TS. Lê Xuân Nghĩa: Cần cải cách mạnh mẽ để thành trung tâm tài chính quốc tế TS. Lê Xuân Nghĩa: Xuất khẩu nông sản cần vượt khỏi “vòng tròn quen thuộc” |
Tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025: Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới' diễn ra ngày 18/7/2025, TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển Tài chính Carbon (CODE) - cho biết, thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam đang bị tác động trực tiếp đến sinh kế của cộng đồng dân tộc thiểu số đang ngày đêm gìn giữ những cánh rừng tự nhiên quý giá. Cần phải thay đổi tư duy, đảm bảo công bằng cho những người đang trực tiếp đóng góp vào mục tiêu Net Zero của nước ta.
TS. Lê Xuân Nghĩa kể câu chuyện về khu sinh thái do đơn vị ông quản lý, sở hữu 300 ha rừng tự nhiên – được đánh giá là một trong những cánh rừng có hệ sinh thái tốt nhất Việt Nam.
"Chúng tôi đã tự bỏ kinh phí ra đo đạc, xác minh số liệu, định lượng tín chỉ carbon đầy đủ, và hiện chỉ muốn bán để có kinh phí nuôi lực lượng bảo vệ rừng, đồng thời hỗ trợ sinh kế cho những người đang trực tiếp chăm sóc rừng," ông Nghĩa chia sẻ.
![]() |
TS. Lê Xuân Nghĩa Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển Tài chính Carbon (CODE). (Ảnh: Phan Chính) |
Thế nhưng thực tế lại phũ phàng: "Chúng tôi không bán được". Ông cho biết, thị trường trong nước chưa hình thành, còn khi bán ra nước ngoài, dù đã có đối tác tìm đến, thậm chí đã đặt cọc, nhưng câu trả lời từ cấp trên là "không được phép bán". Lý do được đưa ra là lo ngại việc bán tín chỉ carbon ra nước ngoài sẽ khiến doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khối công nghiệp và hàng không – không còn tín chỉ để bù trừ nghĩa vụ phát thải trong tương lai, nhất là khi ngành hàng không bắt đầu chịu ràng buộc từ năm 2027. Ngoài ra, cũng có quan điểm e ngại rằng việc bán ra nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến nghĩa vụ giảm phát thải quốc gia, do tín chỉ đã được chuyển nhượng quốc tế.
Trước những lý do và thời hạn được đưa ra, TS. Lê Xuân Nghĩa không ngần ngại đặt câu hỏi ngược lại đầy trăn trở: "Chúng ta đang quan tâm rất nhiều tới các doanh nghiệp nội địa, nhưng có ai quan tâm 14 triệu người dân tộc thiểu số đang sống bằng gì không?" Ông nhấn mạnh rằng, con cái họ cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, không có tiền đi học, ốm đau không có tiền chữa trị.
"Tại sao chúng ta lo cho các hãng hàng không – giàu có, hiện đại – mà lại không cho phép người dân nghèo được tiếp cận một nguồn thu hợp pháp từ tài nguyên chính họ đang giữ gìn?" TS. Nghĩa bày tỏ.
![]() |
Các diễn giả thảo luận tại diễn đàn ngày 18/7/2025 |
Ông Nghĩa cho rằng, nếu các hãng hàng không thực sự cần tín chỉ carbon thì hãy chủ động đi mua, còn những người quản lý và bảo vệ rừng mong muốn bán để lấy tiền nuôi những người nghèo đang gắn bó với rừng. Ông khẳng định: "Không thể để các doanh nghiệp chỉ ngồi chờ chính phủ 'cấp tín chỉ', trong khi những người dân đang bảo vệ rừng tiếp tục chịu khổ ngày qua ngày, hết năm này sang năm khác."
TS. Nghĩa dự cảm rằng, từ nay đến năm 2029, sẽ còn rất nhiều người phải chịu thiệt thòi vì sự chậm trễ này. Ông tha thiết kiến nghị cấp trên xem xét lại tư duy chính sách hiện tại, bởi rõ ràng, cách làm hiện tại "chưa ổn".
TS. Lê Xuân Nghĩa tiếp tục phân tích, rừng không chỉ là nơi bảo vệ nguồn nước, giữ gìn thảm thực vật, chống xói mòn, mà quan trọng hơn, rừng còn gắn liền với sinh kế và văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
“Chúng ta vẫn đang tư duy theo kiểu: "Cái đó là tài sản quốc gia, để nhà nước lo", rồi ưu tiên bảo vệ cho một số doanh nghiệp – những doanh nghiệp vốn đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi”, vị chuyên gia này nhìn nhân.
Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có một báo cáo chính thức nào về phát thải hộ gia đình, cũng chưa có một lộ trình, kế hoạch rõ ràng để cắt giảm phát thải từ các hộ dân cư – nơi mà ảnh hưởng đến môi trường không hề nhỏ.
TS. Lê Xuân Nghĩa đề nghị cần phải thay đổi tư duy, không thể tiếp tục những cách nghĩ mơ hồ, thiếu cơ sở, thiếu lộ trình rõ ràng như trước.
"Chúng ta có nghĩa vụ phải bảo vệ 14 triệu người dân tộc thiểu số còn đang sống trong nghèo khổ ở vùng sâu, vùng xa. Đừng nghĩ rằng họ giờ đã 'khá lắm rồi'. Đừng tin vào những con số rằng tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm mạnh. Cứ đến tận nơi, nhìn vào bữa cơm của họ, sẽ thấy họ vẫn sống như vậy, quanh năm suốt tháng," ông nhấn mạnh.