hợp là đòi hỏi cấp bách hiện nay. “Nín thở” qua cầu...
Mấy ngày đầu tháng 9, trời đổ mưa liên tục. Nước sông Đáy dâng cao, dòng chảy cũng xiết hơn. Cầu phao Viên Nội bắc qua sông Đáy, nối thôn Giang, xã Viên Nội (huyện Ứng Hòa) với thôn Phú Hữu, xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) gần như bị dòng nước “nuốt chửng”. Dưới mưa như trút, cây cầu càng trở nên mong manh như muốn trôi theo dòng nước. Chuyến đi bộ của chúng tôi qua cầu thực sự như một trò chơi cảm giác mạnh. Nước cuồn cuộn sóng, cầu rung lắc, thi thoảng đung đưa như võng. Bước lên bờ an toàn chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm.Đứng ít phút, chúng tôi thấy hai phụ nữ trùm áo mưa kín mít, dừng xe bên đầu cầu xã Viên Nội. Lưỡng lự một hồi, người phụ nữ cầm lái quyết định đi chân trần và dắt chiếc xe máy xuống cầu. Lần từng bước chậm chạp và chắc chắn một lúc lâu, hai phụ nữ mới vượt qua được chiếc cầu có độ dài hơn 40m. Người phụ nữ ngồi phía sau tên Nguyễn Hồng Giang (huyện Phú Xuyên) mặt tái mét, thốt lên với chúng tôi: “Thót tim! May mà qua được cầu. Vòng về có lẽ phải tìm đường khác, không dám đi qua đây nữa!”. Chúng tôi giúp họ dắt xe qua con đường nhỏ hẹp dẫn từ đường lớn xuống cầu có taluy dựng đứng, đã bị sạt lở một phần vì mưa lớn.
Cầu Viên Nội bắc qua sông Đáy ở xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa.
Cầu phao Viên Nội nhìn từ xa như một “dải lụa mềm mại” vắt qua sông. Cầu rộng khoảng 2m, được đỡ nổi bằng hệ thống 13 phao đúc hình thuyền bê tông xi măng. Lan can cầu hàn nối từ các thanh thép tròn, han gỉ nặng, không bảo đảm an toàn. Nguy hiểm nhất là phần nối giữa cầu với bờ sông không có lan can; 4 đốt cầu gắn kết với nhau bằng… dây thừng. Để neo cầu cố định, chủ cầu dùng dây thừng, dây thép nối vào 2 trụ cột đóng xuống lòng sông ở 2 bên đầu cầu phía thượng lưu. Đường dẫn 2 bên đầu cầu nhỏ hẹp, không có hệ thống biển báo. Ông Nguyễn Đức Doan, ở thôn Lai Tảo (xã Bột Xuyên), chủ đầu tư cây cầu phao cho biết, cầu được xây dựng từ năm 2001, ban đầu làm bằng tre, gỗ, sau đó là tấm đan bê tông và hiện nay là sắt. “Cầu đi vào sử dụng từ năm 2001 đến nay chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc nào” - ông Doan cho hay. Ông cũng cho biết thêm, đã trang bị 6 áo phao chuyên dụng cùng một số phao tự chế từ săm ô tô, vật liệu nổi từ xốp, đồng thời sửa chữa, bảo dưỡng cầu thường xuyên. Chị Nguyễn Thị Hưởng, nhà ở xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức), dạy học ở phía bên kia sông - Trường Tiểu học Cao Thành (huyện Ứng Hòa). Để tiết kiệm thời gian, rút ngắn quãng đường đi lại nên hằng ngày thường qua sông Đáy bằng cầu phao, chị Hưởng chia sẻ: “Tôi đi nhiều lần thành quen, chứ những ngày đầu tiên cũng sợ lắm. Bất đắc dĩ mới phải đi qua những cây cầu như thế này vì để đến được những cây cầu bê tông thì xa lắm!”. Hiểm họa khôn lường Theo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 14 cầu phao, tập trung chủ yếu trên sông Đáy thuộc 2 huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa, các cầu phao có kết cấu chung là phao nổi dạng thuyền bê tông cốt thép, một số dùng thùng phuy, kết cấu dầm sử dụng các thép hình, đan thành tấm thép. Mặt cầu là thanh thép hoặc lát gỗ. Đường đầu cầu thường làm bằng bê tông và... đường đất, mặt cắt ngang nhỏ, độ dốc lớn. Các cầu chỉ cho xe đạp, xe máy và người đi bộ qua và phục vụ cụm dân cư hai bên cầu từ 600 đến 1.600 người. Trong quá trình đi thực tế, chúng tôi được cung cấp những thông tin đáng buồn về 2 vụ tai nạn gây đuối nước thương tâm xảy ra tại cầu phao Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ) vào tháng 7-2015 và tại cầu phao chợ Sêu (Ứng Hòa đi Mỹ Đức) vào tháng 6-2016. Quan sát thực tế, cầu phao Mỹ Lương khá thô sơ, dài khoảng 60m, rộng gần 2m, làm trên hệ phao đúc hình thuyền bê tông, mặt cầu ghép từ các mảnh gỗ ván sơ sài và được cố định bằng dây thừng. Lan can ở phần giữa cầu thấp và thưa. Đặc biệt, đường xuống hai đầu cầu độ dốc rất cao. Đại diện lãnh đạo UBND xã Quảng Bị cũng thừa nhận trường hợp đuối nước thương tâm xảy ra tại cầu phao Mỹ Lương cũng một phần vì độ dốc của đường dẫn xuống cầu quá lớn, người điều khiển phương tiện không làm chủ được tốc độ. Trong khi đó, tại cầu phao chợ Sêu kết nối thôn Đặng Giang, xã Hòa Phú (Ứng Hòa) và chợ Sêu thuộc thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng (huyện Mỹ Đức) cũng làm trên hệ phao thuyền bê tông, mặt cầu hàn nối từ những thanh thép, lan can cầu bị gỉ sét nghiêm trọng, nhìn bằng mắt thường đã thấy... không bảo đảm an toàn. Đường dẫn cầu phía huyện Ứng Hòa được láng xi măng, tuy nhiên bên phía huyện Mỹ Đức vẫn là đường đất, nhỏ hẹp và không có hệ thống biển cảnh báo. Tại xã Cát Quế (huyện Hoài Đức) cũng có 2 cây cầu phao bắc qua sông Đáy. “Công nghệ” dựng cầu ở Cát Quế có điểm khác các xã khác, đó là hệ thống phao được làm từ thùng phuy nhựa, mặt cầu hẹp chỉ vừa một xe máy đi và ghép bằng gỗ ván. Cầu được neo cố định bằng những cây tre cắm sơ sài xuống lòng sông. Phó Chủ tịch UBND xã Cát Quế Trần Văn Long cho biết, trước đây ở gần 2 vị trí này có 3 cây cầu cứng cho nhân dân khu vực 8, khu vực 9 và thôn Cát Ngòi đi lại, sản xuất nông nghiệp bên vùng bãi Hiệp. Năm 2010, do triển khai thu hồi đất phục vụ dự án cải tạo lòng dẫn sông Đáy nên các cây cầu đã phải dỡ bỏ. “Trước nhu cầu cấp thiết, chỉ một thời gian ngắn sau khi dự án nạo vét hoàn thành, người dân khu vực này đã tự ý xây dựng, lắp ghép các cây cầu phao như hiện nay để phục vụ việc đi lại và sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, việc sử dụng hệ thống cầu phao này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và nguy hiểm”. - Ông Long nhận định. (Còn nữa)
(Theo hanoimoi.com.vn)