Cần gạt bỏ tư duy ứng thí, bị động

00:00 12/10/2020

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, thầy Vũ Đình Thuần, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Tuyên Quang cho rằng, cần gạt bỏ tư duy ứng thí, thi thế nào dạy như thế. Nếu trang bị cho các em cách thức vận dụng kiến thức để giải quyết nhiều vấn đề thì dù thi trắc nghiệm hay thi tự luận đều không thể trở thành vấn đề khó khăn đối với các em.
Thầy Vũ Đình Thuần, Hiệu trưởng Trường
                  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố phương án chính thức thi THPT quốc gia năm 2017, xin thầy cho biết quan điểm của thầy về phương án này? Tôi ủng hộ phương án thi THPT quốc gia năm 2017 vì thấy phương án này khiến cho kỳ thi nhẹ nhàng hơn và tiến tới thay đổi cách học, dạy trong nhà trường theo hướng phát triển năng lực và vận dụng kiến thức. Điều đó có nghĩa là các thầy sẽ dạy cho học sinh hiểu, vận dụng kiến thức để dù thi ở dạng nào thì học sinh cũng có thể làm được, chứ không phải thi tự luận thì dạy tự luận, thi trắc nghiệm thì dạy trắc nghiệm. Từ năm 2010, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường đổi mới cách dạy và học theo hướng nâng cao năng lực vận dụng, nghĩa là phải dạy làm sao để các em có thể vận dụng được kiến thức để giải quyết các vấn đề. Thực ra, từ năm 2006, Bộ đã bắt đầu có những chỉ đạo đầu tiên về đổi mới cách dạy và học cho phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục, đổi mới thi cử. Tuy nhiên, vì chúng ta cứ “đắm đuối” vào chuyện ứng thí nên không có sự chuẩn bị cho những thay đổi theo lộ trình đổi mới, cải cách giáo dục. Trong điều kiện chúng ta đang xây dựng chương trình mới theo hướng trang bị năng lực, kỹ năng thì giáo viên phải dạy cho học sinh một thứ nhưng biết cách vận dụng để giải quyết nhiều vấn đề. Theo thầy, vì sao Bộ đã chỉ đạo các sở triển khai đổi mới dạy và học theo hướng tăng cường năng lực vận dụng, trang bị kỹ năng từ năm 2006 nhưng đến hiện tại, khi triển khai theo bài thi tổ hợp, các trường vẫn lo lắng? Thực ra các trường hay bị tâm lý ứng thí, nghe ngóng xem Bộ tổ chức thi như thế nào và dạy như thế. Đó là cách dạy đối phó nên khi có những thay đổi trong cách thức sẽ khiến các trường lâm vào thế bị động. Còn nếu đã dạy theo chương trình ngay từ lớp 10, mình hoàn toàn chủ động thì không có gì phải lo lắng cả. Nhiều trường tỏ ra lo lắng khi Bộ triển khai thi trắc nghiệm với môn Giáo dục công dân (GDCD) và môn Toán. Trường THPT Chuyên Tuyên Quang có như vậy? Thực ra, thi trắc nghiệm môn GDCD không có gì phải lo lắng cả. Thực tế, trong quá trình dạy và học, các trường cũng đã tổ chức rất nhiều hoạt động liên quan tới trắc nghiệm GDCD. Ví dụ như tổ chức các cuộc thi Tìm hiểu về an toàn giao thông, Tìm hiểu sức khỏe sinh sản… GDCD là những vấn đề đơn giản chứ không nhất thiết phải là những vấn đề đao to búa lớn như triết học… Chẳng hạn như đề thi đánh giá năng lực mà ĐHQGHN đã tiến hành 2 năm nay, tôi thấy bộ câu hỏi rất hay và nó cũng không quá "đáng sợ" như nhiều người vẫn lo ngại. Riêng với môn Toán, mọi người lo lắng sẽ ảnh hưởng tới phát triển tư duy môn học này. Tuy nhiên, thực tế là nếu học sinh muốn giải bài thi trắc nghiệm thì vẫn phải có tư duy toán học. Chỉ có khác là thay vì trình bày vào