ACV và những "sân sau" khó ngờ

00:00 12/10/2020

Bộ Giao thông vận tải vừa có kết luận thanh tra chỉ ra hàng loạt vi phạm, thiếu sót của ACV tại các dự án do Tổng công ty này đầu tư, trong đó có những "sân sau" khó ngờ tới.

Bộ GTVT yêu cầu ACV thực hiện xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý tổng số tiền về kinh tế là hơn 117 tỷ đồng

Theo báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV), giai đoạn từ tháng 3/2012 đến tháng 12/2016, tổng công ty này đã đầu tư xây dựng 85 dự án (có tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng) với tổng mức đầu tư các dự án là hơn 42.140 tỷ đồng. Trong đó, giá trị đầu tư bằng vốn NSNN là 1.420,9 tỷ đồng; vốn TPCP là 4.221,7 tỷ đồng; vốn ODA là 12.443,13 tỷ đồng; vốn ACV là 24.074,7 tỷ đồng.

Quản lý đầu tư xây dựng có nhiều vấn đề

Tuy nhiên, kết luận thanh tra của Bộ GTVT cho thấy, bất cập ở tất cả các giai đoạn chuẩn bị đầu tư, giai đoạn thực hiện dự án và cả giai đoạn kết thúc đầu tư. Việc huy động, quản lý sử dụng các nguồn đầu tư do ACV quản lý cũng còn nhiều bất cập, tồn tại.

Cụ thể, theo số liệu đơn vị báo cáo giai đoạn 2011 – 2016, kế hoạch vốn chưa sát với thực tế nên có dự án giá trị giải ngân lớn hơn kế hoạch vốn; cũng có dự án giá trị giải ngân thấp hơn kế hoạch. Riêng dự án mở rộng Nhà ga quốc tế T2 – cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bố trí vốn đầu tư dự án không đúng theo quyết định đã được phê duyệt.

Ngoài ra, công tác khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt dự án còn nhiều bất cập. Cụ thể, chất lượng công tác khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt một số dự còn hạn chế, nên trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh, thay đổi so với hồ sơ thiết kế cơ sở, bổ sung một số hạng mục dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh thời gian thực hiện… như tại dự án đường vào cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, dự án mở rộng nhà ga quốc tế T2 – cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

Về công tác quản lý chất lượng công trình, mặc dù ACV đã thuê đơn vị tư vấn giám sát nhưng chất lượng công tác giám sát về chất lượng, khối lượng chưa cao, một số dự án vừa đầu tư xong đã phải nâng cấp mở rộng như dự án kéo dài, nâng cấp đường CHC, đường lăn và sân đậu cảng hàng không Pleiku...

Thậm chí, một số công tác, thiết bị lắp đặt thực hiện không đúng với hồ sơ thiết kế hoặc điều kiện hợp đồng, yêu cầu kỹ thuật của dự án nhưng vẫn được nghiệm thu, thanh toán; nghiệm thu còn trùng lắp; không đúng khối lượng; nhật ký giám sát chưa ghi chép đầy đủ theo quy định.

Yêu cầu ACV xử lý hơn 117 tỷ đồng

Một số dự án ACV phê duyệt đầu tư khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định hiện hành về hồ sơ về báo cáo đánh giá tác động môi trường, ý kiến thoả thuận của các cơ quan như PCCC, cấp điện, cấp thoát nước, cảng vụ… như dự án mở rộng nhà ga Phú Quốc, dự án nhà ga hành khách cảng hàng không Vinh…

Liên quan đến công tác GPMB, Bộ GTVT chỉ rõ, các tài liệu, báo cáo do ACV cung cấp còn chưa làm rõ nguyên nhân hộ dân không chấp thuận nhận tiền đền bù, nguyên nhân chậm thu hồi tiền của một số hộ dân theo quyết định thu hồi...Đặc biệt, việc quản lý vật liệu đầu vào còn nhiều tồn tại, một số dự án chậm tiến độ thi công, có đến 49 dự án quyết toán chậm tiến độ.

Theo kết luận của Bộ GTVT, ACV là doanh nghiệp cổ phần, vốn nhà nước chiếm 95,4% vốn điều lệ, vốn đầu tư của ACV chủ yếu là vốn nhà nước. Vì vậy, với các dự án ACV vừa là cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư thực hiện dự án, vừa là đơn vị tiếp nhận dự án trong giai đoạn khai thác có thể dẫn đến thiếu khách quan trong quản lý đầu tư xây dựng công trình.

