TS. Lê Xuân Nghĩa: Tín dụng 2025 đối diện nhiều thách thức TS. Lê Xuân Nghĩa: Cần cải cách mạnh mẽ để thành trung tâm tài chính quốc tế |
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, các chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục tạo ra hiệu ứng dây chuyền lên thị trường xuất khẩu toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trao đổi nhanh với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, doanh nghiệp nông sản Việt Nam không nên quá lo ngại về tác động của chính sách thuế Mỹ, mà cần nhìn xa hơn vào bức tranh toàn cầu để tái cấu trúc chiến lược xuất khẩu.
TS. Lê Xuân Nghĩa chỉ rõ, chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump đã "phá vỡ" thông lệ quốc tế, khi áp dụng mức thuế không đồng đều với từng quốc gia, thay vì dựa trên nguyên tắc công bằng trong thương mại đa phương. Trong khi hàng hóa Việt Nam bị áp mức thuế cao, thì hoạt động xuất khẩu sang các thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc lại không bị ảnh hưởng bởi các chính sách này, bởi chúng được điều chỉnh qua các “hiệp định song phương” riêng biệt.
![]() |
TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. |
"Hiện nay, việc xuất khẩu sang các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản... đều dựa vào hiệp định song phương, nên chắc chắn sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế của Mỹ," TS. Nghĩa nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng không nên trông chờ quá nhiều vào tính ổn định của các thị trường truyền thống này, vì “không loại trừ khả năng trong tương lai, họ sẽ đàm phán lại hoặc điều chỉnh các ràng buộc thương mại”.
Một trong những điểm đáng chú ý mà vị chuyên gia này đề cập là hàng rào kỹ thuật - yếu tố ngày càng siết chặt trong xuất khẩu nông sản vào các thị trường phát triển. Ông nêu ví dụ điển hình về Nhật Bản và châu Âu: Dù ngành nông nghiệp chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong GDP của các quốc gia này, nhưng lại được chính phủ tài trợ rất lớn – tương đương 1% GDP mỗi năm.
Điều này khiến hàng nông sản nhập khẩu từ các quốc gia khác, dù có rẻ hơn, chất lượng không thua kém, nhưng vẫn rất khó cạnh tranh do các chính sách bảo hộ ngầm và tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt.
"Ngành nông nghiệp Nhật Bản sống bằng tiền tài trợ của Chính phủ. Điều đó tạo ra một hàng rào kỹ thuật cực kỳ phức tạp. Tức là hàng hóa của chúng ta rất khó có thể xâm nhập vào các thị trường này, cho dù giá rẻ và chất lượng không tồi", TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Một yếu tố khác đang tác động tích cực đến doanh nghiệp xuất khẩu, theo ông Nghĩa, là việc tỷ giá USD đang tăng nhẹ nhưng ổn định. Ông dự đoán tỷ giá hối đoái năm 2025 sẽ chỉ tăng trong khoảng 4 – 4,5%, đây là mức “có kiểm soát” và có thể coi là cơ hội đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp – nơi chi phí sản xuất chủ yếu bằng tiền đồng (VND), còn doanh thu lại thu bằng USD.
"Đây là điểm lợi rõ ràng cho xuất khẩu, vì khi tỷ giá tăng, doanh thu tính bằng tiền đồng sẽ tăng theo trong khi chi phí không đổi," ông Nghĩa nhận định.
![]() |
Việt Nam cần tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu mới. |
Để không rơi vào thế bị động trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, TS. Nghĩa khuyến cáo cần mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt hướng tới các khu vực tiềm năng nhưng ít được chú ý như Trung Cận Đông, Nga, Đông Âu, Trung Á...
“Xuất khẩu nông sản Việt sang Mỹ chiếm tỷ trọng lớn, nhưng khi chính sách thay đổi, chúng ta không thể co cụm mãi vào các thị trường quen thuộc. Cần khẩn trương tiếp cận các khu vực mới, nơi ít rào cản hơn nhưng có nhu cầu nông sản cao,” TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất.
Việc thâm nhập vào các thị trường mới không chỉ giúp phân tán rủi ro, mà còn tăng khả năng thích nghi của doanh nghiệp trước biến động toàn cầu, từ chính sách thuế cho tới hàng rào kỹ thuật hay sự thay đổi của hiệp định thương mại.
Thông điệp của ông Nghĩa là rõ ràng: “Xuất khẩu nông sản Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng”. Dù có những lợi thế nhất định từ thị trường châu Á và tỷ giá thuận lợi, song nếu không có sự chủ động tìm đường mới, doanh nghiệp sẽ sớm rơi vào thế yếu trước các cú sốc thương mại tiếp theo.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa bị xáo trộn bởi chủ nghĩa bảo hộ, doanh nghiệp nông nghiệp Việt cần tư duy chiến lược hơn: Không chỉ dựa vào mối quan hệ thương mại lâu năm, mà còn phải sẵn sàng bứt phá để tiếp cận các cơ hội mới từ những thị trường phi truyền thống.
“Bài toán không nằm ở Mỹ hay Trung Quốc. Bài toán nằm ở chính doanh nghiệp Việt Nam – có đủ năng lực và tư duy để đi xa hơn khỏi ‘vòng tròn an toàn’ hay không,” TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.