bài thi thì các em làm ra nháp và tích vào mục kết quả trong bài thi. Học sinh vẫn phải có bước giải, chứ không phải trắc nghiệm là chọn bừa. Đối với bài thi tổng hợp, nhiều người lo lắng với 50 câu hỏi mà chỉ với 60 phút thì thí sinh không đủ thời lượng để làm bài thi. Ý kiến của thầy về vấn đề này thế nào? Tôi cho rằng như vậy sẽ giúp phân hóa tốt hơn. Ví dụ: Đề thi môn Vật lí có 20 câu, nếu thí sinh học thực sự tốt, đáp ứng được các yêu cầu về nhận biết, thông hiểu, vận dụng như trong ma trận đề thi thì sẽ làm rất nhanh. Vấn đề là nếu một học sinh làm hết 20 câu quá nhanh và dễ dàng thì học sinh đó sẽ thấy đề thi không đủ để tạo nên sự khác biệt giữa chính em và những người khác. Đề thi có tỉ lệ 60% cho học sinh chỉ xét tốt nghiệp, 30-40% cho học sinh xét vào đại học. Nhưng nếu số lượng câu hỏi tăng lên thì rõ ràng học sinh rất giỏi mới hoàn thành 50 câu trong 60 phút, đó chính là sự phân hóa. Tôi cho rằng không nhất thiết cứ phải thi trong 180 phút mới tương xứng để tuyển sinh đại học. Quan trọng là định dạng về nội dung câu hỏi như thế nào. Với học sinh chỉ xét tốt nghiệp, các em chỉ cần làm được 50%, thậm chí môn nào kém chỉ cần qua điểm liệt, vẫn có thể tốt nghiệp nếu có môn khá hơn bù điểm. Còn với học sinh để xét đại học, cũng không mất quá nhiều thời lượng để thực sự đánh giá các em có xứng đáng vào đại học hay không. Phương pháp thi thay đổi, việc học sẽ thay đổi. Trường THPT Chuyên Tuyên Quang đã có sự chuẩn bị nào chưa? Chúng tôi đã có sự chuẩn bị linh hoạt về phương pháp dạy từ năm lớp 10 nên với phương án thi này, Trường không có gì xáo trộn hay khó khăn cả. Tất nhiên, Trường cũng phải sắp xếp lại việc dạy trên lớp và ôn tập, nhưng phải dạy tốt ở chính khóa rồi mới phụ đạo, ôn tập thêm. Thí sinh trường chuyên chắc chắn sẽ vất vả hơn vì mỗi khối thêm một môn thi. Tuy nhiên, Bộ có phương án điểm liệt là 1 thì học sinh trường chuyên chắc chắn không ngại. Tuyên Quang là một tỉnh miền núi, điều kiện tiếp cận thông tin khó khăn hơn, liệu các em sẽ gặp khó khăn trước những thay đổi này không, thưa thầy? Trước khi Bộ đưa ra phương án chính thức thì chúng tôi cũng đã gửi dự thảo cho phụ huynh học sinh, tổ chức các buổi tư vấn để mọi người cùng nắm rõ chủ trương, định hướng. So với dự thảo thì phương án chính thức cũng có một số thay đổi do Bộ tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu rằng định hướng chính vẫn là như vậy, không có sự thay đổi khác biệt. Hơn nữa, bây giờ internet rất phổ biến, ai cũng có thể tiếp cận thông tin. Mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố lộ trình sẽ tiến tới từ bài thi tổ hợp tới tổng hợp và tích hợp. Vậy, Trường THPT Chuyên Tuyên Quang đã chuẩn bị cho tiến trình thay đổi này như thế nào? Chắc chắn các trường sẽ phải có sự chuẩn bị về phương pháp dạy học để thích ứng với lộ trình. Bộ cũng cần có hướng dẫn chi tiết bởi các trường không thể tự làm được. Thầy có lo lắng gì về chất lượng đề thi năm nay? Theo tôi, với sự chuẩn bị của Bộ và kinh nghiệm của ĐHQGHN, chắc chắn từ nay đến tháng 5, chúng ta sẽ có đủ câu hỏi thi. Bộ cũng khẳng định đề thi sẽ chỉ trong phạm vi kiến thức lớp 12, vì thế chỉ cần các em học chắc chắn kiến thức lớp 12 thì sẽ không cần phải lo lắng. Xin cảm ơn thầy!    

(theo chinhphu.vn)