![]() |
Trung Quốc cảnh báo trả đũa nếu quốc gia khác “ngả theo” Mỹ. |
Trung Quốc ngày thứ Hai (21/4) đã cáo buộc Mỹ lạm dụng thuế quan, và đưa ra cảnh báo cứng rắn đối với bất kỳ quốc gia nào ký kết thỏa thuận thương mại với Washington mà làm tổn hại đến lợi ích của Bắc Kinh. Căng thẳng trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục gia tăng khi Bắc Kinh kiên quyết chỉ trích và mở rộng phản ứng ngoại giao.
Trong tuyên bố từ Bộ Thương mại, Bắc Kinh nhấn mạnh sẽ kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào "ký thỏa thuận gây bất lợi cho Trung Quốc", và sẽ có các biện pháp đáp trả "mạnh mẽ và tương xứng".
Phản ứng này được đưa ra sau khi Bloomberg đưa tin chính quyền Tổng thống Donald Trump đang lên kế hoạch gây áp lực với các nước muốn được miễn giảm thuế, yêu cầu họ phải hạn chế giao thương với Trung Quốc, thậm chí có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt tài chính nếu không tuân thủ.
Ngày 2/4, ông Donald Trump đã công bố áp thuế diện rộng với hàng chục quốc gia, nhưng sau đó đã tạm hoãn với hầu hết, ngoại trừ Trung Quốc – nước hiện đang phải gánh mức thuế cao nhất lên tới 245%. Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả bằng thuế 125% với hàng hóa Mỹ, tạo nên vòng xoáy leo thang căng thẳng thương mại lẫn nhau. Tuy nhiên, Trung Quốc đã ra tín hiệu rằng sẽ không tiếp tục tăng thuế thêm nữa trong thời gian tới.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định Mỹ đã "lạm dụng thuế quan với tất cả các đối tác thương mại dưới danh nghĩa 'tương đương', đồng thời ép buộc các nước bước vào đàm phán thuế quan theo điều kiện của mình".
Ngoài ra, Trung Quốc cho biết sẵn sàng tăng cường đoàn kết với các quốc gia khác để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, trong bối cảnh bất ổn thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc.
ASEAN bị cuốn vào cuộc đối đầu Mỹ - Trung
Giữa lúc cuộc chiến thuế leo thang, Trung Quốc cũng tăng cường mặt trận ngoại giao nhằm xây dựng thế trận đa phương. Tuần này, Bắc Kinh sẽ tổ chức một cuộc họp không chính thức tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, lên án Mỹ về hành vi “bắt nạt” và cáo buộc Washington “làm lu mờ nỗ lực gìn giữ hòa bình và phát triển toàn cầu” thông qua việc vũ khí hóa thuế quan.
Đồng thời, Tổng thống Donald Trump cũng đang thúc đẩy các cuộc đàm phán song phương. Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer cho biết gần 50 quốc gia đã tiếp cận với Mỹ để thảo luận về việc được giảm hoặc miễn thuế bổ sung.
Một số quốc gia như Nhật Bản đang cân nhắc tăng nhập khẩu đậu nành và gạo từ Mỹ, trong khi Indonesia có kế hoạch tăng mua hàng hóa nông sản Mỹ và giảm nhập khẩu từ các thị trường khác.
Khu vực Đông Nam Á đang trở thành tâm điểm của sự giằng co giữa hai siêu cường. Sáu quốc gia ASEAN đã bị Mỹ áp thuế từ 32% đến 49%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu – đặc biệt khi nhiều nước từng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, với tổng kim ngạch đạt 234 tỷ USD chỉ trong quý I/2025. Về phía Mỹ, kim ngạch thương mại với ASEAN trong năm 2024 đạt khoảng 476,8 tỷ USD, đưa Washington trở thành đối tác lớn thứ tư của khối.
Trong chuyến công du ba nước Đông Nam Á hồi tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các quốc gia đối tác phản đối “chủ nghĩa đơn phương bắt nạt”, nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang "phá bỏ các rào cản" và mở rộng vòng kết nối thương mại toàn cầu.
“Không có người thắng trong các cuộc chiến thương mại hay chiến tranh thuế quan”, ông Tập Cận Bình viết trong một bài xã luận.
![]() Đồng USD đã suy yếu xuống mức thấp nhất trong ba năm, sau loạt phát ngôn gây sốc từ ông Donald Trump về khả năng sa thải Chủ tịch Fed, dấy lên lo ngại về tính độc lập của chính sách tiền tệ Mỹ. |
![]() Khi căng thẳng thương mại leo thang, dòng tiền đầu tư đang rút khỏi cổ phiếu tăng trưởng để tìm đến nhóm tiêu dùng thiết yếu châu Á – nơi được xem là “vùng trú ẩn an toàn” nhờ nhu cầu nội địa ổn định. |
![]() Thương hiệu xa xỉ Hermès của Pháp cho biết sẽ chuyển toàn bộ chi phí phát sinh từ thuế quan của Mỹ sang người tiêu dùng giàu có tại thị trường này, trong bối cảnh doanh số quý I/2025 tăng chậm hơn kỳ vọng. |