Trên cơ sở đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan ACV tiến hành rà soát, đánh giá những tồn tại để khắc phục khi thực hiện các dự án tiếp theo. Vụ Kế hoạch đầu tư, Cục hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm trong công tác quy hoạch; ACV chịu trách toàn diện trong công tác quản lý đầu tư xây dựng dự án. Về xử lý kinh tế, Bộ GTVT yêu cầu ACV thực hiện xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý tổng số tiền về kinh tế là hơn 117 tỷ đồng.

Điểm mặt “sân sau”

Cùng nằm trong “hệ sinh thái” ACV – Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam, nhưng đằng sau những Công ty “con” là một hệ thống chằng chịt những công ty “cháu”, công ty “chắt” do các cá nhân sở hữu cổ phần chi phối…

Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định thành lập Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), trên cơ sở sáp nhập ba cụm cảng hàng không, với hơn 20 sân bay và các dự án hạ tầng hàng không cả nước.

5 năm sau quyết định ấy, ACV giờ là “siêu” Tổng Công ty Cổ phần, độc quyền khai thác các sân bay nhà nước, với hàng nghìn tỷ đồng sai phạm vừa “được” Thanh tra Chính phủ kết luận. Nhưng vẫn còn hàng nghìn tỷ đồng doanh thu khác được đẩy vào “sân sau” của doanh nghiệp kinh doanh sân bay này, thì chưa được cơ quan nào “sờ” tới.

Dẫn chứng, trong cơ cấu tổ chức của mình, ACV có 3 công ty con, công ty liên kết hoạt động tại khu vực sân bay Nội Bài. Đó là Công ty Cổ phần dịch vụ nhiên liệu hàng không Nội Bài (NAFSC) – chuyên cung cấp nhiên liệu máy bay, Công ty Cổ phần phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) – chuyên cung cấp các dịch vụ mặt đất, hành khách tại sân bay, và Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa hàng không (ACSV) – chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan tới hàng hóa hàng không.

Đằng sau những doanh nghiệp này lại là một hệ thống các công ty con nữa, sở hữu chằng chịt. Cụ thể, Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài cùng Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế góp vốn thành lập Công ty Cổ phần logistics hàng không (ALS). Đây là công ty chuyên lo các phần việc thủ tục, vận chuyển hàng hóa hàng không của ACV...

Công ty ALS lại tiếp tục góp vốn cùng Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế… thành lập Công ty Cổ phần dịch vụ sân bay (ASG), chuyên lo thủ tục các hàng hóa, dịch vụ giá trị cao cho các khách hàng của ACV và sân bay Nội Bài.

Việc góp vốn, liên doanh để mở rộng sản xuất kinh doanh là chuyện bình thường. Song, điều đáng lưu ý, đến “cấp” doanh nghiệp thứ 2, 3 này, phần vốn của các công ty con thuộc ACV đã giảm hẳn, mà phần lớn vốn góp thuộc về các công ty TNHH hoặc cá nhân.

Tại ALS, hiện vốn của Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài chỉ còn 10,063% vốn điều lệ. “Nối dài” tới Công ty ASG, tỷ lệ nắm giữ điều lệ của ALS chỉ còn chưa tới 5%, trong khi một công ty TNHH và một cá nhân còn lại nắm gần 78%.

Cách đầu tư và bố trí công việc này đưa tới kết quả là những phần việc lợi nhuận tốt nhất trong chuỗi dịch vụ hàng không mà ACV khai thác độc quyền đã tự nhiên rơi vào những doanh nghiệp về danh nghĩa thuộc Tổng Công ty, nhưng thực tế lại là của một số cổ đông cá nhân, hoặc doanh nghiệp ngoài ACV.

Những doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với ACV, hoặc công ty con của ACV mặc nhiên được thuê trụ sở, thuê kho ngay trong khu vực sân bay Nội Bài – một điều mà ngay các doanh nghiệp khác không thể “mơ” tới.

Đương nhiên, theo quy định về công ty cổ phần: ai nắm giữ nhiều cổ phiếu người đó sẽ được hưởng nhiều lợi nhuận hơn. Nói cách khác, độc quyền kinh doanh ACV đã chuyển hóa thành một dạng biệt đãi với các công ty sân sau mà các cơ quan chức năng khó có thể lần tới.

Nguyễn Việt