4 lợi ích không ngờ của việc trì hoãn đối với các doanh nhân

00:00 12/10/2020

Trên thực tế sự trì hoãn không phải lúc nào cũng có ý nghĩa tiêu cực. Thậm chí, sự trì hoãn tích cực còn có thể giúp bạn hoàn thành nhiều việc hơn. 

4 lợi ích không ngờ của việc trì hoãn đối với các doanh nhân

Ảnh minh họa. Nguồn: Westend61/Getty Images.

Trong cuộc sống cũng như công việc không phải lúc nào chúng ta cũng có thể quyết đoán khi đưa ra quyết định, do đó, đôi lúc chúng ta tỏ ra chần chừ là chuyện bình thường. Đặc biệt là trong thời buổi mà các phương tiện truyền thông xã hội, truyền hình trực tuyến, phim ảnh, Internet và điện thoại thông minh có thể làm phân tán sự tập trung của chúng ta.

Tuy nhiên, thực tế sự trì hoãn không phải lúc nào cũng có ý nghĩa tiêu cực.

Thậm chí, sự trì hoãn tích cực còn có thể giúp bạn hoàn thành nhiều việc hơn. Dưới đây là bốn lý do về mặt tâm lý để các doanh nhân đôi khi nên nghiêng về sự trì hoãn:

1. Trì hoãn giúp thúc đẩy sự sáng tạo

Aaron Sorkin, tác giả của chương trình truyền hình West Wing và đạo diễn kiêm tác giả kịch bản của bộ phim Molly's Game đã từng nói về sự trì hoãn trên chương trình truyền hình Today rằng: "Bạn gọi nó là sự chần chừ nhưng tôi gọi nó là sự suy nghĩ". Sorkin thỉnh thoảng vẫn ngừng viết để suy nghĩ và kết quả là các tác phẩm mà ông cho ra đời thường gặt hái được thành công lớn.

Ngay cả khi tất cả chúng ta không phải là những nhà văn từng đạt giải thưởng, nhưng khi chúng ta biết bỏ qua một cái gì đó, nó không phải là một sự xao lãng. Nó có thể chỉ đơn giản là một sự phá vỡ, và sự phá vỡ đó có thể mở ra một thế giới của những ý tưởng mới.

Khi bạn cho phép bản thân có nhiều thời gian hơn để ngồi và suy nghĩ về những gì bạn đang làm, thì sẽ xuất hiện nhiều hướng giải quyết khác nhau trong đầu bạn.

Đối với các doanh nhân, sự chần chừ có thể là thứ kích hoạt một câu trả lời mà họ sẽ không thể đạt được nếu cứ để tâm trí ám ảnh với những nhiệm vụ họ đang làm.

2. Trì hoãn hỗ trợ hồi phục bộ nhớ

Năm 1927, nhà tâm lý học người Litva Bluma Zeigarnik lần đầu tiên phát hiện ra rằng sự gián đoạn có thể giúp mọi người nhớ lâu hơn.

Cô đã kiểm tra giả thuyết này bằng cách đưa ra một loạt câu đố cho những nhân viên phục vụ (một nửa trong số họ ngừng hẳn làm việc để trả lời trong khi nửa còn lại vừa tiếp tục làm vừa trả lời).

Kết quả là những người ngừng làm để trả lời có thể nhớ lại các chi tiết với độ chính xác cao hơn 90% so với những người vẫn tiếp tục làm việc.

Tương tự, điều này vẫn đúng với các doanh nhân ngày nay. Nếu các doanh nhân tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi tập thể dục, đọc sách hoặc đơn giản chỉ là nhìn ra ngoài cửa sổ để thư giãn thì tâm trí của họ sẽ hoạt động tốt hơn và tìm ra được các hướng giải quyết khác nhau cho nhiệm vụ mà họ đang cố gắng hoàn thành.

3. Sự gián đoạn có thể tăng cường tập trung

Điều này nghe có vẻ như một nghịch lý. Nhưng thực tế, thay vì chỉ nhất nhất thực hiện một nhiệm vụ cho đến khi hoàn thành, việc làm gián đoạn nhiệm vụ sau đó quay trở lại có thể kích thích sự sáng tạo và khả năng tập trung hơn.

Một nghiên cứu vào năm 2011 đã xem xét hiệu ứng tâm lý này. Các đối tượng được yêu cầu nhớ các chữ số ngẫu nhiên trong khi đang thực hiện một nhiệm vụ trực quan. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khi mọi người được yêu cầu nhớ lại các con số, hiệu suất của họ đối với nhiệm vụ trực quan giảm dần theo thời gian. Nhưng khi các nhà nghiên cứu làm gián đoạn nhiệm vụ trực quan bằng các lời nhắc nhở lẻ tẻ về các chữ số, kết quả nhớ các con số cũng như kết quả hoàn thành nhiệm vụ của những người tham gia nghiên cứu cao hơn hẳn.

Tóm lại: Hãy nghỉ ngơi một chút nếu cần để lấy lại sự tập trung, ngay cả khi bạn đang phải chạy nước rút về đích đúng hạn.

4. Trì hoãn thường mang lại quyết định tốt hơn

Các doanh nhân thường nhận được một email quan trọng cần câu trả lời ngay. Vì thời gian gấp rút, nên thậm chí họ không có thời gian để đọc kỹ nội dung mà đưa ra câu trả lời ngay. Tuy nhiên, nếu bạn không dành một chút thời gian để ngồi lại và đọc thật kỹ nội dung, bạn có thể sẽ đưa ra quyết định sai.

Các nhà nghiên cứu tại Columbia đã thực hiện một thí nghiệm để kiểm tra điều này: Có cần thêm một chút thời gian thực sự để đưa đến quyết định tốt hơn?

Đầu tiên, họ yêu cầu các đối tượng tham gia cùng nhìn vào một tập hợp các chấm đen đang di chuyển trên màn hình. Đồng thời, một cụm các chấm màu bắt đầu di chuyển để đánh lạc hướng chúng. Những người tham gia được yêu cầu đánh giá càng nhanh càng tốt.

Khi các chấm màu di chuyển cùng hướng với các chấm đen, kết quả về cơ bản là hoàn hảo. Nhưng khi chúng di chuyển theo hướng ngược lại, độ chính xác giảm xuống.

Thứ hai, họ đã thực hiện cùng một thí nghiệm, nhưng các đối tượng được yêu cầu trả lời khi họ nghe thấy âm thanh nhấp chuột, chúng thay đổi trong khoảng 17-500 mili giây - một khoảng thời gian tương đương với thời gian đưa ra các quyết định trong đời thực, như lái xe. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khi các quyết định bị trì hoãn khoảng 120 mili giây, độ chính xác của chúng được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng phân biệt giữa việc ra quyết định kéo dài và tạm hoãn. Nếu các đối tượng đưa ra quyết định nhanh hơn, não vẫn lọc ra những phiền nhiễu (chấm màu). Nhưng nếu mất quá nhiều thời gian, nó có thể bị cản trở bởi những phiền nhiễu khác.

Tương tự, trì hoãn trong thời gian ngắn có thể mang lại một số kết quả tốt nhưng nếu chần chừ quá nhiều, hoặc quá lâu thì sẽ không có gì được thực hiện.

Kiều Châu