TS. Lê Xuân Nghĩa: Giá nhà ở Việt Nam quá cao so với thu nhập TS. Lê Xuân Nghĩa: Tín dụng 2025 đối diện nhiều thách thức |
Ngày nay, việc xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế đang trở thành mục tiêu quan trọng đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho hay, yếu tố cốt lõi để Việt Nam có thể vươn lên trở thành một trung tâm tài chính quốc tế trong tương lai.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất khi xếp hạng trung tâm tài chính quốc tế là môi trường kinh doanh. Ông nhấn mạnh, Việt Nam cần phải tạo ra một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, ổn định và đáng tin cậy, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo. Điều này sẽ giúp thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Môi trường kinh doanh cần phải không có bất kỳ cản trở nào đối với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, nguồn lực tay nghề cao là yếu tố không thể thiếu để phát triển trung tâm tài chính. Việt Nam cần phải xây dựng chính sách nhập cư hợp lý, thu hút nhân tài từ các quốc gia phát triển, đồng thời có mức đãi ngộ hấp dẫn và cạnh tranh để giữ chân những người tài giỏi.
![]() |
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (Ảnh: Phan Chính) |
Theo ông, với đội ngũ nhân lực có kiến thức tài chính, kinh tế và công nghệ vượt trội, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra một môi trường tài chính hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ giúp nền kinh tế vươn lên, phát triển bền vững và gia tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Chính sách thuế cũng là yếu tố quan trọng không kém để tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của trung tâm tài chính. TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất chính sách thuế công bằng, không tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp, nhưng lại đủ cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. Mức thuế hợp lý sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông cũng cho rằng, việc áp dụng chính sách thuế hợp lý không chỉ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để phát triển.
TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định một trung tâm tài chính quốc tế cần có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, bao gồm các không gian văn phòng hiện đại, kết nối mạng linh hoạt và phương tiện vận chuyển tiện lợi. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phải được nâng cấp để đảm bảo an toàn, linh hoạt và đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số.
Để tạo ra một trung tâm tài chính quốc tế thực sự mạnh mẽ, không thể thiếu những yếu tố như giao thông công cộng thuận tiện, chi phí sinh hoạt hợp lý và môi trường sống chất lượng. Môi trường đô thị cần có danh tiếng tốt và một hệ thống pháp lý minh bạch, với các quyết định chính sách rõ ràng, không gây rủi ro cho các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.
Một trong những điểm đáng chú ý trong quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa là việc Việt Nam cần phải học hỏi từ những quốc gia phát triển như Hàn Quốc, nơi chính phủ không chỉ bảo vệ doanh nghiệp trong nước mà còn khuyến khích họ vay vốn từ nước ngoài.“Hàn Quốc khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn từ nước ngoài, và khi vay lớn, Chính phủ sẽ bảo lãnh khoản vay đó,” ông chia sẻ.
Một yếu tố quan trọng khác là thúc đẩy nền kinh tế tư nhân, một trong những lực lượng chủ chốt trong việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế. TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc tạo ra các cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận các yếu tố sản xuất như đất đai, công nghệ, và vốn sẽ là một bước đi quan trọng để phát triển trung tâm tài chính.
TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng được một trung tâm tài chính quốc tế mạnh mẽ. Việc cải cách thể chế, phát triển hạ tầng, thu hút nhân tài, và tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ là những yếu tố quyết định để đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng trên bản đồ tài chính toàn cầu trong tương lai gần.