![]() |
ECB cắt giảm lãi suất lần thứ 7 giữa căng thẳng thương mại. |
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ 7 trong vòng 1 năm trở lại đây, vào thứ Năm (17/4), nhằm hỗ trợ nền kinh tế vốn đang chật vật trước những đòn thuế quan từ Mỹ.
ECB đã liên tục nới lỏng chính sách tiền tệ khi áp lực lạm phát giảm mạnh, trong khi biến động thị trường toàn cầu gần đây củng cố niềm tin rằng lạm phát khu vực đồng euro đã được kiểm soát, tạo đà cho các biện pháp kích thích tiếp theo.
Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde dự kiến sẽ không đưa ra tín hiệu rõ ràng về lộ trình tương lai, mà nhấn mạnh rằng bất ổn vẫn quá lớn để đưa ra cam kết dài hạn. Mọi quyết định sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế mới nhất.
Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm hoãn một số loại thuế quan, nhiều mức thuế vẫn được giữ nguyên, và sự biến động thị trường tài chính đã gây thiệt hại đáng kể.
"Ngay cả khi Mỹ tạm dừng thuế, ECB vẫn có lý do chính đáng để cắt lãi suất. Tác động kép từ thuế quan đối ứng, bất ổn và điều kiện tài chính có thể vượt xa dự đoán trước đó của ECB", Deutsche Bank nhận định
Theo ước tính trước đó của ECB, tăng trưởng tại 20 quốc gia sử dụng đồng euro có thể giảm 0,5 điểm phần trăm nếu thuế quan được áp dụng, xóa sổ một nửa mức tăng trưởng kỳ vọng. Con số này thậm chí có thể còn bi quan hơn nếu Tổng thống Donald Trump quay lại áp đặt rào cản thương mại lớn hơn hoặc EU đáp trả.
Biến động từ chính sách thương mại khó lường của Mỹ cũng có thể kéo giá cả đi xuống, giúp ECB đạt mục tiêu lạm phát nhanh hơn.
Đồng euro tăng giá trong bối cảnh biến động, giá năng lượng giảm mạnh, tăng trưởng chậm lại do thương mại suy yếu, và Trung Quốc – mục tiêu số 1 của thuế quan Mỹ – có thể đẩy hàng tồn kho sang thị trường châu Âu.
Ngân hàng Morgan Stanley dự báo, dựa trên giá thị trường hiện tại và tỷ giá hối đoái, lạm phát thậm chí có thể giảm xuống dưới mục tiêu 2% của ECB trong thời gian tới.
Một lý do khác để ECB cắt giảm 25 điểm cơ bản (đưa lãi suất tiền gửi xuống 2,25%) là thị trường đã định giá sẵn động thái này, và ECB không muốn gây thêm bất ổn. Dù quyết định cắt lãi suất gần như chắc chắn, giới đầu tư sẽ phân tích kỹ phát biểu của bà Lagarde tại họp báo để tìm manh mối về chính sách tương lai.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi liệu ECB có duy trì ngôn ngữ về mức lãi suất "hạn chế" hay không – dấu hiệu cho thấy nới lỏng chính sách vẫn là kịch bản chính. Ngoài ra, cập nhật về tác động của rào cản thương mại cũng là điều đang được mong đợi. Dù Chủ tịch Lagarde từng công bố một số con số hồi cuối tháng trước, ECB vẫn đang tinh chỉnh ước tính và bà có thể chia sẻ thêm thông tin, dù báo cáo chính thức chỉ được công bố vào tháng 6 tới.
Đáng chú ý, chuyên gia Reinhard Cluse từ UBS cho rằng chi phí đi vay tại EU có thể sẽ được tăng trở lại vào năm sau, để ngăn chặn vật giá leo thang do các gói kích thích tài khóa. Ông nhận định: "ECB có thể phải tăng lãi suất vào cuối năm 2026 để ngăn lạm phát vượt kiểm soát năm 2027. Chúng tôi dự đoán hai lần tăng, mỗi lần 25 điểm cơ bản vào tháng 9 và tháng 12/2026, đưa lãi suất lên 2,5% – cao hơn mức trung lập".