Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho hay, đối với giai đoạn cuối năm 2022, nhiều ý kiến nhận định rằng thị trường hiện đang giảm sâu và chắc chắc sẽ hồi lại. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có yếu tố giá.
Đối chiếu vào giai đoạn năm 2017 – 2018, rõ ràng, năm 2017 TTCK tăng rất mạnh. Khi đó, nhiều người kỳ vọng VN-Index sẽ vụt lên tới 1.500 điểm. Nhưng sang đến 2018 thì thị trường chứng khoán quay đầu rất mạnh. Thực trạng này nói nói lên điều gì?
TS. Hiển nhìn nhận, khi nhận định một TTCK thì không chỉ nhận định về các yếu tố vĩ mô mà còn phải phân tích cả yếu tố về giá. Trên thực tế, thị trường chứng khoán 2022 có những yếu tố để tăng trưởng nhưng một tài sản đầu tư thì phải gắn với giá. Về nguyên tắc, khi giá tăng nhiều thì phải có sự điều chỉnh và đủ tích luỹ thì mới tăng tiếp.
Người ta hay gọi một TTCK kém hoàn hảo khi phản ánh kinh tế thực có độ trễ rất lớn. Nghĩa là, phải khoảng 6 tháng sau TTCK mới phản ánh đúng xu hướng của nền kinh tế thực. Việt Nam đang nằm trong nhóm các thị trường có đặc điểm này.
TTCK tăng giá rất mạnh trong năm 2021 bất chấp nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh thì sang năm 2022 lại giảm mạnh khi nền kinh tế hồi phục, sự tương đồng của TTCK 2022 cũng giống như giai đoạn 2018.
Do tăng giá không dựa trên nền kinh tế thật nên đến thời điểm này TTCK đang điều chỉnh để về mức hợp lý và xa hơn là chuẩn bị cho triển vọng năm 2023.
Bước sang 2023, TS. Hiển cho rằng, năm 2023, thị trường sẽ có cơ hội: "Đầu tiên là cơ hội từ việc tái lập một thị trường chứng khoán minh bạch hơn. Khi thủ thuật đẩy vốn, thông tin bơm thổi bị xử lý thì thị trường sẽ có nền tảng tốt hơn, cơ hội khi đầu tư dựa trên các phân tích nền tảng của doanh nghiệp.
Những nhà đầu tư dựa trên phân tích nền tảng và nhiều cổ phiếu tốt dường như không có cơ hội trong năm 2021 khi mà thị trường ưu tiên trong lướt sóng thì họ sẽ có cơ hội nhiều hơn ở năm 2023", chuyên gia Hiển cho hay.
Xu thế mới của thị trường chứng khoán 2023 được TS. Hiển nhìn nhận là việc không còn ưu tiên cho lướt sóng mà sẽ đầu tư nền tảng hơn. Điều này sẽ bảo vệ giá trị của các nhà đầu tư. Thị trường sẽ ít những cú tăng sốc rồi giảm mạnh khiến cho nhà đầu tư nền tảng bị thua lỗ mà 2023 thị trường sẽ tăng trưởng bền vững hơn.
Nếu như năm 2022, thị trường điều chỉnh ở mức 1.100 – 1.200 điểm thì chúng ta có thể kỳ vọng 2023 thị trường sẽ đạt mốc tăng trưởng bình quân khoảng 15%. So với lãi suất ngân hàng, mức sinh lời này có thể nói là tốt rồi chứ không kỳ vọng sinh lời cao như 2017 hay 2021.
Ngoài ra, khi Chính phủ đã quyết tâm thiết lập tại nền kinh tế không còn đi vào đầu tư tài chính mà đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Việc dòng tiền không đi vào bất động sản mà chuyển hướng sang sản xuất kinh doanh cũng giúp lượng việc làm tăng. Dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam cũng tăng trưởng tốt, vừa rồi hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn đã công bố kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
"Nền kinh tế phát triển cũng giúp thu nhập và tiêu dùng của số đông người lao động tăng lên, đó là nền tảng tốt để hỗ trợ thị trường nền kinh tế và cả thị trường chứng khoán mà chúng ta thấy rất rõ", TS. Hiển nói.
Bên cạnh đó, một động lực rất quan trọng bị thiếu đi trong năm 2021 và 2022 đó là du lịch. Khi du lịch quốc tế phục hồi ít nhất khoảng 50% so với năm 2019 cũng khoảng 9 triệu khách, tạo động lực mới cho nền kinh tế.
Về yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô, có thể thấy Việt Nam đang làm rất tốt so với thế giới. Nhiều chuyên gia quốc tế cũng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 7,5% trong năm nay và 6,5% trong năm 2023.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển cũng đánh giá, Việt Nam cũng đang làm rất tốt chính sách kiểm soát lạm phát và tỷ giá, nhờ đó nền kinh tế sẽ không chịu nhiều tác động như một số quốc gia và chắc chắn thị trường chứng khoán có động lực để tăng trưởng.
P.V