Tại hội thảo về xây dựng hệ thống tài chính bền vững, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nhấn mạnh rằng tính minh bạch là yếu tố then chốt để Luật Tổ chức tín dụng mới đạt được hiệu quả thực sự.
Ông Nghĩa, khẳng định việc kiểm tra nguồn gốc vốn góp là cần thiết, nhưng điều này có thể gặp khó khăn vì tính minh bạch chung của xã hội Việt Nam vẫn chưa cao.
TS. Nghĩa dẫn chứng trường hợp của Ngân hàng SCB, nơi các vấn đề thiếu minh bạch tồn tại trong nhiều năm mà không được xử lý.
Vị chuyên gia này cho rằng, nếu không cải cách đồng bộ về hành chính, pháp lý và nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra, tình trạng tương tự sẽ tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin thị trường.
TS. Nghĩa cho biết, hoạt động góp vốn của các ngân hàng đã minh bạch hơn so với trước đây, nhưng vẫn cần cải thiện. Ông nhấn mạnh rằng, việc phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2 hiện nay cũng tồn tại những vấn đề thiếu minh bạch.
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (Ảnh: Phan Chính) |
Theo ông, minh bạch không chỉ là yêu cầu trên giấy tờ mà cần được thể hiện trong thực tế qua công tác thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm.
Một trong những vấn đề được TS. Nghĩa quan tâm là việc các ngân hàng thương mại cần tuân thủ các tỷ lệ an toàn vốn, không nên có lộ trình dài cho việc thực thi các quy định về vốn. Thay vào đó, các ngân hàng cần điều chỉnh ngay trong vòng 6 tháng đến 1 năm để đảm bảo ổn định hệ thống.
Tuy nhiên, ông cũng lo ngại về khả năng trốn tránh quy định của một số tổ chức tín dụng, chẳng hạn như việc phát hành trái phiếu trong khi Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành thanh tra.
Ngoài ra, ông Nghĩa cũng đề cập đến vấn đề sử dụng nguồn vốn vay, đặc biệt là các khoản vay liên quan đến các bên có liên quan. Ông nhận định rằng cần tập trung giám sát chặt chẽ để đảm bảo các khoản vay này được sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro lan truyền trong hệ thống.
Về hoạt động cho vay, TS. Lê Xuân nghĩa chỉ ra một số vấn đề như. Thứ nhất, các ngân hàng thường ưu tiên cho vay đối với doanh nghiệp xuất khẩu hoặc kinh doanh bất động sản vì đây là những đối tượng được coi là an toàn nhất. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực công nghiệp chế biến lại gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn.
Thứ hai, một số doanh nghiệp lớn tăng tổng tài sản một cách đột biến để cải thiện khả năng vay vốn. Ngoài ra, có những doanh nghiệp nhảy vào lĩnh vực bất động sản khi không thể cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu, dẫn đến rủi ro cao hơn cho các khoản vay.
Cuối cùng, cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để làm rõ các vấn đề thiếu minh bạch, đặc biệt là các khoản vay có liên quan đến các bên nội bộ.
Để đảm bảo Luật Tổ chức tín dụng mới được thực thi hiệu quả, TS. Lê Xuân Nghĩa đã đưa ra một số đề xuất như.
Đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước cần yêu cầu các ngân hàng thương mại tuân thủ các quy định về vốn trong vòng 6 tháng đến 1 năm, tránh lộ trình dài làm giảm hiệu quả quản lý.
Hai là, hệ thống thanh tra cần hoạt động độc lập, nghiêm túc và có chế tài mạnh tay với các hành vi vi phạm.
Ba là, Đảm bảo các đối tượng vay vốn được đánh giá công bằng, tránh ưu ái cho các doanh nghiệp sân sau hoặc các lĩnh vực rủi ro cao.
Bốn là, Cần đồng bộ hóa các quy định pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý và xử lý vi phạm để tạo ra một môi trường tài chính minh bạch và ổn định.
Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Luật Tổ chức tín dụng mới mang lại nhiều kỳ vọng về việc cải thiện tính minh bạch và kiểm soát hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của luật này phụ thuộc vào việc thực thi nghiêm túc và cải cách đồng bộ các yếu tố liên quan.
“Tính minh bạch không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là yếu tố sống còn để xây dựng niềm tin từ thị trường và các nhà đầu tư, đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính Việt Nam”, ông Nghĩa nói.